Đi lễ xứ người

Nhờ ơn trên thương ban và được nhiều người ưu ái, tôi có nhiều dịp đến nhiều nước. Bữa nay, xin kể hầu chuyện mọi người về một số lần tôi đi lễ Chúa nhật ở xứ người.

Ở Việt Nam, thánh lễ và cách thức sinh hoạt trong nhà thờ ở mọi miền đất nước khá đồng nhất. Thế nhưng ở nước ngoài, mỗi nơi đi lễ tôi lại vô cùng ngạc nhiên với những cách sinh hoạt mới lạ, ngộ nghĩnh. Xin coi như kể chuyện đường xa đó thôi.

Nhà thờ Nữ vương Tử đạo Việt Nam, Mỹ. Đây là một nhà thờ hoàn toàn của người Việt. Ảnh: PHP

Đi lễ ở đất nước Phật giáo Thái Lan

Thái Lan là một đất nước Phật giáo với 94,6% số dân là Phật tử. Thiên Chúa giáo nói chung chỉ chiếm 0,7% số dân. Riêng Công giáo chiếm 0,4% số dân. Vì thế, có rất ít nhà thờ Công giáo. Cả nước được chia thành hai tổng giáo phận: Bangkok tại thủ đô và Thare & Nonseng tại tỉnh Sakon Nakhon.

Những lần sang thủ đô Bangkok, dù đang trú ngụ tại đâu, vào ngày Chúa nhật tôi thường đi lễ tại nhà thờ Holy Redeemer Church trên đường Witthayu, thuộc quận Pathum Wan. Đây là một nhà thờ quốc tế do các linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu thế phụ trách, có người bản xứ và người nước ngoài.

Ngày Chúa nhật ở đây có tám lễ, từ 6 giờ 30 sáng tới 7 giờ tối, chia ra bốn lễ tiếng Thái và bốn lễ tiếng Anh. Từ 8 giờ 30 sáng tới 11 giờ trưa tập trung liền ba lễ tiếng Anh (lễ còn lại lúc 5 giờ 30 chiều), chắc cho phù hợp với giờ giấc của du khách.

Ở Philippines, bên ngoài nhà thờ có chỗ bán hoa và nhà hàng kiêm quán cà phê Tamayo’s. Người đi lễ có thể rủ bạn bè, người thân ăn sáng trong khuôn viên nhà thờ.

Có lần do trễ giờ, tôi phải đi lễ tiếng Thái, đúng là chỉ còn biết theo trình tự của chủ tế mà tự dự lễ theo thói quen của mình. Vào các lễ tiếng Anh, bên cạnh du khách nước ngoài thì có những người Thái đa phần thuộc tầng lớp trên, có học thức cao.

Nhà thờ khá lớn, có hàng rào bao quanh. Sân nhà thờ rộng để có chỗ cho giáo dân đậu xe hơi. Sau mỗi thánh lễ Chúa nhật, khoảng sân cuối nhà thờ nhộn nhịp, thật vui vì người đi lễ nán lại trò chuyện, các linh mục và tu sĩ cũng có mặt để trò chuyện với người đi lễ và chụp ảnh lưu niệm với ai có nhu cầu – thường là du khách. Đặc biệt là có phục vụ bánh nước, trái cây miễn phí, dường như ai có món gì thì đem tới mời nhau.

Đi lễ ở Philippines

Mặc dù danh chính ngôn thuận là một đất nước thế tục, đảo quốc Philippines có tới 82,9% số dân là giáo dân Công giáo. Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nền văn hóa Tây Ban Nha qua một thời gian dài bị Tây Ban Nha đô hộ (từ những thập niên đầu thế kỷ XVI tới cuối thế kỷ XIX) và với đặc thù một đảo quốc ở phía tây Thái Bình Dương có khoảng 7.500 đảo lớn nhỏ, người Philippines và văn hóa Philippines dường như mang dấu ấn của cả văn hóa Tây Ban Nha lẫn lối sống hải đảo.

Họ sống sôi nổi, đầy màu sắc và phóng khoáng. Và các giáo dân Công giáo Philippines cũng sống đạo và hành đạo như vậy. Nói chung là màu mè và vui thiệt là vui.

Hôm đến nhà thờ Quiapo Basilika No Nazareno ở Plaza Miranda (Metro Manila), tôi đã chú ý tới những người bán hàng rong bày bán ở cổng nhà thờ những xâu hoa thơm giống như thường thấy ở những ngôi chùa bên Thái Lan. Giáo dân mua những xâu hoa trắng muốt này để dâng kính. Hôm đó có lễ rước kiệu và tượng vị thánh được mặc áo thật và còn được dán thêm những mẩu giấy màu.

Còn ở nhà thờ Chánh tòa Manila Cathedral, sau khi dâng lễ xong, linh mục chủ tế để nguyên áo lễ đứng tại cung thánh cho ai thích thì đến chụp ảnh chung làm kỷ niệm. Cái nghi thức rảy nước thánh mới vui và ngộ làm sao. Lễ xong, những người nào muốn nhận nước thánh thì đứng chung quanh cung thánh như khi đi rước lễ. Mấy cậu giúp lễ rinh từ trong ra một chiếc xô khá lớn, một cây dùi gỗ thật lớn và dài như chiếc mái chèo thuyền. Xô đó đựng nước thánh.

Vị chủ tế cầm lấy chiếc dùi khổng lồ nhúng vào xô nước rồi cầm hai tay quơ một cái theo vòng ra phía trước. Nước thánh bắn tung tóe lên những người đi lễ đang đứng chung quanh. Thậm chí có những người đứng gần bị ướt quần áo như thể mắc mưa.

Bên ngoài nhà thờ có chỗ bán hoa và nhà hàng kiêm quán cà phê Tamayo’s. Tại đây có bán trà, cà phê, nước ngọt, bánh sandwich, nhiều món cơm… Vậy là sau khi dự lễ Chúa nhật, người đi lễ có thể rủ bạn bè, người thân ăn sáng trong khuôn viên nhà thờ.

Mỹ: Xong lễ, cha và giáo dân kéo nhau đi nhà hàng

Lần ở San Francisco (bang California), tôi đi lễ ở nhà thờ St. Patrick’s gần khách sạn. Ngôi nhà thờ cổ trên đường Mission này có từ năm 1851. Ở Mỹ do có vô số đạo Thiên Chúa nên trong tên gọi hay trên các bảng tên đều phải ghi rõ là nhà thờ của đạo nào. Như nhà thờ này ghi là Catholic Church (nhà thờ Công giáo). Không chú ý dễ bị lầm vì nhiều nhà thờ của những đạo Thiên Chúa cứ na ná nhau.

Hôm đó vị chủ tế đang làm lễ trên bàn thờ thì cửa nhà thờ mở ra. mấy người đàn ông vô gia cư (homeless) vào ngồi ở những hàng ghế cuối. Có lẽ mấy người này không có đạo. Họ ngồi đó mà quậy tưng, không giậm giày xuống sàn, gõ lên ghế thì hát ư ử, thậm chí la rú lên.

Vị chủ tế chỉ ngưng lại một chút, hướng mắt về chỗ ồn ào đó, rồi nhanh chóng tiếp tục dâng lễ. Những người đi lễ cũng chỉ ngoái cổ lại nhìn một lần rồi tiếp tục dự lễ. Chẳng hề có ai tới nhắc nhở những kẻ phá rối kia. Xã hội Mỹ tự do mà, miễn là đừng trực tiếp đụng chạm tới một ai cụ thể và không làm gì vi phạm pháp luật – vốn cực kỳ chi li.

Tan lễ chiều, cha và giáo dân Boston Church (Mỹ) dân kéo nhau tới một nhà hàng của một giáo dân người Việt ăn tối cùng nhau. Trong ảnh: Tác giả ngồi bên trái, ngoài cùng.

Hôm tới thành phố Boston (bang Massachusetts), vị sư huynh đồng môn thời trung học chở tôi đi lễ. Nhà thờ xây kiểu cổ điển rất lớn. Cộng đồng giáo dân người Việt được giao cho tầng hầm để dâng lễ và sinh hoạt.

Tan lễ chiều, cha người Việt và một số giáo dân kéo nhau tới một nhà hàng của một giáo dân người Việt cách đó vài trăm mét để ăn tối cùng nhau. Sư huynh cho biết hễ ai có món gì thì mang tới, nhất là những mùa đi câu được cá lớn là mang tới nhờ nhà hàng làm giùm.

Hôm đó, vị linh mục để dành cho tôi một con tôm hùm – đặc sản nổi tiếng của Boston – bự chảng, nặng hơn 2 cân Anh (hơn 1 kg).

Tại một nhà thờ lớn ở thành phố Orlando (bang Florida), sau thánh lễ vị chủ tế cũng để nguyên áo lễ ra phía cuối nhà thờ trò chuyện cùng những người đi lễ và sẵn lòng chụp ảnh kỷ niệm với những ai có nhu cầu.

Nghe ông anh giới thiệu tôi vừa từ Việt Nam qua chơi, vị linh mục tỏ vẻ ngạc nhiên rồi cùng tôi chụp ảnh kỷ niệm. Ngay cả bà trùm nhà thờ cũng vui vẻ chụp ảnh với tôi. Cả vị linh mục lẫn bà trùm ở đây hình như gốc dân Nam Mỹ. Bang Florida gần với Cuba, Mexico, Bahamas,…

Hôm ở thành phố Sacramento (bang California), trước khi đi lễ Chúa nhật, tôi nghe cô giáo của mình hỏi phu quân đã viết cheque chưa. Ông thầy giải thích với tôi, ở đây người đi dự lễ có thể đóng góp tiền cho nhà thờ bằng tiền mặt hay bằng ngân phiếu. Lát sau, khi những nhân viên mục vụ đi thu tiền thau bằng những chiếc giỏ có cán rất dài, tôi nhìn thấy trong rổ có cả tiền mặt lẫn ngân phiếu.

Đi lễ nhà thờ Việt được ăn món Việt
Ở thành phố Denver (bang Colorado) có nhà thờ Nữ vương Tử đạo Việt Nam (Queen of Vietnamese Martyrs Church) nằm trên đường North Harlan St., Wheat Ridge. Đây là một nhà thờ hoàn toàn của người Việt, có khuôn viên rất lớn.
Vào Chúa nhật, sau những thánh lễ ban sáng, rất đông giáo dân kéo nhau vào hội trường Thánh Giuse gần đó để ăn sáng, uống cà phê. Ở đây bán nhiều loại bánh trái, món ăn Việt. Nhiều người ăn uống tại chỗ xong còn mua mang về nhà, hoặc cho người thân ở nhà, hoặc để ăn dần trong tuần.
Ông anh đồng môn trung học cho biết mỗi giáo khu được phân công luân phiên đảm trách việc nấu nướng thức ăn để bán tại nhà thờ vào mỗi sáng Chúa nhật. Sau khi trừ chi phí, tiền lời thu được sẽ nộp vào quỹ nhà thờ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

>> Đi lễ thời kỹ thuật số