Sống đạo trong mọi hoàn cảnh

Để có thể sống đạo trong mọi hoàn cảnh dù thuận tiện hay không thuận tiện, điều cần, thiết tưởng là hiểu đạo và biết đạo. Nếu hiểu biết đạo cho kỹ thì trong hoàn cảnh nào cũng có thể sống đạo được mà sống một cách sâu xa nghĩa lý.

Hoàn cảnh kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá của một nước ảnh hưởng nhiều đến người dân của nước ấy về mọi phương diện. Vì thế, sống trong hoàn cảnh nào phải dựa theo những hoàn cảnh đó để sống đạo cho thích hợp. Vậy, phải có những điều kiện nào mới sống cho thích hợp được?

Người Kitô hữu phải lấy Đức Kitô làm mẫu mực trong mọi việc thờ phượng. Ảnh minh họa: Phạm Tân

Chấp nhận hoàn cảnh không thuận tiện

Điều kiện thứ nhất là chấp nhận hoàn cảnh không thuận tiện, nếu không muốn nói là éo le. Điều này đúng không phải cho bây giờ mà cho mọi thời, vì con đường theo Chúa không phải lúc nào cũng phẳng phiu và có những khúc rất gập ghềnh. Đó là định luật cho những ai muốn theo Người: “Ai muốn theo tôi, phải tư bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. (Lc 9,23)

Kinh nghiệm của những người theo Chúa cho thấy có những trường hợp theo Người rất gay go và đòi hỏi, có khi phải mất mát thiệt thòi và nguy hiểm cả đến tính mạng nữa.

Thờ Chúa trong tinh thần và chân lý

Nhiều người dựa vào một câu trong Tin Mừng theo thánh Gioan: Thờ Chúa trong tinh thần và chân lý”, (Ga 4,23-24) để nói rằng giữ đạo tại tâm chứ không cần lễ nghi hình thức bên ngoài. Điều này có phần đúng theo nghĩa phải chú trọng đến nội dung hơn hình thức, phẩm chất hơn số lượng. Nhưng không phải vì thế mà loại bỏ mọi lễ nghi, hình thức bên ngoài được.

Thánh Giacôbê nói:“ Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an. Mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?”. Cũng vậy, “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết”, (Gc 2,16-17). Người theo Nho giáo cũng có câu: “Dĩ lễ tồn tâm”, lấy lễ nghi bên ngoài làm cho cái tâm bên trong tồn tại.

Vậy phải hiểu câu “thờ Chúa trong tinh thần và chân lý thế nào”?  Trong tinh thần nghĩa là trong cái gì cao quí nhất, nội tâm nhất, hợp với ý Thiên Chúa hơn cả. Trong chân lý là trong cái gì phù hợp với ý Chúa Cha, do Đức Giêsu chỉ dạy.

Bởi thế, thờ Chúa trong tinh thần và trong chân lý không chỉ có nghĩa là đạo tại tâm mà chính là lấy cái cao quí nhất, nội tâm nhất, hợp với ý Chúa hơn cả như nói trên, và lấy Đức Kitô làm mẫu mực trong mọi việc thờ phượng.

Khi còn nhỏ thì phải học giáo lý, khi lớn lên phải tiếp tục trau dồi qua sách báo đạo hay theo các buổi hội học, khi chưa có đạo mà vào đạo phải có đủ thời gian để học cho kỹ. Nhưng cần hơn cả là ơn Chúa để giữ cho mình gắn bó với đạo, vì đạo là con đường đưa tới hạnh phúc thật và sự sống đời đời.

Khi không có hoàn cảnh hay điều kiện để bày tỏ lòng thờ kính ra bên ngoài thì đừng quên rằng “Đã đến thời người ta thờ Chúa không phải trên ngọn núi này hay ở Giêrusalem” (Ga 4,21) nghĩa là không còn tùy thuộc ở nơi chốn mà nội tại trong tinh thần, không phải lệ thuộc vào thời gian và không gian nhưng tự do, siêu việt.

Xác tín về lòng tin của mình

Có những lúc tín hữu không dễ gì giữ vững được lòng tin, vì bên trong thì bị khủng hoảng, bên ngoài thì gặp trở ngại, hoặc do hoàn cảnh, thời cuộc, hoặc do công việc làm ăn chi phối. Cần phải biết như vậy để nuôi dưỡng lòng tin của mình và xác tín về lòng tin đó, nghĩa là biết tại sao mình tin, lòng tin của mình dựa trên nền tảng nào để không nao núng khi bị người khác mỉa mai hay chất vấn.

Điều này rất cần để tránh những mặc cảm, khi bị người khác cho là chậm tiến về mặt trí thức hay mê tín dị đoan. Nhiều người đã cảm thấy ngột ngạt hay chột dạ trước những luận điệu kia.

LM ANRÊ ĐỖ XUÂN QUẾ, OP

>> Cư xử với người ngoài Công giáo