Năm 1967, nhà thờ Thị Nghè được tu sửa lại. Đặc biệt đây là nhà thờ Công giáo nhưng lại mang dáng dấp kiến trúc Việt. Tác giả thiết kế là kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện là một Phật tử thuần thành và chuyên thiết kế chùa.
Vậy mà ông đã cùng vị linh mục sáng tạo ra một công trình tôn giáo vừa mang phong cách Roman (Pháp) lại có dáng dấp tháp Việt cổ. Tháp chuông mới được thiết kế có mái cong lợp ngói ống, những hoa gió làm theo mô-típ trang trí truyền thống Việt xưa. Cổng ra vào cũng làm theo kiểu tam quan có mái ngói đỏ.
Sau gần 50 năm, nhà thờ Thị Nghè một lần nữa được tu sửa và lần này thay đổi rất lớn. Từ một công trình pha trộn Roman–Việt trở thành kiến trúc Gothic với mái vòm nhọn, trổ thêm cửa hông cho thoáng, lắp tranh kính màu, di dời núi đá.
Để thực hiện sự thay đổi, các hoa gió họa tiết Việt cổ trên tháp chuông bị thay loại ngang bằng, các mái ngói bị gỡ bỏ, cổng tam quan thay bằng cổng bán nguyệt, thánh giá được xây mới to hơn…
Việc thay đổi kiến trúc này có đẹp và độc đáo, giá trị hơn kiến trúc cũ hay không chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau và trái chiều. Nhưng có một thực tế là sang thế kỷ 21, một lần nữa nhà thờ Thị Nghè lại khoác lên mình một chiếc áo mới…
PHẠM TRƯỜNG GIANG