Nhìn thánh đường hoang vắng bên Tây, lo ngại bên ta

Hiện tượng bỏ đạo, lơ là với đạo hay không giữ đạo dẫn đến hiện tượng thánh đường hoa vắng là điều đã xảy ra từ nhiều năm ở nhiều nước Âu, Mỹ.

Phần đông giáo dân Việt Nam vẫn được tiếng là đạo đức. Các bề trên trong đạo đều lấy thế làm vui và hãnh diện. Các bản tường trình về Roma thường rất phấn khởi, với những con số và hình ảnh thuyết phục chung quanh các buổi lễ và rước kiệu.

Đức Hồng y Crescenzio Sepe, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, cảm động sâu sắc trước sự đón tiếp nồng hậu và cung kính của giáo dân Việt Nam dành cho ngài trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm 2005.

Đạo đức mang tính lễ hội

Vào cuối năm 2005, các buổi lễ từ Bắc chí Nam, với sự đón tiếp nồng hậu và cung kính dành cho Đức Hồng y Sepe, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, nhân chuyến viếng thăm của ngài, chắc đã làm cho ngài cảm động sâu sắc về lòng đạo đức của giáo dân Việt Nam cũng như sự trọng vọng của họ đối với ngài và qua ngài đối với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Có thể nói lòng đạo đức này cộng với sự trung thành tuyệt đối của tín hữu và hàng giáo phẩm là nét đặc sắc chỉ có ở Việt Nam. Có lẽ cũng chỉ ở Việt Nam người ta mới đi lễ đông như thế vào các ngày Chúa nhật, các lễ trọng, các lễ truyền thống như Lễ Tro, Lễ Lá…

Mong rằng tình trạng này còn kéo dài và trở nên bền vững. Nếu không bền vững thì ngay từ bây giờ phải tìm cách đề phòng. Vậy đề phòng bằng cách nào đây? Thưa bằng cách giáo dục đức tin qua giáo lý, các lời diễn nghĩa về Kinh Thánh cũng như giáo huấn của Công đồng Vaticano II và các tài liệu cập nhật của Tòa Thánh cùng những thông tin cần thiết về các biến chuyển trên thế giới và ngoài xã hội.

Bên Âu – Mỹ có một thời sống đạo sầm uất

Tất nhiên, chẳng ai muốn cho tình trạng suy sụp xảy ra. Nhưng nhìn vào những nước đạo gốc ở Âu châu như Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý hiện nay, người ta phải đặt câu hỏi tại sao đạo ở những nước đó bây giờ ra nông nỗi như vậy, thánh đường hoang vắng!

Phải chăng là do nền văn minh vật chất, phong hóa thời đại và các trào lưu tư tưởng mới lạ lôi cuốn làm cho lòng người ra khác? Chính sự đổi khác ấy làm cho người ta thờ ơ với đạo, coi đạo như một cái gì ở bên ngoài cuộc sống không cần thiết và hạn chế tự do của con người.

Có thể là như vậy. Chúng ta cứ nhìn vào những ngôi nhà thờ nguy nga đồ sộ bên trời Âu mà suy nghĩ. Chắc hẳn thời trước những nhà thờ đó cũng đã là nơi diễn ra những buổi lễ linh đình. Chẳng vậy tại sao họ lại xây lên những nhà thờ vĩ đại như thế.

Mùa hè năm 2000, nhân dịp hành hương khu vực Đền thánh Anne de Beaupré của các cha Dòng Chúa Cứu Thế tại Québec – Canada, tôi có gặp cha Camille Dupé. Vị linh mục trước kia đã ở Việt Nam nhiều năm.

Cha nói rằng cách đây khoảng 40 năm, 50 năm, đạo nghĩa tại Canada cũng sầm uất lắm, nhưng bây giờ thì không còn như thế nữa. Người ta ít đi nhà thờ, ngay cả các cháu của cha cũng vậy.

Nghe cha nói và nhìn vào các nhà thờ ở Montréal mà lấy làm tiếc. Các nhà thờ trong thành phố nằm sát nhau gần giống như vùng Hố Nai – Đồng Nai của ta. Hầu như mỗi phố hay vài ba phố cạnh nhau là có một nhà thờ. Nhà thờ vẫn còn nhưng sinh hoạt thì thưa thớt so với các nhà thờ ở Việt Nam. Nếu chỉ căn cứ vào hiện tượng này, người ta có thể bi quan.

Mấy năm gần đây Hội đồng giám mục Pháp đã tỏ ra rất băn khoăn về đạo nghĩa của người Công giáo Pháp và đặt ra câu hỏi phải làm thế nào để chấn chỉnh lại tình trạng này.

Về phương diện loài người, tình trạng trên rất đáng lo ngại. Phong trào trần tục hóa, giải trừ sự thiêng thánh, chủ nghĩa duy vật, vô thần, lối sống vô kỷ cương theo bản năng… tất cả đều như vũ bão tàn phá đạo lý của Chúa.

Nhưng không phải bây giờ mới như vậy mà ngay từ thời thánh Phaolô đã như thế, khiến ngài phải viết: “Đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe” (2 Tm 4,3).

Nhưng may thay lại có lời ngôn sứ Mikha nói về số người còn sót lại trong Israel. Chính nhờ số người còn sót này mà Israel được cứu như Đức Chúa phán: “Ta sẽ qui tụ cả nhà Giacóp, sẽ qui tụ số còn sót của nhà Israel, sẽ gom chúng lại như đàn chiên trong chuồng, như đàn vật giữa đồng cỏ, khiến chúng không còn sợ ai nữa”. (Mk 2,12)

Như vậy, dù ở Âu-Mỹ hay nơi nào khác nữa trên thế giới, có nhiều người bỏ đạo hay không giữ đạo, nhưng trong Hội Thánh vẫn còn những người trung thành giữ đạo và sống đạo. Có thể họ là số ít hay số còn sót lại như ở Nhật Bản từ thế kỷ XVII-XIX, ở Liên Xô, Trung Quốc hay Âu Mỹ hiện nay.

Ở Việt Nam các thánh lễ, đặc biệt là lễ trọng luôn đông đúc người tham dự. Trong ảnh: Giáo xứ Vườn Xoài cử hành Thánh lễ kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Lòng đạo đức tinh tuyền phải vừa tĩnh lại vừa động

Do đấy, cần hiểu cho đúng và đặt lại vấn đề đạo đức. Thực ra đi đạo hay theo đạo thì phải giữ đạo và cố gắng làm cho mình nên người đạo đức. Nhưng thế nào là đạo đức? Thông thường người ta vẫn hiểu đạo đức là giữ luật Chúa, đi lễ, đi nhà thờ, đọc kinh, lần hạt, viếng Mình Thánh Chúa, năng lãnh nhận các bí tích, đi đàng Thánh Giá…

Những việc này xưa nay giáo dân Việt Nam vẫn làm và làm một cách rất đáng khen, theo truyền thống cha ông để lại, khiến nhiều vị giám mục Mỹ phải ca ngợi và tỏ ra hài lòng về cộng đồng giáo dân Việt Nam đang cư ngụ trên đất nước các ngài. Nhiều người đã dựa vào đó và lấy đó làm thước đo để đánh giá lòng đạo đức.

Nhưng bấy nhiêu là chưa đủ, dù đã là rất tốt. Chưa đủ vì đó mới là đạo đức ở thế tĩnh và mang tính cá nhân, mà chưa phải là đạo đức ở thế động và mang chiều kích xã hội. Trong khi lòng đạo đức tinh tuyền phải vừa tĩnh lại vừa động, vừa mang tính cá nhân lại vừa mang tính xã hội, như thánh Giacôbê dạy: “Ai cho mình là đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão. Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa là thăm viếng cô nhi, quả phụ gặp bước gian truân và giữ lòng cho khỏi mọi vết nhơ của trần gian” (Gc 1,26-27).

Đó là chuẩn mực cho lòng đạo đức tinh tuyền và không tì ố về mặt cá nhân và xã hội. Về cá nhân thì kiềm chế miệng lưỡi, nghĩa là tránh vu oan giáng họa cho người ta, không nói lời gây buồn phiền chia rẽ, hay phê bình chỉ trích chê bai châm chọc, mỉa mai, bóng gió…

Chúng ta giữ lòng cho khỏi lây nhiễm những vết nhơ của trần gian, nghĩa là chiến đấu chống lại gương xấu dịp tội và lối sống buông thả của nhiều người chung quanh. Về xã hội thì lo thực thi bác ái, thăm viếng giúp đỡ người cô thế cô thân, những người lâm cảnh ngặt nghèo, như bị bệnh tật, cháy nhà, lụt lội và bão tố, túng thiếu…

Những hành vi này đòi buộc con người phải chiến đấu với chính mình, bằng lòng chịu rầy rà mà đi đến với người ta, hy sinh thời giờ tiền bạc và công khó cho người khác. Lòng đạo đức này rầy rà hơn và do đó cũng đòi hỏi nhiều hơn.

Chúa hứa sự sống hiện tại cũng như tương lai
Đọc Kinh Thánh, suy niệm Lời Chúa, tham dự thánh lễ, giữ mình sạch tội, thực thi bác ái cũng như kiềm chế miệng lưỡi, thăm viếng cô nhi quả phụ gặp bước gian truân, giữ lòng cho khỏi những vết nhơ của trần gian là những yếu tố chứng tỏ lòng đạo đức, một lòng đạo đức tinh tuyền, vô tỳ tích theo thánh Gia-cô-bê.
Lòng đạo đức như thế sẽ được hưởng nhiều lợi ích như thánh Phao-lô nói: “Lòng đạo đức thì lợi ích mọi bề, bởi Chúa hứa sự sống hiện tại cũng như tương lai cho người có lòng đạo đức” (1 Tm 4,8).

LM ANRÊ ĐỖ XUÂN QUẾ, OP

>> Thuế nhà thờ hay sổ tiết kiệm Thiên đàng?