Nếu có ai hỏi, tôi vẫn thích nói rằng mình sinh ra và lớn lên tại Phương Hòa, chứ không nói tại xã Đoàn Kết, thị xã Kon Tum (nay là phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum). Đó là một giáo xứ nhỏ xinh bên dòng Đắk Bla chảy ngược, thuộc Giáo phận Kon Tum. Một giáo xứ nơi tôi gắn bó cả thời niên thiếu, cùng tôi trưởng thành và góp phần lớn tạo nên một tôi của ngày hôm nay.
Tuổi thơ tôi gắn bó rất nhiều với nhà thờ. Ngoài thời gian đi học và phụ mẹ việc nhà, tôi chỉ quanh quẩn ở ngôi thánh đường ấy. Vào buổi chiều, tôi thường phụ các mẹ, các dì làm những việc lặt vặt như quét nhà thờ, quét sân, sắp xếp lại các tủ sách kinh, sách hát của các ca đoàn. Vì tôi muốn ngôi nhà chung ấy cũng gọn gàng, sạch đẹp như nhà tôi hoặc hơn thế nữa.
Tôi rất thích theo các soeur phụ trách hướng dẫn những em lớp dưới tham gia khóa tĩnh tâm khi hè đến. Không hẳn vì cảm giác “ham vui” thích được sinh hoạt đội nhóm hoặc được “ra oai đàn chị” mà vì chính nhờ các em, tôi đã học được cách sắp xếp thời gian, phân công việc chung hợp lý và làm việc hiệu quả với nhóm của mình.
Và với tôi, buổi tối là khoảng thời gian vui nhất trong ngày. Nếu không đi sinh hoạt nhóm Con Đức Mẹ thì sẽ là tập hát với ca đoàn. Tôi theo học lớp nhạc lý sơ cấp ở giáo xứ, rồi bước vào ca đoàn thiếu nhi, theo học các anh chị ca trưởng từng cách lên giọng, luyến láy, chuyển tông, để rồi bây giờ cũng sở hữu được giọng ca “đủ xài”, có thể góp phần văn nghệ của trường lớp, của cơ quan.
Giờ đây mỗi khi nhớ về giáo xứ Phương Hòa, tôi biết rằng chính sự gắn bó mật thiết ấy đã giúp tôi có được những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống này, giúp tôi định hình được suy nghĩ, độc lập trong tư duy, khiến tôi luôn muốn sống có ích và tử tế. Điều mà ngày nay nhiều bậc cha mẹ phải bỏ tiền ra cho con em mình học trong các khóa huấn luyện kỹ năng, những học kỳ quân đội mà ta vẫn thấy ở các công viên, ở các nhà văn hóa mỗi cuối tuần hoặc khi hè đến. Và với tôi, sau này có đi đến đâu và làm được những gì thì Phương Hòa vẫn luôn là số một trong tôi, là nơi duy nhất tôi muốn trở về.