Đến Cana… hấp hôn

Trong những kỷ niệm của hàng trăm vùng đất đã đi qua, ông Cao Tiến Vị, nguyên Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, chọn địa điểm mà ông ấn tượng nhất: Làng Ca na. Nơi đây vợ chồng ông được ban Bí tích Hôn "phối lần thứ hai" để nhận lãnh thêm hồng ân và sự chúc phúc.

Du lịch, hành hương nước ngoài không còn là một cái gì đó xa xôi chỉ dành cho người có điều kiện nữa. Sự ra đời của máy bay giá rẻ cũng như sự trợ giá tối đa của các nền du lịch đã đưa cơ hội đi khám phá thế giới đến gần hơn với mọi người.

Bởi vậy, du lịch không chỉ dừng lại ở việc đi ngắm cảnh, mà bắt đầu tập trung vào những nhu cầu chuyên sâu hơn của cuộc sống: Du lịch chữa bệnh, du lịch hội nghị, du lịch mua sắm và thu hút nhất hiện nay là du lịch hành hương – du lịch tâm linh.

Một cặp vợ chồng du khách làm đám cưới lại ở nhà thờ Cana.

Nở rộ tour hành hương

Một tour hành hương bây giờ không chỉ “nói chung chung” là sẽ đi về miền đất thánh, dự thánh lễ ở nhà thờ nào, mà các nhà tổ chức đã cẩn thận ghi chú những điểm mà hành trình đi qua gắn liền với thánh tích, đoạn phúc âm nào. Chẳng hạn, tour thịnh hành nhất hiện nay là hành hương về Jerusalem – Israel được miêu tả như sau:

“Tới Telviv – Israel, đoàn sẽ đi Nazareth, tham quan di tích thành phố cảng Xê- da-rê, do vua Hê-rô-đê Cả (năm 34 trước Công nguyên tới năm 4 Công nguyên) xây dựng theo kiến trúc Roma: Các tổng trấn Roma đóng đô ở đây để cai quản đất Palestin; tham quan bia khánh thành công trình xây dựng mang tên Phi-la-tô, người đã cho lệnh đóng đinh Chúa Giê-su.

Mỗi ngày đoàn chúng tôi đều được tham dự một thánh lễ do linh mục đi cùng đoàn cử hành tại nhà thờ nơi đến hành hương. Sự sốt mến làm mọi người quên đi nỗi nhọc mệt… Ai nấy đều tỏ lộ sự bình an vui sướng.

Thánh Phê-rô đã tới đây nhận gia đình ông Cor-ne-li-ô vào đạo (sách Công Vụ, c.10). Nơi thánh Phao-lô đã bị giam hai năm trước khi được giải qua Rô-ma (sách Công vụ, c.23-26). Tiếp tục đường ven biển, lên núi Cac-men, viếng nhà thờ Đức Mẹ Sao Biển. Đi về phía Đông, vào Nazareth, làng quê của Chúa Giê-su: Thăm giếng Đức Mẹ, Vương cung thánh đường Truyền Tin, xây trên nơi xưa là nhà Đức Mẹ, cũng là nơi thần sứ Gaprien báo tin Ngôi Lời nhập thể. Viếng nhà nguyện kính thánh Giu-se gần bên. Dự thánh lễ”.

Một công ty du lịch khác thì chọn cách theo chân Người: “Đến biển hồ Ga-li-lê, địa bàn rao giảng của Chúa Giê-su ở quanh biển hồ này. Viếng hai ngôi nhà thờ tại Tabha (địa danh có nghĩa là Bảy Suối): Nhà thờ kính nơi Chúa Giê-su làm cho bánh hóa nhiều để nuôi đám đông (Gio-an 6) và nhà thờ kính nơi Chúa trao quyền chăn chiên cho thánh Phê-rô (Gio-an 21).

Lên núi viếng nhà thờ kính nơi Chúa giảng Tám Mối Phúc Thật (Mát-thêu 5-7). Dùng cơm trưa với “cá thánh Phê-rô”.

Và luôn luôn, điểm thu hút rất nhiều gia đình là điểm đến Cana, nơi mà mọi người phải xếp hàng để được thực hiện nghi thức “lặp lại lời giao ước” cho các cặp vợ chồng.

Dấu ấn Cana

Anh Nguyễn Văn Tuyển, một người vừa được nhận lại bí tích Hôn phối sau 30 năm lập gia đình ngay tại Cana, kể lại chuyến hành hương rất đặc biệt của mình như một cách chia sẻ sự thú vị của hình thức du lịch thịnh hành này:

“Dẫu biết rằng đất nước Israel đang trong tình trạng chiến sự nhưng chúng tôi vẫn một lòng ra đi trong niềm tin yêu phó thác nơi Chúa. Lịch bay được dời lại hai, ba ngày làm mọi người chờ đợi trong hồi hộp… Thế rồi ngày đoàn chúng tôi bay cũng là ngày Israel ngừng bắn.

Toàn cảnh nhà thờ nhìn từ bên ngoài.

Đoàn hành hương chúng tôi gồm 17 người, trong đó có một linh mục, hai cụ bà tuổi 82 và 83, mấy cụ ông tuổi thất thập, một số người đứng tuổi và hai phụ nữ trẻ… Thành phần như trong một gia đình có ông bà, cha mẹ, anh chị em và con cháu.

Bắt đầu ngày hành hương của chúng tôi là giờ cầu nguyện chung, lần hạt Mân Côi dưới sự hướng dẫn của linh mục, sau đó nhận phép lành đầu ngày, điểm tâm tại khách sạn rồi lên đường hành hương theo lịch trình.

Đến nơi dấu tích thánh nào mọi người đều sốt sắng cầu nguyện và hôn kính. Mỗi ngày đoàn chúng tôi đều được tham dự một thánh lễ do linh mục đi cùng đoàn cử hành tại nhà thờ nơi đến hành hương. Sự sốt mến làm mọi người quên đi nỗi nhọc mệt… Ai nấy đều tỏ lộ sự bình an vui sướng.

Hãy tranh thủ hành hương ở những thánh tích này sớm chừng nào tốt chừng nấy, trước khi bị làn sóng du khách khổng lồ phá hủy sự thiêng liêng, nguyên sơ của nó.

Riêng tôi và bà xã còn được đặc ân “hấp hôn” tại phòng tiệc cưới Cana xưa nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành hôn của chúng tôi. Linh mục đi cùng đoàn chủ sự cử hành nghi thức và chứng kiến chúng tôi lặp lại lời giao ước hôn nhân, trao nhẫn cưới với sự tham dự của mọi người trong đoàn.

Các cụ, các ông, các bà, các anh, các chị, các cháu đã chuẩn bị thật chu đáo… Trang phục áo dài Việt Nam nhẹ nhàng tha thướt tung bay… Mọi người dành cho chúng tôi sự ưu ái. Các chị bận bịu săn sóc làm đẹp cho cô dâu.

Một chị trong đoàn thốt lên: Ủa, sao đám cưới người ta mà mình cũng cứ rộn ràng vậy! Tiếng cười khúc khích vang lên… Ai cũng tấm tắc khen cô dâu đẹp với bao lời chúc mừng… Bà xã tôi tươi đẹp hẳn lên, trong lòng rộn rã trào dâng niềm vui sướng hạnh phúc…”.

Và giống như chia sẻ của anh Tuyển, một trong những điều đặc biệt nhất tạo nên sức hút của các chương trình du lịch hành hương chính là sự đồng điệu của những người đi chung đoàn. Vừa chia sẻ đức tin, vừa hướng dẫn nhau trên từng chặng đường di chuyển, vừa trở thành bạn tri âm của những ngày sau này…

Phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su
Ngôi làng của người Ả Rập, tên là Kaft Cana ở vùng Ga-li-lê, Israel cuối cùng cũng được Đức Giáo hoàng công nhận là địa điểm đã diễn ra phép lạ “biến nước thành rượu”– phép lạ đầu tiên mà Chúa thực hiện trong hành trình truyền giáo của mình. Và mỗi năm, luôn có khoảng 200.000 du khách đến tham quan khu vực này.
Được truyền cảm hứng từ màu nhiệm trên, khu vực Cana có một hoạt động kinh doanh rất phát đạt là… bán rượu. Nhiều nhà nghiên cứu phàn nàn về tình trạng hiện đại hóa và thương mại hóa khu vực vốn là một ngôi làng nhỏ, nhà thờ nhỏ ở khu vực này. Nhưng ngày càng nhiều du khách tìm đến đã làm cho hàng loạt khách sạn, trung tâm thương mại và giải trí mọc lên tại đây.