Cuộc đời Cha chính Vinh – Bài 2: Đau đáu nỗi đau người thuộc địa

Đứng trước tình hình đất nước giai đoạn 1945-1946, các du học sinh Công giáo được toàn quyền quyết định ở lại Pháp hay trở về Việt Nam. Cha chính Vinh cũng như tất cả các đồng môn đã quyết định về nước.

Cũng như đại đa số người Việt Nam, các du học sinh Công giáo Việt Nam ở hải ngoại và đặc biệt là Cha Nguyễn Văn Vinh đều một lòng yêu thương đất nước, yêu thương đồng bào. Họ cũng cảm cái đau của một người dân thuộc địa.

Họ cũng tha thiết đóng góp phần mình cho giải phóng quê hương giành lại độc lập và cùng nhau xây dựng một đất nước giàu đẹp, hạnh phúc, một đất nước tự do và công bằng. Cách thức hay nhất, hữu hiệu nhất của các sinh viên lúc này là học tập đến nơi đến chốn để mai sau có khả năng phục vụ đắc lực.

Sau khi thụ phong linh mục, các sinh viên Công giáo Việt Nam đã tận dụng thời gian ghi danh theo học Đại học Sorbonne, Paris. Riêng Cha Vinh, ngoài ghi danh học Đại học Sorbonne, Cha còn theo học Khoa Âm nhạc tại Hàn lâm Viện Quốc gia Âm nhạc Pháp Quốc (Académie Nationale de Musique). Cha ghi học bộ môn sáng tác và hòa âm. Cha chuyên nhạc cụ violin và piano.

Cha Vinh tại Rue Catinat, Sài Gòn (đường Đồng Khởi ngày nay)

Háo hức đón phái đoàn Việt Nam sang dự hội nghị Fontainebleau

Năm 1945-1946, các sinh viên Công giáo Việt Nam cũng có mặt trong mọi sinh hoạt của người Việt Nam đòi quyền độc lập cho quê hương xứ sở. Họ mang cùng một niềm tin lo âu và hy vọng như bao người dân Việt khác.

Họ cũng mang cùng một niềm vui và nỗi buồn của con Hồng cháu Lạc. Dĩ nhiên cách thức tham dự và đóng góp có khác với các nhà chuyên làm chính trị và cách mạng.

Nếu ở quê nhà, các chủng viện, các dòng tu đã đóng cửa tham gia biểu tình, đóng góp cho công cuộc Cách mạng thành công, thì ở hải ngoại người Công giáo cũng có những hình thức tham gia có phần kín đáo hơn.

Nếu ở quê nhà, các xứ đạo, các thành phần trong các cộng đoàn Dân Chúa đã tích cực đóng góp thóc gạo, đóng góp tiền của, đóng góp những người con ưu tú cho các đạo quân du kích, các đội quân tự vệ, những đoàn quân thiện chiến, thì người sinh viên Công giáo Việt Nam tại Pháp lại càng tranh thủ học tập, hăng say để sớm về đất nước phục vụ, xây dựng.

Phải nói được rằng vào bất cứ giai đoạn lịch sử nào của đất nước, ngay từ đầu có mặt người Ki-tô hữu Việt Nam trên mảnh đất gấm vóc này, người Công giáo vẫn được dạy dỗ và vẫn tích cực đóng góp phần phần mình cách hiên ngang.

Đối với các sinh viên Công giáo Việt Nam tại Pháp, họ rất sung sướng khi thấy Nhà nước được độc lập. Họ cũng hãnh diện mình là công dân của một đất nước hiền hòa nhưng oai hùng. Niềm tự hào này đã thôi thúc họ chuần bị ráo riết sớm trở về đất nước sau bao năm là thuộc địa, sau bao tháng ngày bị chiến tranh tàn phá, nhất là mặt tinh thần và tri thức.

Như hay tin phái đoàn Việt Nam sắp sang dự hội nghị Fontainebleau năm 1946, các sinh viên Công giáo Việt Nam hồ hởi biết chừng nào. Trước tiên là chuẩn bị đón phái đoàn trù bị trong đó có hai đại biểu người Công giáo: Ông Nguyễn Đệ, nguyên chánh văn phòng của Cựu Hoàng Bảo Đại và Giáo sư Nguyễn Mạnh Hà, đặc trách trí thức vận.

Anh em đã tới Tu viện Đức Bà ở phố La Source để nhờ Cha Vinh tập hát cho buổi lễ cầu cho quốc thái dân an do Liên đoàn Sinh viên Công giáo Việt Nam tổ chức. Buổi lễ có mời phái đoàn Việt Nam tới dự. Chính dịp này, Cha Vinh đã có hứng sáng tác bản thánh ca Ở dưới vực sâu để sử dụng ngay trong buổi lễ.

Đón phái đoàn ở phi trường Paris, phía sinh viên Công giáo Việt Nam cử Cha Lê Văn Lý, Cao Văn Luận đi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các sinh viên Công giáo đã ra về, không tổ chức lễ cầu nguyện như đã dự định.

Hai đại biểu Công giáo nằm trong phái đoàn trù bị cũng hé lộ cho biết một chút hướng đi tương lai của Đất Nước. Đứng trước tình hình đất nước như thế, Bề trên giáo phận đã để cho các du học sinh Việt Nam toàn quyền quyết định ở lại Pháp hay trở về Việt Nam. Sau khi suy nghĩ, đắn đo, tất cả đã nhất tề về nước, về càng sớm càng tốt.

Về làm Chính xứ Nhà thờ Lớn

Là những người sinh viên Việt Nam hải ngoại, ai nấy cũng chỉ ôm ấp một lòng yêu quê hương yêu đất nước yêu con người và chỉ một lòng quyết tâm học hành thành tài để về phục vụ.

Cha Nguyễn Văn Vinh, con người vui tính, với giọng nói và giọng hát ru hồn, đâu đâu cha cũng chiếm được cảm tình của mọi người, tự dưng trở thành con người ít nói hơn, trầm trầm hơn. Hát và nghe bài hát Ở dưới vực sâu giúp chúng ta hiểu thêm tâm trạng của Cha và ghi nhớ cái mốc lịch sử này.

Tàu Cap Varella cặp Cảng Sài Gòn ít hôm, rồi nhổ neo trực chỉ bến cảng Hài Phòng. Tới Hà Nội, các cha về ở tạm Trường Lacordaire, Quần Ngựa, trước Hồ Tây. Lần lượt các cha được phân làm việc ngay.

Riêng Cha Nguyễn Văn Vinh, về tới Hà Nội, nhiệm vụ đầu tiên được giao làm Chính xứ Nhà thờ Lớn và dạy Đại Chủng viện. Cha mới về, mọi việc đều mới mẻ sau gần 20 năm xa đất nước.

Đụng độ với Toàn Quyền Pháp

Nghe nói Cha giỏi tiếng Pháp, giọng nói rất Pháp, nên được kính mến đặc biệt. Sẵn tính nghệ sĩ, nên càng dễ lôi cuốn hơn! Nhưng Cha cũng rất thương người bị ức hiếp, nên hay có chuyện với người Pháp nào có thái độ, hành động thực dân với dân Việt.

Cha Nguyễn Văn Vinh: Tướng De Lettre de Tassigny chỉ Toàn Quyền với quân đội Pháp, chứ không phải đối với người Việt Nam, đất nước Việt Nam!

Điều này dân Hà Nội trước 1954 đều biết và nghe nói. Hơn một lần cha đã cự lại những lính lê dương Pháp đi xe người Việt kéo mà định ăn quịt. Gặp trường hợp như thế, cha xuống xe đạp và chặn người lính Pháp và bắt phải trả tiền xòng phẳng. Cha có võ, nhưng chưa phải đưa ra sử dụng với lính Pháp.

Đặc biệt phải kể tới chuyện đụng độ với Thống tướng De Lattre de Tassigny, viên toàn quyền Pháp tại Đông Dương vào hè 1952.

Cuộc chiến tại Việt Nam đã leo thang. Quân viễn chinh Pháp ngày càng phải đổ thêm nhiều vào Bắc bộ. Nhiều trận chiến ác liệt có tầm cỡ đã bùng nổ. Hằng ngày không biết bao nhiêu người từ các phía đã phải nằm xuống. Tổn thất từ người, lẫn của và cả tinh thần rất nhiều.

Trong số đó có Trung úy Bernard de Lettre de Tassigny, con trai của vị Toàn quyền Pháp đương nhiệm, tử trận tại trận địa Chùa Non Nước, tỉnh Bình Định. Giới hữu trách xin một thánh lễ cầu hồn tại Nhà thờ Lớn Hà Nội.

Vấn đề chỗ ngồi danh dự và treo cờ Pháp trong thánh lễ đã trở thành vấn đề lớn. Phía chính quyền Pháp đòi ghế số 1 là dành cho viên Toàn quyền, số 2 dành cho Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam.

Lập trường của Cha Nguyễ n VănVinh, Chính xứ Nhà thờ Lớn là ngược lại. Lý do: Tướng De Lettre de Tassigny chỉ Toàn quyền với quân đội Pháp, chứ không phải đối với người Việt Nam, đất nước Việt Nam.

Vị Toàn quyền Pháp đã can dự. Linh mục chính xứ được mời tới dinh Toàn quyền. Có linh mục Trần Văn Mai cùng đi. Cuộc gặp gỡ rất căng thẳng. Đôi bên không ai thay đổi lập trường.

Đến khi viên Toàn Quyền Pháp, vị anh hùng nước Pháp từ Thế Chiến thứ II vừa nói xong, Cha Vinh đã đập bàn đứng dậy nói: “Thưa Ngài Đại tướng, Ngài thốt ra những lời như thế không xứng danh một vị tướng, lại càng không xứng danh hiệu anh hùng Pháp Quốc!”.

Lệnh bắt giam đã được ban hành, nhưng Cha Vinh vẫn ngang nhiên bước ra khỏi dinh Toàn Quyền trước sự ngỡ ngàng của các viên chức và quân lính. Thánh lễ sau đó vẫn được tiến hành như đã định do một linh mục người Pháp làm chủ tế nhờ sự can thiệp của Đức cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê, Giám mục Hà Nội và của Thủ tướng Trần Văn Hữu.

Ít ngày sau, Đức Giám mục Hà Nội được mời tới dinh Toàn quyền. Cuộc gặp gỡ trao đổi giữa vị đại diện Giáo hội và đại diện Chính phủ Pháp tại Đông Dương đã xảy ra thế nào không ai rõ. Chỉ rõ một điều là Đức cha Trịnh Như Khuê đã có quyết định thuyên chuyển Cha Vinh về làm Giáo sư Tiểu Chủng viện Pio XII.

Đức Giám mục đã nói với Cha Vinh: “Cha không có tội gì! Nhưng để phục vụ thiện ích hòa bình [Pour le bien de la paix (sic)], xin Cha vui lòng từ chức Chánh xứ Nhà thờ Lớn, về làm Giáo sư Tiểu Chủng viện Pio XII”.

Một lần nữa, cuộc đời phục vụ của Cha Nguyễn Văn Vinh lại bắt đầu viết một chương mới. Tinh thần khiêm tốn và vâng phục của Cha lại một lần được thể nghiệm. Người người đều cảm phục Cha. Có người ca tụng Cha như người hùng.

GM MICAE HOÀNG ĐỨC OANH

>> Cuộc đời Cha chính Vinh – Bài 1