Vào khoảng năm 1970, Nhạc sĩ Trần Văn Luân thuộc Giáo xứ Nhà thờ Lớn Hà Nội đã ghi âm lại các bài vãn dâng hoa cổ theo nguyện vọng của Đức cố Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn. Vì lo ngại bị mai một nét đẹp dâng hoa, Đức Hồng y đã quy tụ các nhóm chị em khoảng 60 – 70 tuổi để hát lại những bài vãn xưa. Những bộ vãn cổ do nhạc sĩ Luân ký âm lại, được in trong tập Thánh ca 2 và 3 Địa phận Hà Nội.
Truy tìm vãn dâng hoa nguyên bản
Theo nhạc sĩ Trần Văn Luân, đội hình và động tác dâng hoa cổ không khác gì nhiều so với ngày nay. Về hình thức thì các con hoa dâng nhuần nhụy hơn bây giờ. Những động tác như xuyến chân, động tác tay khá tỉ mỉ.
Một đoạn nhạc trong bài Vãn hoa 12 sắc đã được dùng trong khi rước hài cốt Thánh Tử đạo trong Lễ tuyên thánh 117 thánh t đạo Việt Nam tại Vatican năm 1988. Chính Đức Hồng y Trịnh Văn Căn là người đem băng cassette của bộ dâng hoa giới thiệu cho ban tổ chức.
Còn về mặt âm nhạc, vãn dâng hoa cổ dựa trên làn điệu mang âm hưởng dân ca phía Bắc, đôi nét theo hướng chèo cổ. Giai điệu thì khúc thức không thật rõ ràng với lời thơ lục bát. Các từ trong bài lặp lại, gieo vần, phối nhạc và được kéo dài ở đuôi câu. Thời gian cho mỗi cuộc dâng hoa lên đến hơn nửa giờ đồng hồ.
Thời gian sau khi vãn dâng hoa cổ được khôi phục và tìm cho mình chỗ đứng trong sinh hoạt đức tin thì Đức Hồng y lại đặt vấn đề với nhạc sĩ Luân. Vì lý do vãn dâng hoa cổ kéo dài khiến giới trẻ không đủ kiên nhẫn để tham dự. Có những đoạn nhạc trong bài ngân dài và lặp lại nhiều lần với các nguyên âm như i, a, ư,…
Cùng với đó, tư tưởng và từ ngữ trong các bài vãn cổ đã không còn được mới mẻ. Có nhiều từ như “mọn mày”, “bồ liễu”, “nơm quỉ”… khiến người nghe không hiểu ý tứ trong bài dâng hoa.
Vì thế, việc xây dựng bộ vãn dâng hoa mới là rất cần thiết. Yêu cầu mà Đức Hồng y đưa ra là bộ dâng hoa phải có giai điệu dân tộc, lời súc tích, gọn gàng nhưng nói lên được những nhân đức và lòng tôn kính đức hạnh của Mẹ Maria.
Liên tục sáng tác các bộ vãn dâng hoa mới
Trong hai năm chuẩn bị, bà Maria Lưu Ngọc Vinh (phu nhân của Nhạc sĩ Trần Văn Luân) đã sáng tác bộ dâng hoa mới. Trong suốt hành trình thực hiện, Nhạc sĩ Trần Văn Luân là người chỉnh sửa và chấp bút lại cho các bộ vãn dâng hoa ấy. Bộ đầu tay là Vãn dâng hoa năm sắc (vãn Mân Côi), chính thức được đưa vào sử dụng năm 1980.
Năm đó, sau khi kết thúc kỳ họp Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Hà Nội, các đức giám mục cũng tham dự giờ dâng hoa kính Đức Mẹ. Bộ vãn dâng hoa mới đã chinh phục nhiều người với lời lẽ đơn sơ, khúc chiết mang tư tưởng hy vọng của Đức Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận.
Hơn thế, bộ vãn được xây dựng có hệ thống với bài ca mở đầu, dâng các sắc hoa, bài hát có nhiều đội hình khác nhau. Về âm nhạc, bộ vãn được viết trên làn điệu dân ca thuộc nhiều vùng khác nhau miền từ Bắc tới Nam. Thời lượng cho những buổi dâng hoa khoảng 20 phút.
Tới năm 1985, bà Maria Lưu Ngọc Vinh tiếp tục sáng tác bộ dâng hoa với 12 sắc là những nhân đức của Đức Mẹ. Đây được cho là bộ vãn dâng hoa công phu nhất sau hơn hai năm miệt mài. Chất liệu mà bộ vãn dâng hoa sử dụng là dân ca các miền khác nhau chứ không dùng nguyên bản. Trong đó có những sắc hoa dùng theo lối ngâm thơ cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Đặc biệt, bộ vãn dâng hoa đã đưa ra rất nhiều sắc hoa mới và lạ vào để nêu bật nhân đức của Mẹ như hoa thiên lý, hoa đào, hoa đơn, hoa mộc…
Bà Maria Lưu Ngọc Vinh: Tác giả của ba bộ vãn dâng hoa, là người con thuộc gia đình có truyền thống âm nhạc lâu đời tại Hà Nội. Cha của cô là nhạc sĩ Lưu Ngọc Phức, em trai của cố nhạc sĩ Lưu Quang Duyệt. Nhạc sĩ Lưu Quang Duyệt là Hiệu trưởng Nhạc đường Học xá nổi tiếng một thời. |
Bộ vãn riêng cho trẻ em
Sau bộ vãn dâng hoa năm sắc và 12 sắc, cha chính Tông thuộc nhà thờ Lớn lại ngỏ lời với gia đình Nhạc sĩ Trần Văn Luân xây dựng một bộ vãn dâng hoa dành riêng cho trẻ em với lời lẽ mộc mạc, dễ mến.
Chính nét đơn sơ, đáng yêu đến vụng về của những đứa trẻ lớp 1 hoặc mẫu giáo sẽ khiến nhiều người yêu mến và muốn tham dự giờ dâng hoa kính Đức Mẹ hơn. Ngay sau đó, bà Maria Lưu Ngọc Vinh tiếp tục cho ra đời bộ dâng hoa kính Đức Mẹ dành riêng cho trẻ em nhưng cũng để kéo lòng sùng kính của cả người lớn.
Vẫn mang nét dân ca, lời thơ giản dị cùng đội ngũ con hoa là những em bé bước đi chưa vững, tiếng hát còn ngọng nghịu, bộ vãn dâng hoa mới đã in dấu ấn trong lòng người tham dự giờ kính Đức Mẹ. Bộ vãn được in trong tập 4 Thánh ca Địa phận Hà Nội.
Tới năm 2016, bà Maria Lưu Ngọc Vinh tiếp tục sáng tác bộ dâng hoa mới về Lòng Chúa thương xót nhằm vào dịp Năm Thánh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà bộ vãn dâng hoa chưa có điều kiện in ấn.
Mỗi độ mùa hoa về, con cái của Mẹ lại dâng lên những tâm tình qua câu kinh, qua những điệu vũ, vần thơ và bài hát. Cuộc sống với những vần xoay, chuyển dời khiến những vẻ đẹp truyền thống cần điều chỉnh cho phù hợp. Nhưng không vì thế mà xóa sổ những cái đẹp mang màu phong rêu. Chúng ta cần tiếp nhận những cái hay để phát huy, đổi mới nhưng vẫn cần giữ được cái hồn xưa đọng lại.
NHẠC SĨ TRẦN VĂN LUÂN:
Mất nửa năm để ghi lại bộ vãn cổ
Thời gian đó, mỗi tuần 1-2 lần, tôi lại ngồi với các chị lớn tuổi dưới Kẻ Sét (Làng Tám, Giáp Bát, Hà Nội hiện nay) để ghi chép lại và hoàn thiện bộ vãn dâng hoa cổ.
Tôi phải nghe đi nghe lại lời, định cao độ và trường độ để ký âm. Sau đó thì phải đối chứng lại xem có đúng không.
Thời gian ghi chép lại kéo dài hơn nửa năm trời.
NHẠC TRƯỞNG PHAO-LÔ LÊ ĐOÀI HUY, DÀN HỢP XƯỚNG TRẺ CÔNG GIÁO HÀ NỘI:
Thánh thiêng, dân tộc, nghệ thuật
Ý thức về sự thiêng thánh được kết hợp với tinh thần, cách diễn tả của dân tộc là một đặc điểm có thể nhận thấy rõ ràng trong ba bản vãn dâng hoa của tác giả Maria Lưu Ngọc Vinh.
Một sự xúc động mạnh cho những ai nghiền ngẫm ca từ và âm nhạc của những vãn hoa này. Sự xúc động được tạo nên bởi sự kết hợp khéo léo giữa âm nhạc và ca từ. Dân tộc tính được thể hiện rõ nét thông qua việc sử dụng các điệu thức, những làn điệu dân ca ba miền; nhưng chủ yếu là điệu thức, làn điệu dân ca miền Bắc.
Chúng ta có thể bắt gặp những làn điệu như Người ở đừng về, Hoa thơm bướm lượn, Xe chỉ luồn kim… Cũng có cả việc kết hợp những điệu thức trong một bài hát, ví dụ: Hoa phong lan (Vãn dâng 12 hoa) có sự kết hợp khá đặc biệt giữa điệu thức Rê Vũ (Ai) và điệu thức ngũ cung của người Jrai…
Hơn nữa, tác giả cũng lồng những đặc trưng của những hình thức âm nhạc dân tộc quen thuộc như các đoạn lưu không trong thể loại chèo, làn điệu hát ru được thấy trong bài Hoa hồng, Vãn dâng 12 hoa… Bên cạnh đó ta còn thấy cách xử lý âm tiếng Việt rất linh hoạt trong các tác phẩm của ba vãn hoa, các hư từ i, ư… được sử dụng khéo léo làm cho âm tiếng Việt rõ nghĩa hơn..
Còn rất nhiều điều có thể nói về bộ vãn dâng hoa của tác giả Maria Lưu Ngọc Vinh, nhưng có thể nói vắn tắt cảm nhận trong vài từ sau: Thánh thiêng, dân tộc, nghệ thuật.
AN DUYÊN
>> Dâng hoa Đức Mẹ: Phục hồi và cách tân kho báu của tổ tiên