Mẹ của một người bạn tôi mới qua đời, việc mai táng cũng mới xong. Hậu sự của cụ được các sư thầy bên Phật giáo lo liệu, với các nghi thức trang trọng, chân tình.
Cụ đã làm con Chúa, gia nhập Giáo hội Công giáo từ khi mới năm, sáu ngày tuổi. Hơn 80 năm tại thế ngày nào cũng sáng tối kinh lễ. Chỉ mới khoảng hai năm nay, do tuổi già sức yếu, ở với con dâu (tân tòng, góa phụ) và hai cháu bận rộn công việc mưu sinh nên ít khi đi lễ lạy sinh hoạt việc đạo.
Cụ mất lúc 3 giờ sáng. Con dâu chạy đến báo cha xứ. Thế nhưng theo quy định thì phải báo cho ông trùm khu phố. Đến ông trùm chính thì vắng nhà, lại chạy sang ông trùm phó… Chẳng rõ ông này có trình cha sở biết hay không nhưng ông trùm phó phán: Bà cụ hai năm không đi lễ nên giáo xứ không biết, không có trách nhiệm gì. Coi như cụ đã bỏ đạo rồi (!!!).
Trong cô đơn và nỗi đau, tang quyến phải chạy đến nhà chùa nhờ giúp đỡ.
Con dâu tôi, nguyên là người ngoại, trước khi về làm dâu đã tự đi tìm nơi học đạo, đến một nhà thờ ở vùng quê cũng bị hành đòi phải có giấy giới thiệu của ông trùm khu (!?). May nhờ ơn Chúa, cô ấy đã tìm đến một nhà thờ khác và đã được tận tình hân hoan đón nhận…
Tôi cũng tự hỏi Đức Chúa mà tôi tin thờ, kính yêu có cần phải cư ngụ trong những ngôi nhà thờ nguy nga diễm lệ; có cần được tôn vinh trong các lễ nghi mang đầy màu sắc phô trương hay không?
Một gia đình bạn tôi sau những ngày rời xứ đi kinh tế mới, trở về xin nhập lại xứ nhưng không đủ tiền đóng nộp theo lệ. Đến khi qua đời khó khăn lắm mới được di quan theo con đường giáo xứ làm ra nghĩa trang! Tôi muốn gọi điện thoại cho cha sở ở chỗ bà cụ để xin một cuộc hẹn gặp trực tiếp nói chuyện. Thế nhưng lật khắp trang mạng của giáo phận cũng không có số điện thoại riêng. Chẳng hiểu sao, các cha giờ cũng ém số điện thoại của mình kỹ thế. Chỉ tìm được số của nhà thờ… Mà nếu có gọi đến nhà thờ thì lại gặp ông, bà trùm nào đó, rồi lại bị chất vấn lung tung mà thôi!
Không biết ai đã đề ra nhiều quy chế, quy định khiến giáo dân cảm thấy bị tách rời khỏi cộng đoàn hay bị “quản thúc” trong vòng tay của những ông, bà trùm trưởng, hội đồng mục vụ giáo xứ. Những quy định bất cứ chuyện gì trong việc đạo cũng phải qua tay mấy ông trùm mới được giải quyết. Từ xin rửa tội cho trẻ sơ sinh, việc học giáo lý của trẻ nhỏ, hôn phối của thanh niên, học giáo lý của dự tòng (tự nguyện), xức dầu bệnh nhân… nghĩa là tất tần tật mọi vấn đề trừ… bí tích Giải tội.
Tất nhiên có nhiều lý do được nêu lên để biện bạch cho những việc mà tôi vừa nói. Nhưng việc “hành chính hóa”, “sự vụ hóa”… việc đạo như vậy có thực sự mang lại hiệu quả tích cực và thánh thiêng trong việc rao giảng và thực hiện lòng thương xót của Thiên Chúa? Hay chỉ dựng nên những rào cản, xua đuổi những người thành tâm, thiện chí tin vào Chúa.
Tôi cũng tự hỏi Đức Chúa mà tôi tin thờ, kính yêu có cần phải cư ngụ trong những ngôi nhà thờ nguy nga diễm lệ; có cần được tôn vinh trong các lễ nghi mang đầy màu sắc phô trương hay không? Bởi Chúa đã sinh ra trong nơi tăm tối, thiếu nghèo, đã lang thang đầu đường xó chợ, thân thiết với kẻ khó nghèo, không từ khước xa lánh người tội lỗi, thậm chí là gái điếm và đã chết trần trụi, chôn nhờ mộ của người khác còn bỏ trống chưa dùng…
Các tông đồ, môn đệ của Chúa có ai dám “cậy thần cậy thế” đâu? Có lần, các vị ngăn cản một trẻ thơ đến với Ngài đã bị Ngài rầy mắng. Thế đấy. Tôi yêu Ngài, theo Ngài cũng vì Ngài là một Thiên Chúa nhân từ, rộng lòng và biết chạnh lòng thương!
Thú thực là nhiều lúc tôi rất chán nản nhưng may mắn là còn đủ bình tĩnh vì vẫn tin Giáo hội là Đức Giê-su Ki-tô. Giáo hội cũng còn biết bao nhiêu tấm gương thánh thiện đang phụng sự anh em ở mọi vai trò.