Hội đồng Mục vụ – Bài 1: Tre già nhưng măng chưa mọc

Quy chế Hội đồng Mục vụ Giáo xứ của Tổng Giáo phận Sài Gòn năm 2015 cho phép hạn tuổi để được chọn vào Hội đồng Mục vụ Giáo xứ là từ 30 đến 70. Thế nhưng thực tế ít nơi nào có thành viên Hội đồng Mục vụ ở lứa tuổi 30 đến 40.

Hội đồng Mục vụ của Giáo xứ Lạc Quang, Tổng Giáo phận Sài Gòn nhiệm kỳ 2016-2020 nhận uỷ nhiệm thư. Ảnh: Vũ Phượng.

Giáo xứ nào cũng có Hội đồng Mục vụ. Trong khi chờ đợi để có quy chế chung cho tất cả các giáo phận trên toàn quốc, nhiều giáo phận đã được đức giám mục phê chuẩn và ban hành Quy chế Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, hay có nơi gọi là Kim chỉ nam Hội đồng Mục vụ Giáo xứ.

Việc trẻ hóa Hội đồng Mục vụ còn gặp nhiều rào cản

Quy chế Hội đồng Mục vụ Giáo xứ của Tổng Giáo phận Sài Gòn năm 2015 (dựa trên Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân số 10, 26 và Giáo luật Điều 536, 53) cho phép hạn tuổi để được chọn vào Hội đồng Mục vụ giáo xứ là từ 30 đến 70.

Thế nhưng hiếm nơi nào có thành viên Hội đồng Mục vụ khoảng 30 hoặc 40 tuổi trụ vững. Riêng một số giáo xứ thuộc cộng đồng người Việt ở hải ngoại, người lãnh trách nhiệm trong một giáo xứ thường là những anh chị em giáo dân trẻ, độ trên dưới 40 tuổi.

Tại một số giáo xứ, có những lần giáo dân cũng đã bầu người trẻ vào Hội đồng Mục vụ. Thế nhưng khi chính thức làm việc chẳng được bao lâu thì họ gặp phải sự chống đối dữ dội. Nguyên nhân là vì những người trẻ này mặc dù rất năng nổ nhưng lại thiếu sự khiêm tốn, một đức tính rất cần thiết cho một người làm công việc phục vụ trong Hội đồng Mục vụ, theo gương của chính Chúa Giêsu, Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ…. (Mt 20, 28).

Nhận trách nhiệm là thành viên của Hội đồng Mục vụ, họ đã phải hy sinh rất nhiều để đồng hành với các linh mục trong vai trò của một người tôi tớ phục vụ. Thế nên đa số giáo dân trong giáo xứ ưu tiên chọn những người không chỉ có đời sống đức tin, có điều kiện sống và có trình độ tương đối, mà họ cần phải có năng lực.

Tại nhiều nơi, người được bầu chọn vào Hội đồng Mục vụ có khi là kỹ sư, giáo sư hay bác sĩ… Hàng tuần, trước hoặc sau thánh lễ, họ đã thay cha xứ của mình phổ biến các sinh hoạt của giáo xứ hay đề ra các kế hoạch mục vụ và cả kế hoạch tài chánh cho giáo xứ.

Cánh tay nối dài của cha xứ

Những anh chị em được bầu chọn vào Hội đồng Mục vụ, mỗi người một phần vụ riêng, là những cộng sự viên, cũng có nghĩa là những cánh tay nối dài của linh mục quản xứ trong các công việc chung của giáo xứ.

Tại TGP Sài Gòn, từ nhiều năm qua đã có những giáo xứ mà người giữ chức vụ Chủ tịch HỘI ĐỒNG MỤC VỤ là phụ nữ như Tân Định, Gò Vấp… Một tín hiệu đối xử bình đẳng trong Giáo hội đáng được học hỏi.

Quy chế Hội đồng Mục vụ giáo xứ của Tổng Giáo phận Sài Gòn đã nêu bật nhiệm vụ của họ là: Ngoài việc “hợp tác với cha chánh xứ trong công tác quản trị giáo xứ” họ cũng cùng với cha xứ “xây dựng giáo xứ thành một cộng đoàn tư tế phụng thờ Thiên Chúa, sống, làm chứng và loan truyền Tin Mừng, yêu thương và phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người trong bối cảnh văn hóa xã hội ngày nay”.

Thế nên, những người này có sứ vụ rất cao quí và những trách nhiệm khá nặng nề. Đó chính là những sứ vụ của Chúa Kitô: Mục tử, Tư tế và Ngôn sứ. Những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, từ giám mục, linh mục, tu sĩ cho đến giáo dân đều được chia sẻ vào các sứ vụ này.

Các giám mục kế vị các tông đồ thi hành sứ vụ cách trọn vẹn và các ngài thông truyền cho các linh mục qua bí tích Truyền chức. Giáo dân, nhất là những anh chị em được chọn vào Hội đồng Mục vụ có cơ hội và điều kiện được cộng tác với cha xứ của mình, cũng là cộng tác với đức giám mục, qua đó được cộng tác với chính Chúa Kitô trong sứ mệnh cao đẹp.

Những việc làm còn mang tính thế tục

Ở Việt Nam, vào thời gian trước đây và ngay cả hiện nay, những người được bầu chọn vào Hội đồng Mục vụ thường phải là những người đã lớn tuổi. Khi đã “trúng cử”, họ được gọi là “cụ chánh” hay “cụ trùm”. Bà vợ hay ông chồng của họ cũng nhờ đó mà lên chức “bà chánh”, “ông trương”…

Như tôi được biết, mặc dù đã có lời khuyến cáo của các vị hữu trách, có những anh chị em tại một xứ đạo, khi có chức trong Hội đồng Mục vụ, dù chỉ là người phụ trách một đoàn thể hay một ban ngành trong giáo xứ (như âm thanh, ánh sáng…) hoặc được giữ chức ông từ (là người giật chuông, mở và đóng cửa nhà thờ) vẫn tổ chức những bữa ăn “khao chức” rất hoành tráng.

Trước khi mãn nhiệm, họ cũng mời thực khách đến tham dự rất đông, có lẽ với ý ngay lành là để mừng “bằng tri ân” do cha xứ cấp cho. Dù không còn có trách nhiệm như thời gian đương chức, nhưng các ông bà anh chị em này vẫn tiếp tục được gọi là ông chánh, bà trùm, ông trưởng, bà quản…

Có những trường hợp không hay đã xảy ra, có thể là do giáo dân và cũng có thể là do cha xứ. Khi không được cha xứ ghi nhận công đức của mình vào ngày mãn nhiệm, các thành viên Hội đồng Mục vụ và gia đình cùng cả dòng họ đã tỏ ra rất bất bình với cha xứ vì ngài thiếu công bằng hay thiên vị. Nhưng lại cũng có những người đứng về phía cha xứ, cho rằng “làm việc cho Chúa, không cần biểu dương những thành tích cá nhân”.

Tiêu chuẩn tuyển chọn vào Hội đồng Mục vụ Giáo xứ
(1) Là tín hữu đã chịu phép Thêm Sức, đã ghi danh trong giáo xứ ít là một năm, có đời sống gương mẫu, phù hợp với giáo huấn và đường lối của Giáo hội, không bị ngăn trở về Giáo luật;
(2) Có những đức tính nhân bản cần cho chức vụ, như tinh thần phục vụ, biết làm việc tập thể;
(3) Có năng lực cần cho chức vụ, như sức khỏe, trình độ văn hóa, những kỹ năng chuyên môn;
(4) Có thời giờ dành cho công việc chung;
(5) Đối với Ban Thường vụ, từ 30 đến 70 tuổi, nam hoặc nữ. Có thể cứu xét trường hợp đặc biệt. Đối
với các ủy viên, tùy hoàn cảnh, có thể mở rộng hạn định tuổi;
(6) Toàn giáo phận sẽ tổ chức bầu cử chung, bốn năm một lần.
Điều 21, Quy chế
Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, Tổng Giáo phận Sài Gòn 2015

LM VINH SƠN NGUYÊN HOÀ, SSS

>> Hội đồng Mục vụ – Bài 2: Việc trẻ hoá còn lắm nhiêu khê