Thánh Thể: Bí tích của lòng thương xót

Người Kitô hữu có Chúa Giêsu Thánh Thể là trung tâm của đời sống, cách riêng mỗi khi chúng ta dâng thánh lễ, hiệp lễ hay khi cầu nguyện trước Thánh Thể.

Sứ điệp của lòng Chúa xót thương không chỉ mong muốn chúng ta và toàn thế giới tín thác, kêu cầu lòng thương xót của Chúa, mà còn mời gọi chúng ta thực hành lòng thương xót bằng những việc bác ái cho tha nhân.

Chúng ta kêu cầu lòng Chúa thương xót bằng lời kinh: “Lạy Cha, con xin dâng Mình và Máu, linh hồn và thần tính của Con rất yêu dấu Cha, để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới”. Chúng ta cũng loan truyền lòng Chúa xót thương cho anh chị em xung quanh bằng những việc yêu thương phục vụ.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Khánh nhật Truyền giáo năm 2005, ở mục “Nên một với Đức Kitô, Giáo hội trở thành tấm bánh được bẻ ra” đã viết: “Chúng ta, những người được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu của Đấng chịu đóng đinh và đã phục sinh, không thể giữ quà tặng này cho riêng mình, nhưng phải biết đem chia sẻ cho người khác. Bí tích Thánh Thể làm cho chúng ta trở thành những nhà truyền giáo quảng đại dấn thân tích cực cho việc kiến tạo một thế giới công bình và huynh đệ hơn” .

Một vài chứng từ của thời đại này

Khi đến làm việc tại Liên Xô, Thánh Tê-rê-xa Can-cút-ta xin bằng được có linh mục để dâng thánh lễ. Mẹ cho biết: “Nguồn sức mạnh của các nữ tu chúng tôi là do Mình Thánh Chúa. Nhờ mỗi ngày được gặp gỡ và đón nhận Thánh Thể Chúa nên các nữ tu chúng tôi có sức hy sinh quên mình để phục vụ những người nghèo khổ”. Thánh Tê-rê-xa và các nữ tu của mẹ là những người đã cảm nghiệm được lời Chúa Giêsu công bố trước khi lên trời “Này đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt, 28, 20).

Á Thánh Đa-miêng, tông đồ người cùi ở đảo Mô-lô-kai, thuộc Tiểu bang Hawaii của Hoa Kỳ cũng cho biết: “Nếu không có Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi không thể sống nổi dù chỉ một ngày giữa nơi hoang vắng và kinh tởm này”.

Các Đức Giáo hoàng gần đây cũng nêu gương và nhắc cho dân Chúa rất nhiều về việc yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Thánh Piô X được mệnh danh là Giáo hoàng của bí tích Thánh Thể. Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII xác tín trong cuốn nhật ký của ngài rằng cuộc đời ngài được dành riêng để sống trong ánh sáng chiếu tỏa từ Thánh Thể.

Khi người ta hỏi Đức Gioan Phaolô I rằng tại sao lúc nào ngài cũng có nụ cười rạng rỡ trên môi, ngài cho biết: “Vì Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể quá yêu thương tôi”. Chân phước Phaolô VI, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thánh cha Biển Đức XVI đã viết nhiều thông điệp, đã nói nhiều đề tài liên quan đến bí tích Thánh Thể.

Chầu là tôn thờ, là cầu nguyện bằng cách hiện diện trước Mình Thánh Chúa, là ở bên Chúa Giê-su Thánh Thể. Mặc dù còn ở trần gian, nhưng với đức tin chân thành, người tín hữu đã có hạnh phúc của thiên đàng, nơi Đức Maria và thần thánh đang vui hưởng.

Cha Giám tỉnh Dòng Thánh Thể ở Ác-hen- ti-na cho chúng tôi biết: “Đức Giáo hoàng Phanxicô là người rất gần gũi với các tu sĩ Dòng Thánh Thể. Trước khi đi tu, ngài đã ghi tên vào nhóm chầu đêm (the nocturnal adoration) tại Thánh đường của dòng. Về sau, ngài chọn các cha Dòng Thánh Thể làm cha giải tội. Khi còn là Tổng Giám mục Buenos Aires, ngài thường đến dâng thánh lễ và tôn thờ Thánh Thể tại nhà thờ chính tòa này. Nhiều lần ngài đến chầu Chúa cách âm thầm, không muốn để ai biết”.

Gần gũi chúng ta hơn cả là Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, người đã được tôn phong lên bậc Đáng Kính. Ngài đã vượt qua những năm tháng gian khổ trong ngục tù, nhờ trung thành cử hành Thánh Thể. Ngài đã giảng trong tuần tĩnh tâm năm 2000 cho Giáo triều Rôma với nhiều trải nghiệm thiêng liêng nhờ kết hợp với Thánh Thể.

Trong bài nói chuyện kết thúc Đại hội Thánh Thể lần thứ 50 tại Ai-len, vị Đặc sứ của Đức Thánh cha cũng đề cao gương anh dũng và lòng yêu mến Thánh Thể của Đức Hồng y Phanxicô.

Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người vẫn nhập thể giữa thế gian. Đấng Cứu thế không xa cách loài người chúng ta. Nơi nhiệm tích Thánh Thể, Thiên Chúa luôn gần gũi dân Người.

Thế nhưng Thánh Thể lại là một mầu nhiệm – mầu nhiệm của đức tin. Đã là mầu nhiệm hay đức tin, chúng ta không thể nắm bắt bằng giác quan hay bằng những cố gắng loài người, mà phải nhờ chính ơn Chúa qua lời cầu nguyện và thái độ khiêm tốn của chúng ta.

Sách Giáo lý Công giáo ở số 1381, sau khi trích lời Thánh Tôma Tiến sĩ dạy về sự hiện diện của Thánh Thể, cũng nhắc lại lời của Thánh Syrilô, khi ngài chú giải câu Tin Mừng Luca 22, 19 rằng: “Bạn đừng thắc mắc xem có thật không. Tốt nhất nên tin tưởng đón nhận lời của chính Chúa, vì Người là chân lý, không bao giờ lừa dối”.

Chầu Thánh Thể tại Đền Thánh Bác Trạch, GP Thái Bình.

Có Thánh Thể, bạn còn mong gì hơn nữa!

Ngoài đêm thứ Năm Tuần Thánh, hàng năm vào sau mùa Phục sinh, người tín hữu có cơ hội đào sâu về tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người khi thiết lập nhiệm tích Thánh Thể với ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Nhiều người còn biết ngày này với tên gọi là lễ Xăng-ti (Sanctissimi Sacramenti)

Vào ngày lễ trọng này của Giáo hội Công giáo và trải dài trong các Chúa nhật suốt cả năm, mỗi giáo xứ được chỉ định một ngày Chúa nhật để giáo dân đến thánh đường chầu Thánh Thể.

Trong tông thư Mane Nobiscum Domine, có đoạn Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong nhà tạm, nơi bí tích Thánh Thể phải như một thứ nam châm thu hút ngày càng nhiều tâm hồn ngưỡng mộ Người, sẵn lòng kiên nhẫn chờ đợi nghe tiếng Người và thậm chí nghe thấy cả nhịp đập trái tim của Người nữa”.

Thánh E-ma, vị thánh được Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đặt cho tước hiệu Tông đồ Thánh Thể và công bố trong ngày phong hiển thánh, vào cuối khóa họp thứ nhất của Công đồng Vaticano II, ngày 9-12-1962 rằng: “Trong các vị tôn sùng Thánh Thể, Chân phước Eymard đứng hàng đầu”.

Cũng như các vị thánh trong Hội Thánh Công giáo, ngài để lại rất nhiều lời kêu mời người ta yêu mến Thánh Thể. Ngài viết những lời này trong nhật ký ngay khi mới được rước lễ lần đầu: “Có Thánh Thể, bạn còn mong gì hơn nữa?” (You have the Eucharist, what more do you want?). Ngài cũng quả quyết: “Có Thánh Thể là thiên đàng, không Thánh Thể là hỏa ngục” (With the Eucharist, it is paradise; without the Eucharist, it is hell).

Với niềm tin của cả Giáo hội từ hơn 2.000 năm qua, người tín hữu chúng ta xác tín rằng nơi mỗi thánh lễ được cử hành hàng ngày, nơi tấm bánh nhỏ bé đã được truyền phép, chính Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta để Người trao ban niềm bình an, ân sủng và sức mạnh cho chúng ta, như đã trao ban cho các tông đồ và cho các vị thánh qua từng thời đại, trong đó có các thánh tử đạo Việt Nam tiền nhân của chúng ta.
Các ngài không chỉ yêu mến Thánh Thể bằng cách dâng thánh lễ, tôn thờ Thánh Thể, mà còn bằng việc sống bí tích Thánh Thể, nghĩa là sống hiệp thông yêu thương, ngay cả với những ai bách hại mình. Hiệp thông cũng là chủ đề của Đại hội Thánh Thể lần thứ 50: “Thánh Thể, nguồn hiệp thông với Đức Kitô và với nhau”(The Eucharist, communion with Christ and with one another).

LM VINH SƠN NGUYÊN HOÀ, SSS

>> Sao lại gọi giờ chết là sinh thì?