Nằm tĩnh lặng ở cuối con đường đồi nhỏ hẹp miền nông thôn Kosovo, nhà thờ Black Madonna hiện ra trong khung cảnh yên bình ở ngôi làng Letnica.
Vào buổi sáng tinh mơ, khách hành hương có thể nghe tiếng gà trống vang vọng và bắt gặp những nữ tu cúi đầu lặng lẽ cầu nguyện dưới bức chân dung của Mẹ Têrêsa bên trong thánh đường.
Từ nơi này, Mẹ đến với người nghèo
Cũng chính tại ngôi làng nhỏ bé hơn 300 dân ở miền Đông Nam xa xôi của Kosovo, cô gái trẻ mang tên Agnes Gonxha Bojaxhiu đã nhận được ơn gọi. Cô bắt đầu cuộc hành trình vị tha và chia sẻ tình thương cho những người cùng khổ.
Và từ đó về sau cũng tại nơi này, những dòng người yêu mến Mẹ Têrêsa, yêu mến Giáo hội cứ đổ về không dứt, với hy vọng tìm được sự an ủi cho cuộc đời của chính mình.
Agnes Gonxha Bojaxhiu chào đời vào ngày 26-8-1910 tại Skopje, nay là thủ phủ nước Cộng hòa Macedonia. Cha cô đã xây dựng một ngôi nhà dành cho người nghèo tại tu viện nhỏ ở Letnica, nơi sau này trở thành chốn dừng chân cho Gonxha Bojaxhiu trong những tháng hoa niên.
Một người bạn gần gũi của Mẹ Têrêsa là Đức cha Lush Gjergj, Tổng Giám mục Kosovo, từng kể lại rằng, nếu không cầu nguyện trong nhà thờ, cô Gonxha Bojaxhiu đi lang thang khắp những cánh đồng bên ngoài làng và tìm những chỗ yên tĩnh để đọc thơ và cầu nguyện.
10.000 người đến Letnica trong tuần cửu nhật mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Con số này được cảnh sát Kosovo công bố.
Cô Gonxha Bojaxhiu cũng thường xuyên đề cập đến “cuộc tranh luận với Thiên Chúa”, với kết quả là “cuối cùng Ngài đã thắng”. Để rồi Agnes Gonxha Bojaxhiu dâng bản thân cho Chúa Giêsu vào tháng 8-1928, khi quyết định sẽ trở thành nữ tu để giúp đỡ những người cùng khổ khắp thế giới.
Cuối năm 2010, để mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Mẹ Têrêsa, chính quyền Kosovo đã dâng cho Giáo hội một ngôi thánh đường tại Pristina nhằm bày tỏ lòng tôn kính với người đã được trao giải Nobel Hòa bình. Pristina là thủ đô của quốc gia non trẻ nhất châu Âu.
Tuy lúc ấy còn dang dở nhưng nhà thờ đã được khánh thành trọng thể nhân lễ giỗ của Mẹ, ngày 5-9. Vào thời điểm đó tháp chuông đôi chưa được xây cất. Về sau, tòa tháp bao phủ nhà thờ và là công trình cao nhất ở Kosovo. Thánh đường này cũng là nhà thờ Công giáo lớn nhất bán đảo Balkans.
Cũng nơi ấy, đã được “thánh hiến”
Sáng kiến xây dựng ngôi thánh đường này lại đến từ giới chính trị. Nhà lãnh đạo cấp cao nhất chính là ông Ibrahim Rugova. Ông là tổng thống đầu tiên của Kosovo, nắm quyền cho đến lúc qua đời năm 2006. Tổng thống Ibrahim Rugova đã thúc đẩy Tòa thị chính Pristina dâng hiến khu đất giữa trung tâm thành phố cho Giáo hội Công giáo địa phương.
Ở Kosovo, thông thường người ta cho rằng việc theo tôn giáo không tạo nên căn tính của quốc gia. Bởi lẽ đất nước này có người Hồi giáo, Công giáo và Chính Thống giáo. Tín hữu Chính Thống giáo hiện diện tại Albania nhưng không ở Kosovo, trong khi Kosovo chỉ có người Serbia theo Chính Thống giáo.
Thế nhưng phần đông dân số lại cho rằng Mẹ Têrêsa là một biểu tượng trong khu vực. Một biểu tượng không những cho người Kosovo và người Công giáo, mà còn cho mọi người Albania. Vì không có người Albania nào lại không biết là vào thời xa xưa tất cả đều là người Công giáo. Dân Albania là hậu duệ của người xứ Illyria cổ xưa và thuộc các nước đầu tiên trên thế giới được truyền bá Tin Mừng. Họ mang trong mình những giá trị về sự hy sinh của những Kitô hữu đầu tiên.
Letnica là một địa điểm hành hương quan trọng đối với các cộng đồng tín hữu Công giáo, Chính Thống giáo và thậm chí cả người Hồi giáo trong chín ngày kết thúc chuẩn bị tuyên thánh Mẹ Têrêsa bằng lễ Đức Mẹ lên trời vào ngày 15-8. Trong dịp này, cảnh sát Kosovo ước tính đã có 10.000 người đến Letnica để tham gia lễ Đức Mẹ lên trời. Thị trấn bình yên ngày nào bỗng dưng xuất hiện ô tô và xe buýt với biển số các nước ở nơi xa xôi như Thụy Điển, Thụy Sĩ…
Nơi không có sự phân biệt tôn giáo Đến với Letnica, ngoài những nơi liên quan đến thời thơ ấu và những ngày đầu tiên tập tu của Mẹ thánh Têrêsa, khách hành hương có thể đến nhà thờ Black Madonna – nơi không có sự phân biệt giữa tôn giáo này với tôn giáo khác. Các đôi vợ chồng Công giáo và Hồi giáo cùng đến đây, phủ phục trước bức tượng 400 năm tuổi của Black Madonna để cầu nguyện. Những người hành hương khác bước đi trên đôi chân trần vào nhà thờ. Một số người mang theo những hòn đá, có thể ngậm đá trong miệng và đi suốt hành trình của họ. |
VŨ TRUNG