Đưa ngắm đứng về miệt U Minh Thượng

Ngắm đứng và một số nghi thức Tuần Thánh vốn là một nét vắn hoá đặc thù riêng có ở các giáo phận miền Bắc. Cha Đô-mi-ni-cô Đỗ Quốc Tuý đã du nhập cung ngắm và các sinh hoạt này về miền sông nước U Minh Thượng.

Cha Đô-mi-ni-cô Đỗ Quốc Tuý trong lễ Suy tôn Thánh giá, thứ Sáu Tuần thánh năm 2019.

Xa quê lúc bảy tuổi, nhưng khi trở thành linh mục, Cha Đô-mi-ni-cô Đỗ Quốc Tuý đã đưa ngắm đứng và những nét văn hoá truyền thống của quê gốc miền Bắc hoà nhập vào những xứ đạo rặt Nam bộ.

Những cuộc “thiên di”

Năm 1976, khi mới lên bảy, Cha Đỗ Quốc Tuý cùng với ông bà cố và các em rời quê Cổ Ra, Bùi Chu. Ban đầu gia đình chuyển vào sinh sống tại Kênh 8, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang. Đây là vùng đất quy tụ đông đảo bà con đồng hương di cư năm 1954.

Chính vì sống trong môi trường toàn tòng như vậy, những câu kinh điệu ngắm, những nét sinh hoạt đạo đức bình dân được gieo trồng ở quê Bắc lại có điều kiện được nuôi dưỡng thấm sâu vào tâm hồn cậu bé Tuý.

Chẳng bao lâu sau, gia đình Cha rời đồng ruộng chuyển hẳn lên sinh sống tại Thành phố Rạch Giá. Giáo xứ Rạch Giá toàn bổn đạo là người miền Nam. Hầu như cả xứ chỉ có gia đình Cha Tuý là người gốc Bắc. Cũng chính từ đây, Cha Tuý bắt đầu hành trình ơn gọi của mình.

Cha người Bắc coi xứ người Nam

Từ lúc bắt đầu tìm hiểu ơn gọi cho đến khi trở thành linh mục, Cha Tuý toàn học tập và sinh hoạt với các đồng môn và giáo dân người miền Nam. Khi học ở Đại Chủng viện Thánh Quý, Cha Tuý còn có biệt danh là “Tuý Bắc kỳ”.

Ấy vậy mà không hiểu sao, từ khi lãnh sứ vụ linh mục năm 2004, Cha Tuý “Bắc kỳ” lại luôn được Đức Giám mục Giáo phận Long Xuyên ưu ái cử về những xứ đạo rặt người Nam.

Ngắm 15 sự thương khó theo cung Bùi Chu đã được Cha Đỗ Quốc Tuý huấn luyện và áp dụng ở xứ Quý – Phụng nhiều năm qua.

Giáo xứ Quý – Phụng mà cha đang coi sóc hiện nay là nơi thứ ba Cha đã đi qua trong hành trình mục vụ của mình. Cũng như hai xứ đạo trước, Giáo xứ Quý – Phụng thuộc Bán đảo Cà Mau, vùng U Minh Thượng.

Nơi đây ngoài cha xứ ra thì chẳng có ai là người Bắc! Cả huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang chỉ có hai nhà thờ Quý – Phụng và Xẻo Dinh lọt thỏm giữa các vùng dân cư ngoài Công giáo.

Tập tành đúng bài bản

Từ khi về nhận xứ, Cha Tuý đã dần đưa các nghi thức truyền thống của miền Bắc để tập tành cho bổn đạo nơi đây. Đặc biệt là nghi thức Tuần Thánh, được cha tổ chức theo nguyên bản của Giáo phận Bùi Chu.

Các cụ “quan viên” tham dự nghi thức Rửa chân năm 2019 với áo dài, khăn đống và gậy…

Đã thành thông lệ, cứ đến Mùa Thương khó, Cha Tuý lại quy tụ quí chức trong giáo xứ lại để trực tiếp tập nghi thức… Phần nào ký ức không còn nhớ rõ thì cha lại nhờ các chú, bác ở Kênh 8 xuống huấn luyện giúp.

Từ nghi thức Rửa chân, Rước Chiên, Canh thức thứ Năm Tuần Thánh đến rước Suy tôn Thánh Giá, Đóng đinh táng xác thứ Sáu Tuần Thánh đều được tập tành công phu bài bản.

Đáng chú ý là kiệu rước táng xác Chúa. Cách thức trang trí kiệu, đôi tuỳ mặc áo tang, đầu chít khăn tang, cờ tím, sắc phục tím của Đức Mẹ… nhất nhất phải theo bài bản của Bùi Chu.

Những nghi thức rước kiệu này không chỉ đánh động lòng đạo đức của bổn đạo mà còn tạo sự quan tâm của bà con ngoài Công giáo quanh vùng. Vào những ngày Tuần Thánh, khi tiếng mõ, tiếng trống rước vang lên, cư dân quanh vùng lại túa đến xem, hệt như cảnh ngày xưa ở ngoài Bắc thanh niên bên lương từ các làng xóm lân cận kéo đến xóm đạo xem rước!

Ở một vùng quê toàn sông với nước này, những hoạt động văn hoá vốn rất thiếu thốn, nên khi Cha Tuý tổ chức các cuộc rước kiệu, các nghi thức đậm chất văn hoá như trên đã thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của giáo dân lẫn lương dân.

Sinh hoạt nhà thờ thu hút lương dân

Cũng phải nói thêm, vào những dịp tết Trung Thu, Cha Đỗ Quốc Tuý cũng tổ chức những lễ hội vui chơi cho các em trong vùng, không phân biệt lương – giáo, tất cả đều được mời tham dự, được nhận quà. Cha cũng thường đi xin tiền mua sắt về rồi hì hụi cắt, hàn làm thành những ngôi nhà để tặng cho người dân quanh vùng, cũng không phân biệt lương – giáo.

Sáng sáng, người dân địa phương thỉnh thoảng lại thấy ông cố Tuý (dân vùng này gọi cha là ông cố) ngồi ăn cháo lòng ở một quán lá bên bờ kinh, gặp nhau hỏi thăm nhau những câu rất gần gũi, dân dã. Những hoạt động, những hình ảnh đó đã gắn kết người dân lương giáo như một. Phải chăng vì điều đó mà mỗi năm có trên dưới 20 người tự nguyện xin theo đạo, không kể theo vì hôn phối.

Những hình ảnh ghi lại đây, chỉ nhìn thoáng qua chúng ta cũng dễ nhận ngay ra bóng dáng văn hoá các giáo phận Dòng ở miền Bắc. Cha Tuý đã yêu mến gìn giữ di sản đức tin mà các bậc tiền nhân để lại, không những cho mình còn đem chia sẻ cho người khác noi theo.

Mùa Thương Khó năm nay cả thế giới gặp khó vì dịch cúm Tàu. Bên bờ kênh Xẻo Lá miệt U Minh Thượng không còn vang vọng cung ngắm Bùi Chu, thiếu vắng tiếng trống khẩu, tiếng mõ… Hy vọng dấu lặng này sẽ làm cho người ta nhớ hơn những sinh hoạt đậm chất văn hoá, để sang năm khi bình minh trở lại thì các sinh hoạt văn hoá Công giáo nơi đây sẽ bật dậy mạnh mẽ!

ĐOÀN VĂN LỢI

>> Ngắm 15 sự thương khó: Đức tin kết tụ trong văn hóa Việt

Một số hình ảnh

Nghi thức đốt chiên thứ Năm Tuần Thánh
Rước đàng thánh giá quanh nhà thờ
Nghi thức tháo đanh Chúa. Các chức việc đầu chít khăn tang
Băng bó bằng khăn trắng tẫn liệm Chúa Giê-su
Rước kiệu táng xác và Đức Mẹ quanh nhà thờ
Nghi thức hôn chân Chúa: Ở phía chân Chúa có các bịch nẻ dành cho trẻ em.

Bài trướcMùa của Thánh Giá, cầu nguyện và ăn chay
Bài tiếp theoTính âm nhạc trong Ngắm 15 sự thương khó