Khủng hoảng Công giáo ở nông thôn Anh

Nếu như ở Việt Nam, đời sống đạo ở các giáo xứ vùng quê luôn sầm uất, có sức sống hơn ở thành thị thì ở một số nước, đời sống đạo giữa thành thị và nông thôn lại hoàn toàn trái ngược: Các nhà thờ ở nông thôn phải đóng cửa hàng loạt.

Một trong những chia cắt lớn nhất của Giáo hội Công giáo Anh là giữa thành thị và nông thôn. Ở các tỉnh, thành, người ta dễ nhận ra Giáo hội với nhiều nhà thờ hơn, thánh lễ được cử hành thường xuyên hơn và dễ tham gia vào các sự kiện của giáo xứ. Do vậy, khủng hoảng Công giáo ở nông thôn nước Anh đang diễn ra ngày càng nặng nề hơn.

Ý thức về nơi chốn ăn sâu trong lòng giáo dân. Bất cứ ai được hỏi về sự thay đổi nơi thờ phượng đều rất lo âu.

Đóng cửa hơn 20 nhà thờ và sáp nhập gần 100 giáo xứ

Ước tính có khoảng 70% diện tích đất ở Anh là nông nghiệp. Tuy vậy, ở miền quê người Công giáo nhận các bí tích khó khăn hơn và các linh mục không dễ đi đến với giáo dân. Hậu quả tất nhiên đưa đến hiện tượng mất dần những buổi quy tụ giáo dân và đóng cửa nhà thờ. Ngay từ đầu năm nay đã có thông báo rằng Giáo phận Salford dự định đóng cửa hơn 20 nhà thờ và sáp nhập gần 100 giáo xứ.

Việc đóng cửa này là bất thường. Đức cha John Arnold, Giám mục Giáo phận Salford nói rằng ngài biết rõ một số nơi đã đưa ra những đề nghị thay đổi theo chiều hướng xấu. Nhưng ngài chỉ ra rằng sự điều chỉnh và thay đổi là cần thiết để đáp ứng các nhu cầu và thách thức của một thế giới đang thay đổi.

Theo cha Robert Miller, người lãnh đạo Hội nghị Quốc gia của Anh về Công giáo vùng sâu vùng xa trong 13 năm qua, vấn đề cơ bản quá hiển nhiên: Sự giảm sút tu sĩ đã làm cho công việc mục vụ trở nên khó khăn hơn. Ngài nói: “Khó mà phủ rộng thánh lễ đến vùng xa vì thiếu nhân sự”.

Cho những linh mục đã hoàn tục được làm mục vụ lại

Thế còn việc sáp nhập giáo xứ liệu có phải là một giải pháp không? Cha Miller nói: “Đưa người ta vào một hệ thống quản lý tốt thì không thấy có vấn đề gì cả. Các tổ chức khác, như Hướng đạo và các hoạt động tương tự cũng thế”.

Cha Miller cho biết, việc mở rộng cho những người đã từng là linh mục nhưng nay sống đời hôn nhân hợp lệ được tham gia vào các hoạt động mục vụ của linh mục cũng đã giúp lấp đầy chỗ thiếu thốn nhân sự như vậy.

“Bạn tôi, một linh mục ở London, có thể đi thăm sáu gia đình trong một buổi sáng. Phần tôi chỉ mong sao mỗi buổi sáng đến thăm được một gia đình thôi, vấn đề là do khoảng cách đi lại”.


LM Robert Miller

Nhưng không chỉ việc quản lý và số lượng tu sĩ góp phần đẩy những khó khăn trong đời sống Công giáo nông thôn. Cha Rob Taylerson, cố vấn về Công giáo ở nông thôn của Tổng Giám mục Birmingham, cho rằng những lý do kinh tế và dân chủ được coi là có trách nhiệm trước hoạt động Công giáo suy giảm ở vùng xa.

Ngài chỉ ra rằng, ít người có thể đủ sống ở làng nên số giáo dân thưa thớt hơn. Bên cạnh chi phí đáng kể để vận hành nhà thờ như bảo hiểm cho các tòa nhà, hóa đơn khí đốt và sưởi, các chi phí cho phụng vụ, nhu cầu không ngừng để bảo trì nhà thờ cùng các cơ sở hạ tầng, thì vấn đề đặt ra là người ta có thể mong đợi gì sự đóng góp của cộng đoàn? Họ thường chỉ có thu nhập từ lương hưu. Thậm chí nếu có gây quỹ, cũng phải cố gắng lắm.

Cha Taylerson cho rằng, việc sáp nhập giáo xứ có thể giúp được các vùng xa, nhưng ngài thừa nhận, người ta quyến luyến nơi thờ phượng của họ. Ý thức về nơi chốn ăn sâu trong lòng giáo dân. Bất cứ ai được hỏi về sự thay đổi nơi thờ phượng đều tỏ ra bị giằng xé và rất lo âu.

“Bị giằng xé” là cụm từ thích hợp để mô tả phản ứng này. Giáo dân nơi nhà thờ bị đóng cửa thường giận và buồn. Đã từng có những cuộc tranh luận dữ dội về việc đóng cửa những nhà thờ được yêu mến.

Thiếu sự đối thoại giữa linh mục với giáo dân

Tôi đã thấy sự thay đổi xảy ra ở vùng Somerset hẻo lánh, nơi tôi lớn lên. Khi còn nhỏ, đối với tôi và nhiều anh chị em họ của mình, nhà thờ là nơi để gia đình tụ họp. Nhưng nơi đó dường như mất đi ý nghĩa là điểm tập trung cộng đoàn: Thăm viếng nhau mỗi dịp Giáng sinh vì ở đó tôi bắt gặp những hàng ghế dài trống rỗng buồn bã.

Tôi đã hỏi cảm tưởng của một nông dân Công giáo ở Tây Sussex. Bà bắt đầu bằng việc kể cho tôi về nỗi thất vọng của bà trước tình trạng nhà thờ làng của mình phải ngừng cử hành đêm vọng Phục sinh. Bà buồn bã thốt lên rằng “Cộng đoàn sụp đổ” và cho biết thêm phần vì thiếu sự đối thoại giữa linh mục với giáo dân. Sự thay đổi đột ngột trong một giáo xứ có thể gây khó khăn cho người dân địa phương. Họ phải tìm giờ lễ mới hay bị nản lòng do vị linh mục mới.

Bà đề nghị cộng đoàn cần có nhiều hoạt động hơn để giữ nhà thờ ở vị trí trung tâm. “Chúng ta phải nhìn Giáo hội như một gia đình nối dài. Nếu là gia đình nối dài, bạn luôn đi tìm kiếm thành viên. Nhiều người cảm thấy họ bị gạt sang bên lề. Khi một nhà thờ bị đóng cửa họ cho rằng các tu sĩ quan tâm đến cơ sở vật chất hơn là con người”.

Vấn đề này đưa đến nhiều điều phức tạp, quan liêu, quản trị, tài chánh, nhưng có lẽ vấn đề lớn nhất là tình cảm. Đối với nhiều người Công giáo vùng xa, giáo xứ của họ là nơi liên kết và gắn bó. Đây là lúc chuyển tiếp của nhiều giáo xứ và các giám mục phải đứng trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Chúng ta chỉ có thể cầu xin để tìm ra được những giải pháp sáng tạo và nhạy bén.

Tại Hoa Kỳ, ý tưởng sáp nhập giáo xứ ngày càng phổ biến. Tại các vùng sâu vùng xa lại khó nắm bắt hơn. Tháng 12 năm ngoái, Tổng Giáo phận Hartford đã sáp nhập gần 100 giáo xứ.
Lúc đó, LM James Shanley, cha sở Nhà thờ Chánh tòa của Tổng Giáo phận đã nói: “Thật đáng buồn, hết sức thương cảm”. Nhưng ngài lại cho biết ít người quá thì không thể duy trì số lượng nhà thờ. Còn mới vào đầu năm nay, Giáo phận Trenton ở New Jersey đã công bố kế hoạch hợp nhất 10 nhà thờ để phù hợp với tình trạng giảm sút tu sĩ và người chăm sóc nhà thờ.

ĐOÀN LÊ, theo CATHOLIC HERALD

>> Thuế nhà thờ hay sổ tiết kiệm Thiên đàng?