Hội đồng Mục vụ – Bài 3: Đâu là căn nguyên lão hoá?

Không dám trao cơ hội làm Hội đồng Mục vụ để người khác thể hiện là nguyên nhân làm nhiều nhân tài trẻ không được phát hiện. Đó là một thiệt thòi lớn cho sự phát triển xứ đạo.

Chuyện kể rằng, trong một buổi tập huấn nhân sự cho các vị Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, khi vị giáo sư giảng huấn mới khoảng hai mươi phút, lác đác có người ngủ gục, lão niên trước rồi tới trung niên. Cuối cùng chỉ còn khoảng 30% thành viên tham dự là những người trẻ có thể tiếp thu nội dung học tập.

Hạn chế sức khỏe, tinh thần giảm sút

Với độ tuổi trung bình hiện nay vào khoảng 60, rõ ràng tình trạng lão hóa nhân sự trong Hội đồng Mục vụ là một thực trạng rất đáng quan tâm. Ưu điểm nổi bật của những thành viên Hội đồng Mục vụ ở độ tuổi này là họ đã về hưu, không còn bận bịu công việc làm ăn, con cháu cũng đã trưởng thành, cuộc sống gia đình đã đi vào nề nếp, ổn định, do vậy họ có thể dành nhiều thời gian, toàn tâm toàn ý phục vụ giáo xứ.

Ngoài ra, đây là độ tuổi có nhiều kinh nghiệm sống và làm việc tốt do vậy cũng giúp việc điều hành công việc giáo xứ được vững vàng, bền vững hơn.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một thực tế là có nhiều vị lưu nhiệm quá lâu. Ngoài việc hạn chế về sức khỏe thì độ nhanh nhạy về tinh thần của các vị cũng bị giảm sút, công việc sẽ trì trệ theo lối mòn do sự sáng tạo không còn.

Bị cám dỗ bởi những danh phận

“Không ai muốn làm” là câu giải thích rất phổ biến về tình trạng lão hóa nhân sự Hội đồng Mục vụ. Đây cũng là một thực tế. Bởi lẽ những người trẻ tuy nhiệt thành, sức khỏe tốt, có nhiều sáng tạo… tuy nhiên đa số họ bận công việc mưu sinh, rất khó có thời gian để làm việc nhà Chúa.

Khó nhưng không phải là không thể vì những công việc họp hành, sinh hoạt tại nhà thờ chỉ diễn ra vào ban tối, sau giờ làm việc. Nghĩa là trong hoàn cảnh nhất định nào đó và nếu có lòng nhiệt thành, những người đang độ tuổi lao động vẫn có thể là thành viên Hội đồng Mục vụ.

Cũng không thể nói rằng giáo dân thời nay không đủ lòng nhiệt thành để dấn thân làm việc tông đồ. Vì rằng hầu hết giáo xứ nào cũng đầy đủ các hội đoàn đạo đức và ít nhất là ba ca đoàn với đầy đủ lứa tuổi. Lễ hội nào của giáo xứ đoàn rước của các đoàn thể cũng dài dằng dặc. Có thể nói lòng nhiệt thành của giáo dân quả là niềm tự hào của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Có giáo xứ, người được bầu làm chủ tịch thì sẵn sàng mở tiệc thết đãi. Vì thế sẽ có những vận động ngấm ngầm. Đó là lý do hiếm khi các vị đã giữ chức chủ tịch lại muốn thôi việc.

Một lý do không thể không nhắc tới đó là tình trạng tham quyền cố vị của một số người. Nguyên nhân này xuất phát từ thói chuộng hư danh theo kiểu miếng giữa đàng vốn là một trong những quan niệm của người Việt.

Người Việt ta có câu “tre già, măng mọc”. Tuy nhiên, rất nhiều khi chúng ta vì thiếu lòng quảng đại, vì không chấp nhận được sự vượt trội của người khác, nhất là khi năng lực của mình đã trở nên bị hạn chế do tuổi tác, sức khỏe. “Tre” dù già nhưng vẫn nhất quyết án ngữ, cố bám lấy những vị trí hiện có và không chấp nhận nhường chỗ để cho “măng mọc”.

Và với tinh thần như thế, chắc chắn chúng ta không dám trao cơ hội để người khác được thể hiện mình, và đó cũng là nguyên nhân làm nhiều nhân tài trẻ không được phát hiện. Điều ấy là một thiệt thòi lớn cho sự phát triển của một giáo xứ, một cộng đoàn. Đằng khác, khi bị cám dỗ bởi những danh phận, địa vị trong một hội đoàn, một tổ chức đạo đức, chúng ta sẽ trở nên rất khó chịu, cảm thấy như bị tổn thương danh dự khi trong cộng đoàn bỗng xuất hiện một ai đó tỏ ra xuất sắc, tài giỏi hơn mình.

Và do sự ganh tỵ, do lo sợ sẽ bị mất ảnh hưởng, vì uy tín năng lực của mình có thể bị lu mờ trước ngôi sao vừa xuất hiện đó, từ cõi vô thức chúng ta bắt đầu có những suy nghĩ và hành động mang đầy tính đố kỵ. Rồi nhân danh sự ổn định cộng đoàn, bảo vệ những bài bản chính thức của tập thể, chúng ta tìm mọi cách để loại trừ hoặc làm cho nhiệt tình của người mới giảm dần, khiến họ chán nản và tự nguyện rời bỏ hội đoàn mà ta đang có ảnh hưởng nhất.

Ở một vài giáo xứ, vào dịp đại lễ Phục sinh có kiệu và táng xác Chúa. “Một nét văn hóa khác đi cùng với kiệu táng xác là nhà Hiếu và con Cả. Giáp nào làm kiệu táng xác được gọi là nhà hiếu, có một người làm trưởng gọi là con cả – là vị được bản giáp tín nhiệm bầu làm trưởng giáp, sau khi mãn nhiệm thì có quyền ứng cử bầu làm con Cả” (gpbuichu.org). Nếu một thành viên Hội đồng Mục vụ được chọn chủ trì các hình thức diễn nguyện tức là con Cả trong dịp Tam Nhật Thánh họ có thể mở tiệc đãi cả chục bàn vì hãnh diện, dù đó chưa phải là một chức danh chính thức.

Hãy tin tưởng và cho người trẻ cơ hội

Để tránh tình trạng lão hóa nêu trên, các thành viên Hội đồng Mục vụ vào cuối nhiệm kỳ thứ nhất nên tự nguyện miễn nhiệm nếu không muốn được bầu lại. Đồng thời hãy cộng tác trong việc huấn luyện dần cho lớp kế cận, ưu tiên người trẻ tuổi và có lòng đạo đức nhiệt thành. Được tin tưởng, được thừa nhận năng lực của mình là một nhu cầu rất lớn của con người, đặc biệt là đối với những người trẻ.

Cũng có tình trạng khó kiếm người thay thế do ảnh hưởng, uy tín và năng lực của người đương nhiệm là quá lớn. Dù vậy vẫn phải mạnh dạn có sự thay đổi vì đó là động lực của sự tiến bộ và phát triển. Hãy tin tưởng và cho người trẻ cơ hội. Mọi việc sẽ tốt đẹp nếu người trẻ chưa có kinh nghiệm, chưa đủ năng lực được sự dìu dắt tận tình của vị tiền nhiệm.

Trong một xã hội, trong một cộng đoàn hay trong các hoạt động mở mang Nước Chúa, có thể mỗi người trong chúng ta là người nắm giữ cơ hội phát triển tài năng của người khác. Hãy cố gắng vượt thắng cái tôi của mình, biết mở lòng ra mà trao cơ hội cho họ, đó mới là cách chứng tỏ chúng ta đang thực sự nỗ lực làm tròn bổn phận của mình đối với công trình xây dựng cho “Nước Cha trị đến” và góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

ĐIỀN PHƯƠNG THẢO

>> Hội đồng Mục vụ – Bài 1: Tre già nhưng măng chưa mọc