Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo ở Đồng bằng Bắc bộ. Các làng quê tôi có nhà thờ gần với nhà chùa. Có một số làng giáo dân toàn tòng nhưng đại đa số là làng xôi đỗ, nơi người Công giáo và và ngoài Công giáo sống chan hòa với nhau.
Hơn 50 năm giáo xứ không có linh mục
Sau năm 1954, giáo xứ của tôi không còn linh mục vì linh mục xứ đã cùng một số giáo dân vào miền Nam trong cuộc di dân. Làng tôi từ một làng toàn tòng trở thành một làng xôi đỗ.
Để lấp vào chỗ trống của những người di cư, chính quyền đã tịch thu nhà của họ để lại giao cho những gia đình không phải Công giáo ở làng khác đến sống. Sự chan hòa của người Công giáo đã đón nhận những người dân ở làng khác đến cư ngụ trong bối cảnh làng quê Bắc bộ lúc đó rất là đặc biệt. Nếu không phải người gốc của làng thì là dân ngụ cư và chịu nhiều thiệt thòi.
Giáo dân ở quê tôi dù tham dự thánh lễ nhưng nếu chưa đọc kinh chiều hôm ban sáng thì vẫn là chưa đủ.
Thế nhưng hầu tôi không cảm nhận được sự thiệt thòi của những người dân ngụ cư ở làng tôi. Tôi biết có nhiều gia đình ngoài Công giáo đã kết nghĩa anh em với những gia đình Công giáo trong làng.
Những ngày lễ lớn, đặc biệt là Mùa Chay, những người ngoài Công giáo cũng đóng góp kinh phí để tổ chức các sự kiện trong Tuần Thánh. Dân gian ở quê có câu: Bên đạo ra mùa, bên chùa thanh minh để nói về hai sự kiện diễn ra gần nhau. Ra mùa tức là vào Tuần Thánh, kết thúc Mùa Chay với đỉnh cao là thứ Sáu Tuần Thánh và ngày Chúa Phục sinh.
Hơn 50 năm, giáo xứ tôi không có linh mục. Các liên hệ giữa tòa giám mục về giáo xứ thật hiếm hoi. Mỗi khi lễ lớn, bà con quê tôi kéo nhau đi bộ hàng chục cây số đến với những xứ lân cận hoặc sang cả giáo phận bạn để tham dự lễ.
Ngày lễ công giáo trở nên như ngày hội. Mãi sau này, khi kinh tế khá hơn, nhiều gia đình có xe đạp thì họ đưa nhau đi lễ ở những xứ có linh mục coi sóc. Cũng cần phải nói thêm rằng, sau di cư 1954, bề trên giáo phận cũng giao xứ tôi cho một linh mục coi sóc.
Nhưng vì các linh mục rất ít, lại phải coi nhiều xứ, phương tiện đi lại không có nên có khi vị linh mục ấy vài năm mới về xứ tôi một lần. Mỗi lần cũng diễn ra rất chớp nhoáng vì nếu gặp trời mưa thì sẽ không thể nào đi được vì đường lầy lội. Sức sống đạo của bà con giáo dân chính là nhờ kinh nguyện.
Không có ai dạy giáo lý mà chỉ dạy kinh
Ngay từ nhỏ chúng tôi đã gần như thuộc lòng cuốn Toàn niên kinh nguyện. Kinh nguyện hoàn toàn do lòng đạo đức mà người ta sáng tác ra và có thể coi là của tác giả tập thể. Hồi đó, chẳng có ai dạy giáo lý mà chỉ có dạy kinh.
Ban hành giáo có một chức gọi là ông trương, bà trương, hai người này phụ trách thiếu nhi nam và nữ và có nhiệm vụ phải dạy cho các trẻ em học thuộc các kinh chiều hôm ban sáng, tức các kinh đọc hằng năm ở nhà thờ trong các giờ phụng vụ buổi sáng và buổi tối.
Ngoài các kinh chiều hôm ban sáng còn có các kinh cầu về Chúa, Đức Mẹ, các thánh, các ca vãn theo các tháng kính Thánh Giuse, tháng Hoa, tháng Mân Côi,… Tất cả những kinh đó chúng tôi đều học thuộc lòng mặc dù lúc còn nhỏ chẳng hiểu gì cả.
Long trọng nhất vẫn là những ngày Mùa Chay. Giáo xứ tổ chức ngắm đứng trong suốt 40 ngày chay và đỉnh cao là Tuần Thánh. Họ còn tổ chức thi ngắm để tuyển chọn những người ngắm hay. Ngày thứ Sáu và thứ Bảy tuần Thánh, chỉ những người ngắm hay mới được ngắm.
Ngoài ra còn đọc những lời giảng sự thương khó của Chúa mà quê tôi gọi là đọc đoạn. Đoạn là ngâm và và diễn cảnh về sự thương khó của Chúa được đọc theo một cung đặc biệt bi ai. Đọc đoạn hay ngắm đứng chỉ được thực hiện mỗi năm một lần trong Mùa Chay nhưng những lời đó đã làm cho tôi nhớ mãi trong cuộc đời mặc dù khi mới hơn 15 tuổi tôi đã rời làng quê để đến định cư ở nơi thành thị.
Không có linh mục coi sóc, Ban hành giáo được bầu ra để lo việc chung cho giáo xứ và tổ chức các ngày lễ theo như hướng dẫn của Tòa Giám mục. Mỗi dịp lễ lớn, người ta đọc những hướng dẫn ấy lên suốt năm này qua năm khác khiến cho những ai chăm chỉ theo dõi có thể thuộc lòng.
Ban hành giáo cũng tổ chức cho những người dân trong xứ đạo tham gia các hội tràng hạt. Mỗi tối, cả làng tôi râm ran tiếng kinh nguyện ở các gia đình.
Vượt qua hoàn cảnh sống đạo ngặt nghèo
Thế mới thấy rằng sức sống đức tin khi được dân gian hóa có giá trị rất lớn. Người giáo dân không biết thần học là gì, thậm chí cả đời họ không hề nhìn thấy cuốn Kinh Thánh, hiếm khi được nghe các linh mục giảng dạy. Nhưng kinh nguyện đã giúp họ giữ vững đức tin và sống đức tin một cách mãnh liệt.
Ngày nay, khi tiếp cận được với Kinh Thánh và được các linh mục hướng dẫn về đức tin, một số kinh nguyện có thể không còn phù hợp hoặc sai tín lý. Nhưng không thể phủ nhận rằng kinh nguyện đã giúp thăng tiến đời sống đức tin trong điều kiện sống đạo ngặt nghèo.
Hiện nay, giáo dân ở quê tôi dù tham dự thánh lễ nhưng nếu chưa đọc kinh chiều hôm ban sáng thì vẫn là chưa đủ. Từ lòng sùng kính đơn sơ của các gia đình Công giáo này đã ươm mầm cho các hạt giống ơn gọi ở những vùng quê. Rất nhiều ơi gọi linh mục, giám mục đã khởi đầu từ lòng đạo đức đơn sơ đó.
Mùa chay thánh, nhiều giáo xứ hiện nay vẫn tổ chức ngắm đứng. Đã có ý kiến cho rằng ngắm đứng lã lỗi thời, là không phù hợp… Tuy nhiên, hãy nhớ rằng đây chính điều này đã nuôi dưỡng đức tin của người Việt Nam trong thời gian dài và thể hiện niềm tin được dân gian hóa. Đã là dân gian thì sẽ có sức sống mãi.
JOSEPH PHẠM