Cuộc đời Cha chính Vinh – bài cuối: Đậu nhất cuộc thi violon Pháp

Đậu cử nhân Văn - Triết Sorbonne, Cha GB Nguyễn Văn Vinh cũng tốt nghiệp bộ môn sáng tác, hòa âm và violon tại Hàn lâm Viện Quốc gia Âm nhạc Pháp. Cha đã đoạt giải nhất cuộc thi violon nước Pháp.

Sau khi thụ phong linh mục, các sinh viên Công giáo Việt Nam đã tận dụng thời gian ghi danh theo học Đại học Sorbonne, Paris. Ngoài việc theo học Khoa Văn – Triết (Licence ès-Lettres-Philosophie) Đại học Sorbonne, Cha chính Vinh còn theo học Khoa Âm nhạc tại Hàn lâm Viện Quốc gia Âm nhạc Pháp (Académie Nationale de Musique).

Cha ghi học bộ môn sáng tác và hòa âm. Cha cũng học chuyên nhạc cụ violon và piano. Riêng tài nghệ violon của Cha đã trở thành huyền thoại.

Cha GB Nguyễn Văn Vinh (thứ ba từ trái qua, hàng đầu) trong đoàn đón tiếp phái đoàn Tiệp Khắc, Tòa Giám mục Hà Nội 30-10-1955

Không cho nhận giải nhất vì là dân thuộc địa

Hồi hè 1954, trong lúc chờ đi Nam, tại phòng của ngài ở Tòa Giám mục Hà Nội, tôi đã tò mò hỏi: “Chuyện xưa bố thi violon ở Pháp thế nào?”. Cha lảng sang chuyện khác và không trả lời.

Sau đó, Cha có lấy violon ra kéo một đoạn. Với tôi, tiếng thì rè rè, khàn khàn, đúng là “đàn gảy tai trâu!”. Sau đó, Cha hết hứng cất đàn đi.

Tôi nghe nhiều người, đặc biệt Cha Matthêu Trần Trinh Khiết kể như thế này. Sau khi chịu chức linh mục, trong thời gian học Hàn lâm Viện Quốc gia Âm nhạc Pháp, Cha Vinh có tham dự kỳ thi violon toàn nước Pháp.

Kết quả, Cha chính Vinh đoạt giải nhất. Thế nhưng sáng hôm sau thấy thông báo cha đứng thứ nhì. Sau mới biết nội bộ Ban tổ chức có phản ứng rằng: “Một kẻ dân thuộc địa không thể đứng nhất được, phải là công dân Pháp chính thức!”. Cha Vinh đã không đi dự và không nhận bằng cấp.

Từ cái ngày lịch sử đó, Cha Vinh cất đàn violon vào tủ “để chơi” vậy, ít ai thấy hoặc được nghe Cha kéo cho nghe trọn vẹn một bài nào.

Những bài thánh ca thấm đẫm sắc thái dân tộc

Bài Ở dưới vực sâu, Cha chính Vinh sáng tác để đón phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Paris dự hội nghị Fontainebleau. Bài này dự định sẽ hát trong lễ truy điệu các chiến sĩ đã bỏ mình vì đất nước. Tuy nhiên, sau đó phái đoàn Công giáo bỏ về, không tổ chức lễ truy điệu như đã dự định!

Sau thời gian này, Cha Nguyễn Văn Vinh tự dưng trở thành con người ít nói hơn, trầm hơn. Hát và nghe bài hát Ở dưới vực sâu giúp chúng ta hiểu thêm tâm trạng của Cha và ghi nhớ cái mốc lịch sử này. Cha không chỉ khóc thương và cầu nguyện cho những người đã khuất, những anh hùng liệt sĩ, mà còn nhớ, còn khóc, còn thương những người còn đang sống trong vận nước còn nhiều sóng gió.

Cha Nguyễn Văn Vinh đã sống và chết cho chân lý, cho tới hơi thở cuối cùng.

Cha Gioan La San Nguyễn Văn Vinh đã bước vào cõi vĩnh hằng mà vẫn sống gần gũi mỗi người chúng ta. Qua gương sống chứng nhân cho lẽ phải, cho công bình, cho tình thương của Ngài. Đặc biệt hơn nữa, qua những bài thánh ca chuyên chở Lời Chúa thấm đẫm sắc thái dân tộc Việt Nam.

Qua những bản thánh ca, Cha bộc lộ một lòng tin sắt son vào một Thiên Chúa Ba Ngôi, “Đấng cao siêu quá tầng trời xanh” trong bài Ôi Gia Vi, (Tv 8). Âm nhạc của cha là một niềm xác tín vào địa vị cao quý của con người tạo thành chỉ “kém thiên sứ một mảy may”. Một niềm cậy trông vào Đấng phán xét “Đầy lòng tha thứ” qua bài Ở dưới vực sâu. Một tâm tình con thảo đối với Đức Maria Nữ Vương các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Noi gương các bậc cha anh chứng nhân đã kiên tâm sống gắn bó với Chúa Kitô qua cuộc đời công chính và thánh thiện giữa một thế gian – gian thế, Cha không tránh né, mà xả thân phục vụ yêu thương.

Bản di chúc cho ai muốn sống hạnh phúc

Theo Con đường Phúc Thật, Cha đã dệt nên một bản trường ca như một di chúc để lại cho Giáo hội và xã hội.

Bản trường ca Mở đường Phúc Thật là bản tường thuật cả lịch sử cứu độ loài người với Chúa Giêsu là trung tâm. Phần Cựu Ước thuật lại con người được Chúa tạo dựng trong vườn Địa đàng sung sướng biết bao, nhưng đã ngạo mạn không vâng phục tôn thờ Thiên Chúa, mà lại “vỗ bụng rốn giời là đây”.


Cha Nguyễn Văn Vinh (ngoài cùng, bên trái) tại Chủng viện Pio XII

Một khi đã đứt liên hệ với Thiên Chúa, con người cũng mất liên hệ tốt đẹp với tha nhân và với vũ trụ tạo thành. Con người mất hướng, cứ luẩn quẩn trong “đêm tối trần gian”, ngụp lặn trong bất công và tội lỗi. Vì là Đấng “Giàu lòng thương xót”, là Cha muôn loài, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế, Đức Giêsu Kitô.

Chính Đức Kitô Cứu Thế đã đến làm người giữa trần gian. Đây là phần thứ II của bản trường ca. Con người được cứu chuộc, được trở lại địa vị con trời (thiên thời), anh em với mọi người (nhân hòa) và hòa bình với thiên nhiên vũ trụ (địa lợi).

Chính Đức Giêsu Kitô , Đấng “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6) đã Mở đường Phúc Thật cho mỗi người và mọi người.

“Đường Phúc Thật” này, Cha Nguyễn Văn Vinh đã suy, đã gẫm, đã sống và đã chuyển dịch qua những dòng nhạc uyển chuyển theo đúng nhịp sống của con người bằng xương bằng thịt.
Trường ca Mở đường Phúc Thật vì thế, quả thực là một bản di chúc quý giá Cha đã để lại cho tất cả những ai muốn sống hạnh phúc thật. Đây cũng là bản hiến chương cho tất cả mọi người muốn xây dựng một nền văn minh tình thương thay vì hận thù, một thế giới yêu chuộng sự sống thay vì chết chóc. Để mọi người không còn nhìn nhau như kẻ thù, không còn trại giam, nhà tù, không còn áp bức bất công, mà ai nấy đều biết sống đời sống yêu thương phục vụ xứng danh những người “con trời” luôn biết mở thưa cùng Thượng đế, Đấng Tạo hóa, là Cha của mình: “Lạy Cha!” (Gl 4,6).

Có thiên bẩm về âm nhạc lại được học hành chính thống tại Hàn lâm Viện Quốc gia Âm nhạc Pháp nên hồi đó nhiều nhạc sĩ nổi tiếng của Hà Nội đã tìm đến Cha để học hỏi, nhất là các vị trong nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh như nhạc sĩ Hùng Lân, Duy Tân, Nguyễn khắc Xuyên… Cha Vinh là một trong những nhạc sĩ tiên phong của nền thánh nhạc Việt Nam và là một nhạc sĩ toàn tài.

GM MICAE HOÀNG ĐỨC OANH

>> Cuộc đời Cha chính Vinh – bài 1: Cậu bé hát hay giỏi Pháp văn