Khám phá kho đồ cổ Cha Triết – Bài 1: “Tôi nhịn ăn để sưu tầm đồ cổ”

Khuất sau ngôi thánh đường Giáo xứ Tân Sa Châu, Tổng Giáo phận Sài Gòn, là căn phòng nhỏ của Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết. Đó cũng là nơi cất giữ nhiều đồ cổ, trong đó không ít đồ cổ Công giáo do cha sưu tập.

Ghé Giáo xứ Tân Sa Châu, tôi như lạc vào thế giới đồ cổ với không gian tịch mịch, cổ kính. Bên cạnh thư viện chứa hơn 1.000 cuốn sách cổ thì còn có nhiều loại khác mà phần lớn là đồ cổ Công giáo với hàng trăm năm tuổi. Phải có niềm đam mê, không quản ngại khó khăn, Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết mới có bộ sưu tập đồ cổ lớn mà có lẽ ở Việt Nam không ai bằng.

Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết sửa soạn chỗ đặt lại bức tranh quý của Họa sĩ Lê Phổ. Ảnh: Tâm Ngọc

“Tôi sưu tập đồ cổ từ năm 1994”

Khác với thế giới sôi động ngoài trước ngôi nhà thờ, không gian nhà xứ tĩnh lặng, cổ kính và ngổn ngang với nhiều cổ vật có niên đại từ hàng trăm năm. Nếu không có tấm bảng nhỏ ghi trước cửa phòng Linh mục chánh xứ thì chắc ai cũng nghĩ đó là cái kho để đồ bởi bên ngoài, bên trong la liệt đồ vật.

Thoạt trông, những đồ vật này bình thường, chẳng đáng giá là bao, nhưng đó những cổ vật trong bộ sưu tập của cha.

Là Trưởng ban Mục vụ Văn hóa Tổng Giáo phận, những gì có ích, có lợi, có giá trị lớn về văn hóa, cha đều quý trọng và bảo tồn. Thú sưu tập đồ cổ của cha cũng không ngoài ý niệm này. Năm 1994, sau khi Cha Đa Minh Đinh Cảnh Thụy qua đời thì Cha Giuse Triết cũng chính thức sưu tập đồ cổ.

Cha Triết chia sẻ: “Bắt đầu từ cha già hưu sống với tôi ở đây hơn một năm. Ngài đem từ Bắc vào mấy tượng ảnh đẹp lắm. Khi ngài qua đời, tôi dọn phòng của ngài, thấy một số tượng ảnh rất đẹp, có một số đèn bằng thủy tinh, bình thường thôi, nhưng ngài không vứt đi. Từ đó, tôi sưu tập đèn. Rồi từ những ảnh tượng ngài để lại, tôi bắt đầu sưu tập ảnh tượng Công giáo”.

Cha nói thêm, đó cũng là cha bắt chước cha già, nối tiếp cha già, thích những gì xưa cũ. Bởi nơi những cổ vật ấy, lưu lại giá trị văn hóa đặc trưng của một thời kỳ lịch sử, vùng miền.

Cố gắng để đem những cổ vật Công giáo từ chợ trời về nhà thờ

Là linh mục chánh xứ, gánh trên vai trách nhiệm với hơn 5.000 con chiên, bộn bề công việc của giáo xứ, Cha Giuse không có nhiều thời gian và tiền bạc cho riêng mình. Nhưng vì niềm đam mê, cha cố gắng xoay sở, để đem những cổ vật Công giáo từ tay con buôn, nơi chợ trời về cất giữ.

Bức tượng cổ Đức Mẹ Maria của cố Linh mục Đa Minh Đinh Cảnh Thụy để lại. Phía trước, tượng Chúa Giêsu bằng bạc có tuổi đời hơn 100 năm của ngoại quốc. Ảnh: Tâm Ngọc

Cha kể, cha chơi đồ cổ từ khi làm chánh xứ Tân Sa Châu. Thực sự lúc này, cha mới có điều kiện hơn để sưu tập. Không chỉ hạn hẹp ở một hay hai loại cổ vật, tất cả những loại đồ cổ, cái nào đẹp là cha sưu tập hết.

Cho nên vào khuôn viên nhà xứ, ngoài đồ cổ Công giáo, người ta sẽ thấy những vật khác như bức tượng có từ thời Chu Đậu, hay chiếc đầu trâu khổng lồ, đến chiếc xe ngựa kéo cũ kỹ, thậm chí là những chum, vại, ly chén. Nhưng dẫu vậy, là người có đạo, hơn nữa là một linh mục, thì tìm được đồ vật gì của Công giáo, cha vẫn thích hơn, quý hơn.

Đa số người Công giáo chuộng đồ cổ Công giáo hơn. Còn dân chơi đồ cổ nhưng nhắm tới kinh tế, thấy đẹp, rẻ thì họ mua và bán lại cho người Công giáo.

Sưu tập đồ cổ khá tốn công sức. Bởi đồ cổ không tựu lại ở một nơi mà rải rác ở khắp mọi miền. Cha nói:

“Đồ cổ có nhiều nguồn, gặp ở đâu thì sưu tập ở đó. Ở ngoài chợ, ngoài phố, các chợ ve chai, hay người ta đem tới xứ. Hoặc tôi đi đâu, ngó ngó xem có gì thích hợp thì mua. Có khi tôi mua ở Sài Gòn, nhưng cũng có khi tiện dịp đi ra Hà Nội, miền Bắc thì vào mấy chỗ bán đồ cổ, đồ cũ xem có gì thích hợp không”.

Và phải có người cố vấn, nếu không sẽ mua phải đồ giả.

Dù làm chánh xứ, có ít nhiều tự do về thời gian, nhưng coi một xứ lớn như Tân Sa Châu thì cha không có thời gian nhiều cho đam mê của mình. Cha kể: “Thường thì ngày thứ Hai các linh mục được nghỉ. Ngày đó, các cha về thăm gia đình hay đi thăm bạn bè. Còn tôi dùng ngày đó để đi xem đồ cổ vì gia đình tôi ở tận Biên Hòa. Cứ mỗi tuần một buổi, tôi đi truy lùng đồ cổ”.
Nhưng khó khăn lớn nhất khi chơi đồ cổ vẫn là vấn đề kinh tế. Để theo đuổi niềm đam mê sưu tập đồ cổ, cha phải tiết kiệm chi tiêu cá nhân mình. Cha kể: “Tôi tiết kiệm được đồng nào thì mua đồng đó. Nhiều khi thấy thích đó, đẹp đó nhưng phải kiềm chế”. Trong khi những người khác sắm xe này, quần áo nọ thì cha dành tất cả cho đồ cổ.

Cha hóm hỉnh: “Vậy nên tôi mới gầy trơ xương thế này đây”. Để có tiền mua cổ vật, cha nhịn hết, từ việc đi nhà hàng, cà phê, thuốc lá, thậm chí đến ly trà đá, cha cũng không dám uống.
Cha tâm sự: “Tôi cũng không may sắm gì, ai cho gì mặc nấy”. Nhiều khi đi đến một vùng nào đó, gặp món đồ cổ ưng ý, nhưng không đủ tiền, cha phải mượn bạn bè để mua rồi về nhà gởi trả.

Tượng Thánh Teresa Hài đồng Giê-su, thời Pháp. Ảnh: Tâm Ngọc

Nhìn vị linh mục ngoài thất thập nâng niu từng món cổ vật, mới thấy sự quý trọng của ngài đối với những giá trị văn hóa, của lịch sử. Những cây thánh giá bằng đồng, bằng ngà có tuổi thọ hàng trăm năm, những tượng ảnh bằng sứ có từ thời Pháp được cha đưa về cất kỹ như báu vật, lâu lâu mới lấy ra xem.

Bất giác, một chút lo lắng về đồ cổ Công giáo bị mai một, bị “chảy máu”. Cha trấn an: “Đồ cổ Công giáo không “chảy máu” nhiều lắm. Người Việt Nam chỉ mua bán trong nước thôi, ít đưa ra nước ngoài”.

Nơi thánh đường Giáo xứ Tân Sa Châu hiện có hai tượng thiên thần đứng chầu hai bên cung thánh. Đây là tượng cổ, được tạc trên gỗ nguyên khối, cao 4 m, phong cách của miền Bắc. Ngoài ra, ghế chủ tế cũng là ghế Lu-y có tuổi thọ hơn 100 năm. Và một giá treo chuông cũng hơn 100 năm được đặt một bên trên cung thánh.

TÂM NGỌC

Đón đọc bài 2: Chiêm ngắm cây thánh giá của vua Bảo Đại