Tôi rất ấn tượng với bài Hành chính hóa… việc đạo của tác giả Thạch Phùng. Trước khi viết tiếp, tôi xin được tự giới thiệu đôi chút về mình. Năm nay tôi 75 tuổi, có hân hạnh là thành viên Hội đồng Giáo xứ của một giáo xứ từ năm 1973 khi còn rất trẻ.
Tôi chính thức là trưởng Ban Hành giáo (Hội đồng Giáo xứ, ông trùm) từ năm 1988 và cũng là thành viên của Hội đồng Giáo xứ cấp giáo phận từ năm 1995, đã chính thức nghỉ hưu từ cuối năm 2014.
Nói rõ hơn, 27 năm là Trưởng ban Hành giáo của giáo xứ, 20 năm là thành viên Hội đồng Giáo xứ cấp giáo phận. Đã được hân hạnh làm việc với nhiều đức cha giáo phận và nhiều cha sở nên tôi mạn phép nêu lên một vài ý để minh oan cho các ông trùm “hữu danh vô thực”.
có NGƯỜI định nghĩa: Hội đồng Giáo xứ là những người được chỉ định treo cờ trong những dịp lễ lớn, hoặc là người giúp việc cho cha sở…
Như chúng ta ai cũng biết, Hội đồng Giám mục Việt Nam có Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu (nguyên Giám mục Chính tòa Giáo phận Long Xuyên, từng đặc trách về Ủy ban Giáo dân) và cha Tạ Huy Hoàng đã từng đi nhiều giáo phận thuyết trình, hướng dẫn, giảng phòng về vấn đề này nhiều lần nhưng vẫn không có tiếng nói chung. Vai trò của Hội đồng Giáo xứ mỗi giáo phận lại có một quy chế riêng, danh xưng cũng không thống nhất. Nơi thì Hội đồng Giáo xứ, nơi thì Hội đồng Mục vụ…
Nơi tôi ở thì danh xưng là Hội đồng Giáo xứ. Nhưng theo quy chế thì cha sở là chủ tịch Hội đồng Giáo xứ, đại diện giáo dân được gọi là Trưởng ban nhưng không có tiếng nói quyết định.
Chúng tôi thường nói đùa: “Thiên lôi chỉ đâu đánh đó”. Trong những lần chúng tôi được tập trung thường huấn Hội đồng Giáo xứ toàn giáo phận, lúc thảo luận có thành viên định nghĩa: Hội đồng Giáo xứ là những người được chỉ định treo cờ trong những dịp lễ lớn, hoặc là người giúp việc cho cha sở theo đúng nghĩa của từ giúp việc… Và còn nhiều định nghĩa khác, nói chung tất cả là: “Thiên lôi chỉ đâu đánh đó”. Hay nói một cách chính xác hơn, chúng tôi luôn luôn phải làm theo chỉ thị của đấng bản quyền tại chỗ. Như trường hợp của cụ bà mà tác giả Thạch Phùng đã nêu thì có thể có nhiều tình huống xử lý. Có cha sở thì rước vào nhà thờ để làm gương về việc sống đạo hoặc để truyền giáo vì con dâu cụ là tân tòng. Trong thánh lễ sẽ có rất nhiều bạn bè, người thân của con dâu cụ chưa phải là người Công giáo tham dự.
Nhưng ngược lại, có thể có cha sở không cho đem linh cữu vào nhà thờ, chỉ đặt ở cuối hoặc bao lơn nhà thờ. Làm như vậy cũng là để làm gương vì cụ được coi là không đồng hành và đã tách rời mọi sinh hoạt của giáo xứ…
Tôi xin kể một trường hợp mà tôi đã gặp để nói lên đặc quyền của đấng bản quyền tại chỗ. Một vị giám mục rất thân với gia đình kia. Đức cha có nhã ý đến dâng thánh lễ mãn tang cho một bà cụ tại giáo xứ nơi các con cái, cháu chắt bà cụ ở. Mặc dù đã được sự đồng ý của đức cha giáo phận sở tại, nhưng khi gia đình trình bày với cha sở, ngài nhất định không đồng ý với một lý do rất đơn giản: Bất cứ linh mục nào cũng được, chỉ cần cho ngài biết tên và nhiệm sở. Nhưng đức cha thì không (?!).
Viết lên những dòng suy nghĩ trên đây là để minh oan cho số đông ông trùm phải làm theo các chỉ thị của đấng bản quyền và không có quyền sáng tạo. Sở dĩ có cha sở còn không tin cánh tay phải của mình là Hội đồng Giáo xứ mà yêu cầu tất cả liên hệ đều phải trực tiếp với ngài, không qua trung gian Hội đồng Giáo xứ, kể cả những việc nhỏ nhất như xin rửa tội cho con trẻ, nhập xứ…