Hơn hai mươi năm trước Nhạc sĩ Văn Tuấn Anh là một doanh nhân chuyên kinh doanh bất động sản. Gia đình anh thuộc Giáo xứ Thánh Đa Minh Ba Chuông (Tổng Giáo phận Sài Gòn). Sau một lần đến Đà Lạt, anh bị rừng mê hoặc nên bỏ mọi sự để gắn bó với đời sống buôn làng để rồi bây giờ có một Làng Cù Lần nổi tiếng của Đà Lạt.
Đến “điên” vì rừng
Thiên nhiên đẹp như mơ của phố núi hồi đó đã khiến Văn Tuấn Anh quyết định đến Đà Lạt làm ăn, sinh sống dù chưa biết sẽ làm gì. Anh không hứng thú lắm với cách tạo không gian thường gặp ở ngành bất động sản như: căn hộ, biệt thự, nhà cao tầng… Anh quyết định vào rừng với sự hướng dẫn lờ mờ của một vài người bạn địa ốc ở Đà Lạt.
Những lần đi mơ hồ vào rừng đưa họ ngẫu nhiên ngang vài ngôi làng xưa, có nguồn gốc từ nhiều thế kỷ trước, nay vẫn còn dân bản địa sống và canh tác.
Trước kia, anh chưa bao giờ có suy nghĩ hay hình ảnh gì về một không gian sống nhỏ bé với một cộng đồng chỉ vài chục người, gần như lẻ loi giữa rừng bạt ngàn, bao la. Vậy mà giờ đây, anh đã có dịp đến thăm vài ngôi làng như vậy.
Trong số đó, một ngôi làng của dân tộc K’Ho gần Suối Vàng làm anh thích nhất. Anh đến lần đầu lúc chiều dần xuống. Dân làng bắt đầu lùa ngựa, dê về chuồng, người này nhóm lên vài đốm lửa, người kia lo chuẩn bị rượu cần tiếp khách đến thăm. Anh bị cõi rừng mê hoặc ngay từ đó và chợt nghĩ có lẽ cái mà mình đang tìm là đây.
Trở lại vài lần sau đó, anh được biết dân làng ngày một thưa thớt do người trẻ ra phố học hay làm việc, người chuyển đi nơi khác sau khi lập gia đình nên có nhu cầu bán nhà và thậm chí gần như bán cả làng.
Từ mê rừng đến “điên” vì rừng, trong thời gian từ 2004 đến 2009, Văn Tuấn Anh đã gom góp tất tiền bạc của mình để mua dần dần lại cả ngôi làng với khoảng 22 ha rừng, có thời giá gần 700 triệu đồng/ha. Giá mua không rẻ nếu chỉ xét trên đất đai, nhà cửa nhưng cũng không đắt nếu tính các giá trị văn hóa, lịch sử kèm theo đó.
Mơ ước cho bạn bè trải nghiệm đời sống giữa rừng
Khi đã mua được làng, anh bắt tay xây dựng dần dần với ý thức quy hoạch thành một không gian sống, một ngôi làng giữa rừng đầy đủ tiện nghi mà anh hằng mơ ước, để gia đình, người quen, bạn bè trải nghiệm.
Lúc đó, anh chưa có kế hoạch kinh doanh, dự án cụ thể để biến làng thành khu du lịch như ngày nay. Anh chọn cách hòa nhập vào thiên nhiên, văn hóa và cả âm nhạc có từ nhiều thế kỷ qua ở làng để vừa bảo tồn, vừa phát triển thay vì tạo ra cái mới ngay từ đầu như cách làm thông thường của những người làm dự án.
Tình yêu rừng và âm nhạc của mình xuất phát từ lòng đam mê thiên nhiên, say mê những gì Chúa đã tạo ra trong sáu ngày đầu tiên. Đó mới chính là yếu tố nền tảng giúp mình giữ thiên nhiên, kinh doanh.
Văn Tuấn Anh không có được sự đồng hành của các ngân hàng trong những lúc đầu gian nan. Họ không thấy ở dự án của anh những điều họ cần. Họ quan tâm những khối bê tông, nhà cao tầng, độ hoành tráng, những gì “cân, đo, đong, đếm, được” chứ không phải những giá trị văn hóa tiềm năng, ngôi làng hẻo lánh trong rừng, tính lãng mạn của thiên nhiên.
Cách họ nhìn hoàn toàn khác với anh nên trong suốt thời gian đầu trước khi đi vào hoạt động, Làng Cù Lần luôn nhận được sự thờ ơ từ phía ngân hàng và những nhà đầu tư khác. Anh phải tự xoay sở một cách nhẫn nại đến… cù lần để có được một địa điểm du lịch đón hàng ngàn lượt du khách vào cuối tuần như ngày nay.
“Du khách trả tiền không phải để vào xem những cái giống nhau. Đã có một thời gian dài, du khách than phiền, đến Đà Lạt chỉ cần tham quan một khu du lịch là đủ vì nơi nào cũng giống nhau”. Văn Tuấn Anh chia sẻ như vậy khi nói về trăn trở xây dựng nét độc đáo cho khu du lịch Làng Cù Lần.
Đến thăm nơi này, ngay từ cổng vào đến chuyến xe Jeep vượt suối đưa du khách vào trung tâm làng, ấn tượng mạnh mẽ mà chúng tôi có được là “nhiều thiên nhiên quá”. Nét độc đáo trong kiến trúc của khu du lịch là được xây dựng trên nền tảng thiên nhiên đích thực mà làng đã có từ nhiều thế kỷ qua.
Không gian ở đây làm cho con người dễ thân thiện với nhau, nói cười được với nhau. Có lẽ Hội An, nơi anh sinh ra, đã tạo trong anh dấu ấn khó phai về nhu cầu bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt văn hóa Tây Nguyên. Sự hòa trộn đầy cảm hứng này như nhựa sống chảy trong cây cù lần bất tử đã dần hình thành nên nét “văn hóa cù lần”, rất riêng và rất nhân văn.
Từ khu trung tâm nằm trên cao, chúng tôi men theo từng bậc thang gỗ ven dốc đồi dẫn xuống khoảng sân cỏ rộng bên dưới, nổi bật với cây totem (vật tổ) và cây hoa pơ-ra-nhăng tím rực. Đợi chúng tôi ở bậc thang cuối cùng là một người đàn ông nhỏ thó, trang phục khá bụi đời, đầu đội nón cao bồi màu da nâu sậm.
Thật ngạc nhiên khi thấy anh xách một túi nylon to thường được dùng để đựng rác. Hình ảnh chủ nhân khu du lịch nổi tiếng cùng nhân viên trực tiếp kiểm tra các nhà vệ sinh, nhặt từng vỏ chai nhựa, mẩu rác mà khách tham quan “vô tâm” ném vào bụi cây bên đường khiến chúng tôi hoàn toàn bị thuyết phục.
Anh nói, nguyên tắc kinh doanh du lịch của anh là: “Phải có những chuẩn mực bắt buộc để sau khi du khách đến thăm làng ra về, họ mang theo những ký ức đẹp”. Như vậy, Làng Cù Lần không chỉ đáp ứng yêu cầu của khách du lịch “muốn nhận được những gì tương xứng với số tiền mình đã bỏ ra” mà còn khá hào phóng khi tặng họ cả những điều tốt đẹp đáng nhớ. Đó là nét riêng mà phải rất “cù lần” mới có được!
Nhạc sĩ doanh nhân hay doanh nhân nhạc sĩ?
Đam mê âm nhạc từ nhỏ nhưng Văn Tuấn Anh không có cơ hội theo học ở trường nhạc. Anh tự học nhạc lý, guitar, sáng tác và học bạn bè, đàn anh. Anh có duyên được kết thân với nhiều nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam và anh luôn sẵn sàng học hỏi từ họ.
Âm nhạc là phần không thể thiếu được trong đời sống của anh. Từ những ca khúc cách đây mười, hai mươi năm mà anh sáng tác, đã được biểu diễn hay đoạt giải thưởng (Cha tôi, Mùa đông vắng anh, Nhà anh trên đỉnh cheo leo…) đến những ca khúc đặc biệt viết cho Làng Cù Lần (Rừng gọi, Cù Lần mơ…). Âm nhạc của anh luôn quyến rũ, ca từ đầy chất thơ.
Một điều quan trọng nữa là trong những sáng tác ấy, anh đã gửi gắm một cách nghệ thuật những thông điệp về bảo vệ môi trường. Khách đến thăm làng không chỉ được đắm mình trong thiên nhiên mà còn nao nao xúc động với những ca khúc mang thông điệp tha thiết như vậy.
Bản chất của nghệ sĩ là cho đi, trong khi đó doanh nhân luôn muốn thu vào, càng nhiều càng tốt. Văn Tuấn Anh hiểu rõ mâu thuẫn đó và phối hợp hài hòa, tự nhiên trong con người mình. Âm nhạc và kinh doanh chung sống tốt đẹp trong anh. Anh xem kinh doanh là bổn phận và trách nhiệm đối với gia đình, còn âm nhạc là phần dinh dưỡng nuôi sống anh, giúp anh cân bằng cuộc sống.
Người quen cho rằng anh cù lần, không biết hưởng thụ. Bạn bè nhận xét anh sống khổ hạnh như thầy tu vì chẳng bao giờ thấy anh bàn đến chuyện nghỉ dưỡng, giải trí. Âm nhạc là thứ duy nhất đã giúp anh sống cân bằng, kinh doanh nhưng được nuôi dưỡng bằng âm nhạc. Đó là một doanh nhân nhạc sĩ.
Văn Tuấn Anh cho biết mình luôn ý thức được về sự đồng hành của Thiên Chúa và Mẹ Maria trong từng đoạn đường của mình.
Người bạn đời cân bằng lại chất mộng mơ Để giúp anh lấy lại cân bằng giữa chất mơ mộng, phiêu diêu của một nhạc sĩ với sự tỉnh táo, thực tế của một doanh nhân, Chúa đã cho anh một người bạn đời không chỉ thân thiết mà còn cần thiết. Thân thiết vì người vợ đó luôn đồng hành với anh trong mọi công việc, mọi hoàn cảnh, giữa núi rừng hay trong thành phố. Cần thiết bởi không biết bằng cách nào đó mà chị luôn có thể làm cho công việc của anh ổn định, kiểm soát được những diễn biến quanh anh, đặc biệt những gì thuộc về con số. Anh chị có ba người con: Con trai, con gái lớn học ngành tài chính và quản trị kinh doanh ở Úc, Mỹ, hiện là những trợ thủ đắc lực, giúp anh chị điều hành Làng Cù Lần. Con gái út lại đam mê âm nhạc, đang theo học ngành sáng tác tại đại học âm nhạc Berklee danh tiếng của Mỹ. |
NGUYỄN BÁCH