Tính âm nhạc trong Ngắm 15 sự thương khó

Mỗi giọng ngắm ở mỗi vùng miền lại khác nhau, chịu ảnh hưởng của âm nhạc dân gian địa phương.

Cung giọng nói chung trong đạo Công giáo có thể được ví như một thứ dân ca tôn giáo. Mỗi bài bản ở những vùng miền khác nhau lại có giai điệu riêng chịu ảnh hưởng từ giọng nói, âm nhạc dân gian của địa phương, được lưu truyền qua nhiều thế hệ nhưng rất hiếm được chép thành bản nhạc.

Các cung ngắm được lưu truyền qua nhiều thế hệ, rất hiếm được chép thành bản nhạc

Một cung giọng mang hồn cốt Việt

Với Ngắm 15 sự thương khó, có lẽ Đức Cha Lorenso Chu Văn Minh là người đầu tiên chú ý đến việc ký âm và tìm ra nguyên tắc cung ngắm Triều và cung ngắm Dòng để duy trì truyền thống đạo đức tốt đẹp của giáo dân.

Qua bản ký âm theo nốt nhạc Đô Rê Mi đã cho thấy Ngắm 15 sự thương khó lấy màu sắc của hợp âm thứ (minor chord) làm nền tảng cho việc xây dựng giai điệu. Sự khác nhau giữa hai cung ngắm Triều và Dòng là ở cách tổ chức cấu trúc hợp âm thứ này mà thôi.

Lớn lên từ truyền thống đạo đức tốt đẹp của Giáo họ La Phù có lịch sử gần hai trăm năm thuộc Giáo xứ Đông Lao, Tổng Giáo phận Hà Nội, cũng như thấm nhuần cung giọng Ngắm 15 sự thương khó của các cụ đã cho chúng tôi bước đầu khẳng định, âm điệu được dùng làm nền tảng cho các cung ngắm là hợp âm thứ bồi âm chứ không hẳn là hợp âm thứ vang trên đàn organ hiện nay.

Âm điệu này giống với âm điệu của bài Hát nói trong Ca trù mà chúng tôi đã viết trong tập luận án về Âm nhạc Ca trù tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nói như Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thì đó là một hợp âm ngả về thứ nhưng sáng hơn hợp âm thứ của nhạc châu Âu.

Nếu điều này là đúng thì như vẫn còn ghi trong lịch sử, từ thế kỷ XV, Hát Cửa đình – Ca trù đã là một bộ môn nghệ thuật hoàn chỉnh, luôn gắn với các ngôi đình làng ở Bắc Bộ.

Ghi chép sớm nhất từ Lê Đức Mao (1462-1529) là trong lễ hội đầu xuân cầu phúc tại đình Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội đã dùng trống chầu cho việc đánh giá đào, kép hát hay múa giỏi.

Nghệ thuật này cũng đã thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực văn hóa tinh thần của người Việt. Nguyễn Hồng Dương cho biết trong cuốn Nghi lễ và lối sống Công giáo trong Văn hóa Việt Nam bài Hát nói trong Ca trù được dùng cho Lễ và Vãn Dâng hoa ở Kim Sơn, Ninh Bình.

Mộc mạc, có tính cộng đồng

Từ thời cổ đại, các nhà vật lý đã tìm ra qui luật âm thanh qua hệ thống bồi âm, còn gọi là hệ âm của Trời. Hệ âm này mang tính vĩnh cửu, tác động lên mọi sinh vật trên trái đất. Nhờ đó đã gợi mở việc tìm đến âm hưởng trong sáng, thuận tai trong nhạc châu Âu thế kỷ XVI mà ta được biết qua nhà soạn nhạc và lý thuyết âm nhạc người Ý Gioseffo Zarlinô (1517-1590) hay qua phong cách hợp xướng không đàn đệm Palextrina (Gio vanni Pierluigi da Palestria, 1525-1594).

Ngắm 15 sự thương khó là một minh chứng cho sự hội nhập văn hoá từ các vị thừa sai qua các thế hệ người Công giáo Việt Nam.

Thời Trung đại, luật âm nhạc còn cấm sử dụng các quãng nhạc tam cung (triton), tức quãng 4 tăng, 5 giảm vì đó là những quãng âm không hòa hợp, quãng âm của ma quỉ. Do vậy, Cung giọng trong Ngắm 15 sự thương khó lấy hợp âm thứ nhưng trong sự hòa hợp với quãng âm của Trời cũng như chịu sự chi phối từ bối cảnh văn hóa bản địa để xây dựng giai điệu là điều dễ hiểu.

Một điều cũng rất đáng chú ý là nếu trong âm nhạc châu Âu từ thế kỷ XVI, màu sắc của hợp âm trưởng thường được các nghệ sĩ khai thác để biểu thị cho tinh thần lạc quan, sự chiến thắng của lý trí thì trong cung giọng Ngắm 15 sự thương khó, màu sắc của hợp âm thứ lại được dùng để biểu lộ sự sầu thương của những con người vốn trọng cái tình hơn cái lý.

Tuy nhiên, khảo sát một số bài ngắm ở các cuộc gặp gỡ và giao lưu nghi thức ngắm nguyện của các giáo tỉnh miền Bắc từ năm 2013 – 2018 đăng tải trên trang youtube vẫn còn thấy, bên cạnh những cung giọng ngắm như Đức Cha Lorenso Chu Văn Minh tổng kết thì vẫn còn quá nhiều sự phong phú đến nỗi không biết đâu mà định liệu nếu nhìn cả vào những lời bình luận (comment) khen chê trong đó.

Cung ngắm Dòng do Đức Cha Loren Chu Văn Minh ký âm theo nốt nhạc Tây phương.

Thậm chí, ở đâu đó còn dùng organ đề đàn các bài ngắm. Vậy đó có phải thuộc về phạm trù “bình dân”, thiếu chặt chẽ hay có phần tùy tiện? Nếu không thì đâu là nền tảng, cơ sở thay cho những điều đã trình bày? 

Ngoài ra, ngôn ngữ Việt nói mà như hát nên khi bị khép vào và luyến láy theo hợp âm đã tạo nên sự ngang ngang, đều đều. Điều này cũng thật trùng khớp với tính chất của nhạc Bình ca, dễ thấm, giản dị, mộc mạc, có tính cách cộng đồng được sử dụng nhiều trong các nghi lễ Công giáo.

Có lẽ vì thế mà Cung giọng trong Ngắm 15 sự thương khó dễ được phổ biến và duy trì trong công đồng tín hữu mà không cần bất cứ một bản ghi chép nào.

Thật vậy, sống đạo bằng chính tâm hồn, tính cách và truyền thống văn hóa của người Việt là con đường trường tồn với thời gian mà Ngắm 15 sự thương khó là một trong nhiều minh chứng cho ý tưởng hội nhập của các vị thừa sai qua sự nối tiếp của các thế hệ người Công giáo Việt Nam.

Đó cũng là tinh thần được cổ võ trong Thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.

TS NGUYỄN HIỀN ĐỨC

>> Ngắm 15 sự thương khó: Đức tin kết tụ trong văn hóa Việt