Lễ đồng tế không dành cho… dân thường

Đầu tháng 3 vừa rồi, ở một giáo xứ thuộc Giáo phận Phú Cường, cộng đoàn Dân Chúa được tham dự thánh lễ đồng tế với khoảng hơn 10 linh mục do Đức Cha nguyên Giám mục Giáo phận chủ tế. Đó là lễ an táng cho một giáo dân... bình thường.

Gọi là “giáo dân bình thường” vì đây không phải là ông, bà cố của linh mục hay tu sĩ nào. Nhiều người không ngạc nhiên vì biết người quá cố từng là ân nhân có nhiều đóng góp giúp đỡ cho công việc chung của Giáo hội.

Ở Mỹ, việc dâng lễ đồng tế cho giáo dân rất dễ dàng

Thế nhưng cũng không ít người băn khoăn thắc mắc rằng có qui định nào cho việc dâng thánh lễ đồng tế. Phải chăng chỉ có các đấng bậc, linh mục, thân sinh linh mục và những ân nhân có nhiều đóng góp vật chất (tất nhiên phải thuộc tầng lớp ăn nên làm ra, có của cải) khi sống thì lúc qua đời mới được cử hành thánh lễ đồng tế?

Linh mục Ngô Tôn Huấn, tiến sĩ thần học, khẳng định rằng: “Thánh lễ đồng tế là thánh lễ được cử hành do một vài hay nhiều linh mục cùng dâng lễ chung với giám mục hay với một linh mục khác làm chủ tế (celebrant). Việc này rất thông thường và hợp pháp trong giáo hội khắp mọi nơi và không hề có khoản giáo lý, giáo luật nào ngăn cấm hay hạn chế việc đồng tế…”.

Nhưng tại Việt Nam, thánh lễ đồng tế thường chỉ cử hành trong các dịp đại lễ, như Lễ Dầu (Charism Mass), lễ truyền chức hay an táng linh mục, giám mục, lễ an táng thân sinh các đấng bậc hay tu sĩ. Còn giáo dân thì không thể, hoặc rất hãn hữu, như trong một dịp lễ hôn phối tại nhà thờ Thánh Gia (Tân Định) cách nay gần 8 năm, mà tôi đã tham dự.

Thực tế tại một giáo xứ thuộc Giáo phận Xuân Lộc, cách nay đã hơn một năm có gia đình mà khi ông bố qua đời, khá đông anh em, con cháu là linh mục, cùng với ba, bốn linh mục từ các nơi mà gia đình từng sinh sống trước đây về dự tang lễ, muốn được đồng tế dâng thánh lễ cho ông.

Thế nhưng linh mục quản xứ yêu cầu nhiều thủ tục như phải làm đơn trình cha quản xứ, cha quản xứ phê chuẩn rồi nhà hiếu “đội đơn” (nguyên văn) lên xin đức giám mục, chỉ khi nào đức giám mục chấp nhận thì mới được làm. Thế là tất cả vì vâng lời, nên đành đứng cuối nhà thờ chung hàng ngũ với tang gia.

Rất nhiều linh mục xác nhận: Không có Giáo luật hay luật phụng vụ nào cấm linh mục đồng tế trong lễ cưới hay lễ tang của giáo dân cả. Nếu có nơi nào cấm, chắc chỉ vì muốn tránh những lạm dụng, hãnh diện thái quá của gia đình có nhiều quan hệ với linh mục nên có nhiều cha về đồng tế, và gây nên sự bất bình chia rẽ trong cộng đoàn.

Tuy nhiên, cũng cần thấu tình đạt lý khi thực hiện các quy định dưới luật của Giáo hội địa phương, như trường hợp nêu trên của Giáo phận Xuân Lộc, cần cho phép vì tình cảm gia đình và các mối liên hệ với các linh mục thực sự không có mục đích khoa trương.

Ở Mỹ, việc dâng lễ đồng tế cho giáo dân thật dễ dàng, ngay trong dịp lễ tết Nguyên đán, ngày lễ thánh bổn mạng, lễ giỗ thân tộc. Không ít gia đình đã được cả chục linh mục về nhà riêng đồng tế, có bị ngăn trở gì đâu!

THẠCH PHÙNG

>> Chuyện cha sở “xé rào”