Việc công đức: Đôi khi cũng cần cho “tay trái” biết

Âm thầm đóng góp công đức là tốt nhưng sẽ là tốt hơn nếu thêm vào đó là tác dụng giáo dục lòng bác ái cho giới trẻ và con cháu chúng ta.

Tập cho các em nhỏ làm phúc bố thí hay đóng góp tiền công đức sẽ hun đúc tấm lòng bác ái nơi các em.

Nhiều năm trước đây, khi giáo xứ tôi trùng tu lại thánh đường, mà chủ yếu là làm lại gian cung thánh. Tôi, lúc ấy là thủ quỹ của Hội đồng Mục vụ, đã chứng kiến việc cha sở kiên quyết không nhận sự “tàitrợ” công đức 100% chi phí của một gia đình nọ.

Lý do từ chối là không thể thực hiện yêu cầu cho họ đặt một bảng đồng gắn tên người giúp tiền công đức dưới tam cấp bước lên cung thánh, dù chỉ lớn bằng đúng một bàn tay!

Cha cũng từ chối không tiếp nhận những ghế đá đặt trong khuôn viên nhà thờ, mà phía lưng dựa, dù trước hay sau, có in tên tuổi ân nhân.

Sau này, khi cần mua thêm một căn nhà phía sau để nới rộng diện tích nhà thờ cũ, cha và Hội đồng Mục vụ thống nhất: Không công bố tên và số tiền mà giáo dân đóng góp, vấn đề là mọi người tin nhau: Giáo dân tin cha, cha tin giáo dân.

Còn việc chi tiêu do Hội đồng Mục vụ quản lý chặt chẽ, minh bạch là đủ. Chuyện công khai đóng góp, đã chắc gì minh bạch trong chi tiêu, mà trước mắt làm cho những gia đình giáo dân nghèo e ngại. Rồi mọi chuyện tốt đẹp, không một ai trong giáo xứ thắc mắc, kêu ca.

Nhưng chuyện đạo, chuyện đời trong việc đóng góp công đức cũng nhiều góc nhìn xa lạ, khác biệt.

Nhìn lại những đợt cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, nhiều cá nhân, tổ chức vào cuộc. Có người nằm xuống trên đường làm việc thiện. Hầu hết, nếu không nói là tất cả, đều công khai, minh bạch những đóng góp của từng người cụ thể.

Nhiều nhà thờ khắp cả nước cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam, giáo dân lại mở lòng, mở hầu bao. Chẳng một ai đòi nêu tên tuổi, số tiền hay vật phẩm. Có chăng là con số tổng hợp từ các xứ gởi về cho nơi tiếp nhận chung.

Cách đây vài năm, ngay tại Giáo phận Vinh, nơi bà con đang là nạn nhân trực tiếp của lũ lụt, cũng nhanh chóng đóng góp, để cùng với vị giám mục đáng kính của mình đến với đồng bào. Hình ảnh của chuyến đi này được post lên vài trang cá nhân, chắc chắn không phải để “đánh bóng”, “câu like”, cũng không nhằm khoe khoang việc làm này. Bởi lẽ người Công giáo ai cũng biết điều Chúa dạy, đại ý là “việc tay phải làm, không cho tay trái biết”.

Tuy nhiên, theo tôi, cũng có những việc cần và nên cho “tay trái” biết. Vì một số người, cho là đông cách mấy, cũng không thể quán xuyến hết được nhu cầu của đồng bào, của việc chung; cần có sự chung tay đóng góp của thật nhiều người hơn nữa.

Âm thầm đóng góp cũng tốt nhưng sẽ là tốt hơn nếu thêm vào đó là tác dụng giáo dục lòng bác ái và trách nhiệm cộng đồng cho những người khác, đặc biệt là giới trẻ và con cháu chúng ta.

Hình ảnh những người cha mẹ đưa tiền cho con cái để chúng đặt vào rổ dâng tiến khi tham dự thánh lễ, hay tập cho các cháu trao tiền giúp người nghèo vẫn là hình ảnh tuyệt vời đẹp mà chúng ta hay bắt gặp trong các thánh lễ và cuộc sống.

PHÙNG NGHỊ

>> Nên có những công trình yêu thương