Đến Giáo xứ Tân Sa Châu, tôi hay ghé thư viện sau khi chào hỏi vị linh mục chánh xứ, Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết, chủ nhân của kho đồ cổ lớn nhất nhì Việt Nam. Không ngoài dự đoán của tôi, thư viện cũng có nhiều đồ quý giá. Nhiều hơn hết là những cuốn tài liệu quý đã có gần 100 năm hoặc hơn, những bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng, và vài đồ cổ khác.
Tượng chịu nạn mục nát được lồng kính
Khuất sau những chồng sách được xếp ngay ngắn trong thư viện là một hộp kính dài độ chừng mét rưỡi, bên trong có tượng Chúa chịu nạn chừng một mét, bằng gỗ gần như mục nát.
Tượng chịu nạn không còn nguyên vẹn, lớp sơn bị trầy trụa, để lộ màu gỗ cũ kỹ theo thời gian. Tượng gỗ có những vết nứt lớn sau vết sơn loang lổ và chỉ còn một cánh tay rời, được xếp ngay ngắn kề bên thân. Đôi chân cũng không còn lành lặn, bởi thời gian và mối mọt gặm nhấm. Những nét chạm khắc trên thân tượng cũng không còn rõ. Với nhiều người thì bức tượng chịu nạn này chẳng đáng giá gì vì cũ kỹ, xấu xí và trong thâm tâm tôi cũng vậy. Tôi buột miệng “tượng mục nát hết rồi!”.
Như đoán được ý của tôi, cha lui cui vừa xếp lại mấy bức tranh vừa nói câu nói cửa miệng, dí dỏm mỗi khi tôi tò mò về cổ vật trong giáo xứ của ngài: “Đồ cổ đó con, vậy mới cất kỹ chứ. Ngu thế!”.
Theo như lời cha kể thì bức tượng chịu nạn này có tuổi đời hơn 100 năm. Đây là tượng chịu nạn trước đây được đặt trên thánh giá của một nhà thờ nào đó ở miền Bắc. Sau khi họ chỉnh trang, vì tượng cũ, không hợp với cung thánh nên đã thay thế. Bức tượng chịu nạn này lưu lạc đến tận Sài Gòn, tình cờ cha bắt gặp và đem về Tân Sa Châu.
Trong thư viện còn có nhiều bức tranh tuy không phải là đồ cổ nhưng đó là những bức tranh quý được vẽ bởi những họa sĩ nổi tiếng. Nổi bật trong số nhiều bức tranh to nhỏ khác nhau, phải kể đến bức sơn mài có tên Dưới chân Thánh giá, của Họa sĩ Lê Văn Đệ (1906 – 1966). Ông được Vatican bổ nhiệm làm họa sĩ cho Tòa thánh và được mời phụ trách một nhóm 11 kỹ sư và 20 họa sĩ làm nhiệm vụ vẽ, chạm trổ, trang hoàng trong điện Vatican.
Bức thứ hai của Họa sĩ Lê Phổ. Tôi không thấy tên bức tranh, nhưng Cha Triết cho biết đó là bức tranh vẽ Đức Mẹ Maria và Chúa Hài đồng theo phong cách Việt Nam. Đức Mẹ và Chúa Hài đồng mặc áo dài truyền thống, trên tay Chúa cầm một bông hoa tựa hoa sen, loài hoa đặc trưng nơi những đồng quê nước Việt.
Những cuốn sách hơn trăm tuổi trong thư viện Tân Sa Châu
Ngoài bộ sưu tập đèn Ánh sáng muôn dân lớn nhất Việt Nam, Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết còn là chủ sở hữu của những cuốn sách quý, có tuổi đời hơn 100 năm.
Thư viện Giáo xứ Tân Sa Châu có rất nhiều loại sách cổ xưa từ thời Pháp, đa phần là sách tôn giáo. Những cuốn sách cũ, giấy đã ngả vàng, được cha nâng niu, xếp ngay ngắn trong tủ, khi có việc mới lấy ra.
Tôi thấy trong số đó có những cuốn sách xuất bản từ thế kỷ XVII, XVIII. XIX. Hầu như những cuốn sách này đều xuất bản ở Paris mà tác giả là các cha thừa sai Pháp hoặc các trí thức Công giáo Việt thời bấy giờ. Chẳng hạn như Diver voya ges et mission (Hành trình truyền giáo) của Cha Alexandre de Rhodes (1653), Dictionnarium Anamitico-Latinum của Đức cha Pigneaux de Behaine (1772), Đại Nam Quốc âm tự vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của (1895)…
Điều tôi lo lắng nhất là nếu để đồ cổ làm của chung sẽ dễ bị mai một vì tâm lý của chung thì ít người quan tâm đến.
LM Giuse Nguyễn Hữu Triết
Cũng như việc sưu tập những cổ vật khác, Cha Triết thường tìm những cuốn sách cổ ở những tiệm sách cũ, hay chợ ve chai rải rác khắp Sài Gòn. Cha chia sẻ, những lần đi ra Bắc, cha cũng thường ghé các hiệu sách cũ, để xem có sách hay hay không. Đôi khi, những cuốn sách quý đó đến từ những người bán đồng nát, giấy vụn. Họ đem đến tận giáo xứ cho ngài…
Hiện tại, trong thư viện sách của Cha có gần 100 cuốn sách hơn trăm tuổi và không ít những cuốn sách được xuất bản từ đầu thế kỷ XX đến trước 1975.
Ước mơ có phòng truyền thống để lưu giữ cổ vật
Nhìn đâu trong khuôn viên Giáo xứ Tân Sa Châu cũng thấy cổ vật, đến nỗi chỗ gối đầu mỗi đêm của cha cũng đầy đồ cổ. Tôi buột miệng hỏi ngài về dự định cho tương lai. Ngài chỉ cười “tới đâu hay tới đó”.
Ngài cũng chia sẻ thêm rằng ngài ước mơ có một phòng truyền thống để trưng bày đồ cổ, không nhất thiết đó là giáo phận, hay giáo xứ mà cá nhân cũng được. Vì “quan trọng là trách nhiệm quản lý bởi không có người quản lý, không có người hiểu về đồ cổ để giới thiệu cho mọi người biết thì cũng kể như bỏ đi”.
Tâm nguyện của cha là làm sao để có thể đánh động mọi người về giá trị của các cổ vật Công giáo. Bởi nó không chỉ có giá trị về vật chất mà còn là chứng tích lịch sử, cần được trân trọng và bảo vệ.
Tạm biệt cha khi trời cũng vừa tròn bóng nắng. Nhìn vị linh mục ở tuổi thất thập lui cui sửa soạn lại những cổ vật, những cuốn sách trong thư viện cho ngay ngắn, tôi cũng thầm mong những ao ước của cha trở thành hiện thực.
TÂM NGỌC
>> Khám phá kho đồ cổ Cha Triết – Bài 1: “Tôi nhịn ăn để sưu tầm đồ cổ”