Đào tạo có trách nhiệm là thể hiện đức tin

"Bằng cấp đào tạo phù hợp và chuyên môn vững chính là chìa khoá để người học từ vị trí của người đi xin việc trở thành người được mới đến để làm việc" - Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Hiệu trưởng Trường iSpace.

Nguyễn Hoàng Anh cùng các cộng sự đã phát triển chuỗi trường nghề iSpace từ Trung tâm dạy nghề tư thục Công nghệ Thông tin Không gian (Information Space – iSpace) trước đây, nay là Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Thông tin iSpace.

Ký hợp đồng đào tạo: Ràng buộc giữa thầy và trò

Các tân sinh viên (SV) sau khi trúng tuyển kỳ xét tuyển đầu vào sẽ ký kết một hợp đồng đào tạo ba năm với Trường iSpace, gọi là Hợp đồng dạy nghề.

Trong suốt thời gian học tại trường, SV được dành rất nhiều thời gian học chuyên môn thực hành, nghĩa là không đặt nặng kiến thức học thuật, hàn lâm. Nhà trường cũng đã ký kết thỏa thuận với các doanh nghiệp (DN) cung cấp nhân lực theo yêu cầu cho DN (đào tạo theo đặt hàng) hoặc SV sẽ thực tập thường xuyên tại các DN.


Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Anh trao bằng khen cho sinh viên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Việc này bảo đảm rằng tất cả những gì SV được học, được thực hành đều đúng với công việc trong tương lai khi mình ra trường. Nhờ vậy họ hoàn toàn không bỡ ngỡ khi bước chân vào nghề nghiệp sau này.

Với năm cơ sở: hai tại TP.HCM (quận 5, trụ sở chính và Thủ Đức), một tại Đà Nẵng, một tại Cần Thơ và một tại Long Xuyên (An Giang).

Chia sẻ về điểm này, Hoàng Anh cho biết: “Chúng tôi có một “hợp đồng tay ba” giữa nhà trường, SV và doanh nghiệp. Trong trường hợp ra trường mà SV vẫn chưa đạt được đủ chuyên môn do năng lực chưa theo kịp, nhà trường có trách nhiệm bồi dưỡng tiếp tục cho đến khi có thể tự tin đi làm được. Và đã gọi là ký kết hợp đồng, nghĩa là phải có một sự ràng buộc cho cả đôi bên”.

Điều đó có nghĩa là về phía các SV, trong suốt quá trình học ba năm phải bảo đảm hoàn thành nội dung chương trình, học phần, không được học gián đoạn hoặc bỏ dở nửa chừng. SV phải tham gia đầy đủ chương trình học và thực hành, đặc biệt là thực tập thực tế tại nhà xưởng, doanh nghiệp.

Sau khi ra trường, nhà trường có trách nhiệm giới thiệu và bảo đảm việc làm trong vòng một năm. Trong thời gian này, nếu SV còn gặp khó khăn như chưa thật vững chuyên môn hay chưa thích ứng kịp yêu cầu của DN, iSpace sẽ bồi dưỡng thêm.

“Trong trường hợp người học bỏ dở nửa chừng, chúng tôi sẽ không cấp bằng tốt nghiệp và sẽ không giới thiệu việc làm. Nhưng nếu học viên hoàn thành được học phần nào, nhà trường sẽ cấp chứng chỉ tới đó.

Trên thực tế, theo thống kê của chúng tôi, có đến 60%– 70% sinh viên đã có được việc làm ổn định trong ba tháng đầu sau khi ra trường. Một tỉ lệ không nhỏ còn lại là các em về tự làm chủ (mở cửa hàng máy tính, cơ sở kinh doanh về điện tử, tin học…) hay làm cho gia đình mình”- Hoàng Anh chia sẻ thêm.

Thể hiện đức tin bằng chính việc làm của mình

Để làm được điều này, việc đào tạo, biên soạn chương trình, giáo án… của iSpace buộc phải bảo đảm một số điều kiện. Đó là đào tạo ít kiến thức hàn lâm nhưng bảo đảm chất lượng ra trường.

Từng là một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, có quan hệ lâu năm và rất gần gũi với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin, Hoàng Anh cùng các cộng sự xây dựng Trường iSpace theo mô hình “Doanh nghiệp – Trường”, hay “Doanh nhân – Thầy giáo”, nắm bắt đúng và đủ yêu cầu của từng doanh nghiệp, từng loại hình hoạt động, nhóm doanh nghiệp hoạt động để đào tạo theo sát thực tiễn.

iSpace luôn thực hiện phương châm gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp.

Chương trình không đào tạo tràn lan mà giới hạn nội dung vào tin học ứng dụng vào thực tiễn như: Quản trị mạng, an ninh mạng, lập trình di động, đa truyền thông,…

Hoàng Anh thể hiện đức tin Công giáo trong vai trò người thầy như thế nào?

Trước câu hỏi bất ngờ, vị hiệu trưởng có tuổi đời chưa đầy 40 từ tốn: “Trong công tác đào tạo, tôi không hề nói một điều gì về Kinh Thánh, về đức tin Công giáo. Nhưng trong tận đáy lòng mình, tôi đã cố gắng thể hiện hết trách nhiệm của một người thầy, hết lòng vì học trò. Tôi nghĩ như vậy là cách làm vui lòng Thiên Chúa”.

Rồi Hoàng Anh như “giải trình” thêm: “Có thể diễn đạt thế này, tôi thấy dễ hiểu hơn, bản thân tôi cùng anh em cộng sự vẫn đang âm thầm làm công việc ấy. Tôi không chạy theo “mốt” thời cuộc, nghĩa là chạy theo đào tạo ngành “hot”, dùng nhiều “chiêu bài” quảng bá, PR để thu hút càng nhiều học viên càng tốt.

iSpace chú trọng đào tạo về chất và bảo đảm mọi SV ra trường đều có việc làm, trên hết là có đủ kỹ năng mềm để làm việc. Với năm cơ sở của iSpace trải rộng ra trên nhiều tỉnh thành, hằng năm cũng chỉ dừng lại ở con số tuyển dụng đầu vào chừng 500 SV mà thôi.

Với những SV chăm học, có hoàn cảnh khó khăn, iSpace có các khoản hỗ trợ, các suất học bổng dành cho các em. Chỉ cần làm việc hết trách nhiệm đối với 500 con người này hằng năm, chúng tôi đã cảm thấy mãn nguyện vì mình đã không phản bội lại lời hứa của mình”.

Học kỳ trải nghiệm

Ngoài bảy học kỳ mà SV phải học trong ba năm, tất cả sinh viên đều phải trải qua một học kỳ thực hành gọi là “Học kỳ trải nghiệm”, còn gọi là học kỳ mềm. Số tiết, thời gian của học kỳ này được rải đều trong toàn bộ quá trình học và học viên phải bảo đảm đầy đủ tiết học này.

Chia sẻ thêm về học kỳ mềm này, Hoàng Anh cho biết: “Bạn sẽ rất khó tìm được một công việc tốt, nếu bạn không biết rõ công việc của mình sẽ làm là gì và không có sự chuẩn bị tâm lý từ trước; và bạn sẽ không thể làm được công việc đó một cách thuần thục nếu bạn chưa làm qua và được hướng dẫn, chỉ bảo để làm cho đúng.

Với Học kỳ trải nghiệm, SV được đại diện của doanh nghiệp trao đổi chi tiết về công việc sau tốt nghiệp qua từng nấc thang nghề nghiệp tại các chuyên đề bắt buộc ở từng học kỳ. Sau đó, theo giáo án thực nghiệp được nhà trường và doanh nghiệp cùng biên soạn, SV được làm thử cho đến khi đạt yêu cầu từng công việc cụ thể với sự chỉ bảo của các chuyên viên xưởng thực tập”.

Gắn kết đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp
– Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế-xã hội nhằm tổ chức tốt hoạt động dạy nghề, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ gắn chặt với thực tiễn, hoạt động sử dụng lao động, giải quyết việc làm và các hoạt động xã hội bảo trợ, đầu tư khai thác nhân tài, khuyến khích tài năng.
– Thường xuyên nghiên cứu, khảo sát nhu cầu các ngành nghề mà doanh nghiệp cần tuyển dụng. Phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm bổ sung kỹ năng nghề cho người học để đáp ứng tốt yêu cầu công việc, khi được tuyển dụng.