Vị thánh tử đạo đất Bắc trong lòng người di cư

Cùng trên đường Nguyễn Văn Tăng, quận 9, Sài Gòn, cách Giáo xứ Thánh Gẫm hơn 1 km là một giáo xứ khác nằm cùng chiều, cùng đường, mang tên Giáo xứ Thánh Cẩm. Phải chăng đất Gò Công phát tích đến hai vị thánh tử đạo?

Hai giáo xứ của hai vị thánh tử đạo Việt Nam nằm gần bên nhau, như hàng xóm láng giềng. Một giáo xứ gốc người Nam có Thánh Matthêu Gẫm quê chính gốc ở đây như trong Đồng Hành chúng tôi đã nêu (xin xem bài Theo dấu chân Thánh Matthêu Gẫm). Một giáo xứ gốc người Bắc có bổn mạng là Thánh Đa Minh Cẩm. Tuy giọng nói, phong tục, tập quán có khác nhau, nhưng trong sinh hoạt luôn luôn hòa hợp.

Theo cha già Tự đi tìm miền đất mới

Thực ra thì Thánh Đa Minh Cẩm sinh ra tại làng Cẩm Giàng (hay còn gọi là Cẩm Chương) thuộc xứ Kẻ Roi, tỉnh Bắc Ninh. Và những người giáo dân thuộc Giáo xứ thánh Cẩm cũng quê gốc ở Bắc Ninh.

Năm 1954, nhiều giáo dân từ nhiều họ đạo khác nhau ở Bắc Ninh cùng theo chân của cha già Tự từ vào Nam tìm vùng đất mới. Đường đi gian nan, không có phương tiện thông tin liên lạc nên mọi người bị lạc. Cuối cùng chỉ một nhóm tìm được cha già Tự.

Tượng thánh Đa Minh Cẩm. Ảnh: PTG

Mọi người gặp nhau mừng rỡ rồi dắt díu nhau lên tận Tây Ninh sinh cơ lập nghiệp. Tuy nhiên, thấy khó sống ở đây được lâu dài nên cha già Tự lại dắt giáo dân đi tìm đất sống quanh Sài Gòn. Không rõ ai mách bảo, giáo dân tìm về vùng đất Long Thạnh Mỹ này.

Tổng cộng có ba họ đạo gốc từ Bắc vào là Xuân Lai, Nguyệt Đức, Bến Bẽ và họ đạo thứ tư gồm nhiều họ đạo khác là Phương Yên. Lúc này cha già Tự chọn Chân Phúc Cẩm làm bổn mạng cho giáo xứ.

Khu vực này được chính quyền lúc đó đặt là ấp Chân Phúc Cẩm. Rất nhiều người địa phương lâu ngày quen gọi mà không biết nguồn gốc của tên ấp. Sau này, khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong cha Đa Minh Cẩm lên bậc Hiển thánh, giáo xứ đổi lại là Giáo xứ Thánh Cẩm, địa danh trên vẫn không thay đổi. Ngày nay đô thị hóa không còn là ấp nữa, mà là khu phố, vẫn giữ tên hành chính của 60 năm qua là khu phố Chân Phúc Cẩm.

Theo lời kể của ông Nguyễn Đức Hiến, một giáo dân tại đây, thời gian đầu giáo dân sống rất vất vả. Lý do là đất ít, không canh tác ruộng được, vườn cũng nhỏ, dân không biết làm nghề gì. Vì vậy, một số hộ dân đã phải chuyển đi nơi khác kiếm sống. Dù vậy cha già Tự vẫn động viên, an ủi giáo dân giữ vững lòng tin, cầu nguyện trông đợi ơn Chúa.

Dần dà, giáo dân phát hiện ra nhu cầu về rượu trong vùng khá cao, hàng khan hiếm trong khi nhiều giáo dân biết nấu rượu. Vậy là cả ấp chỉ nhau, cùng nhau làm nghề nấu rượu thủ công. Bã hèm dùng để nuôi heo.

Nhờ nghề nấu rượu và chăn nuôi mà đời sống của giáo dân đã tiến triển rất tốt. Một số gia đình chuyển lên vùng Phú Thọ, Kẻ Sặt đã mang nghề nấu rượu tới đó. Mãi đến năm 1990, tức là 35 năm sau khi thành lập giáo xứ, nơi đây mới bắt đầu có điện. Còn cha già Tự đã mất năm 1984, không kịp nhìn thấy giáo xứ từ nơi đồng quê heo hút tối tăm trở thành thị tứ nhộn nhịp, đèn đóm sáng rực.

Rước cốt thánh nhân vào Nam

Dù hiện đã chuyển đi coi xứ khác, cha Gioan Maria Vianey Chu Minh Tân vẫn nhớ như in thời điểm năm 1999 khi về làm chánh xứ tại Giáo xứ Thánh Cẩm. Thấy nhà thờ không có tượng thánh bổn mạng, cha ngạc nhiên đi dò hỏi mới biết được suốt nhiều năm không có tượng, chỉ nghe truyền lại Chân Phúc Cẩm, còn không ai biết tìm thông tin ở đâu.

Cha mời các cụ lớn tuổi lại hỏi cũng không ai biết. Một giáo dân làm nghề sửa xe biết về tông tích cũ liền liên lạc về quê, may thay được biết nhà thờ cũ ở Cẩm Giàng đang sửa chữa tu bổ, giáo xứ đã bốc cốt Thánh Cẩm lên thấy quả đúng như truyền tụng lại.

Cha Tân liền gửi thư ra Đức Hồng y Phao-lô Giuse  Phạm Đình Tụng ở Hà Nội vừa kiêm nhiệm Giáo phận Bắc Ninh để xin được rước một phần hài cốt thánh Cẩm về. Giáo xứ xin lưu giữ một đốt xương đặt vào bàn thờ, còn lại gửi dòng kín Cát Minh lưu giữ.

Nhà thờ giáo xứ Thánh Cẩm. Ảnh: PTG

Ngược dòng thời gian

Ngược dòng lịch sử chúng ta biết rằng, Thánh Đa Minh Cẩm sinh ra tại làng Cẩm Giàng (hay còn gọi là Cẩm Chương) thuộc xứ Kẻ Roi, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình bình thường.

Hiện không có bất cứ tài liệu nào ghi lại năm sinh nên cũng không ai biết đích xác tuổi của ngài. Chỉ biết ngay từ nhỏ, cậu Đa Minh Cẩm đã tỏ ra thông minh sắc sảo, trí tuệ hơn người nên đã được các bề trên để ý, rồi sau đó thuyết phục dâng mình cho Chúa.

Cha khẳng khái lời thề son sắt
Tôi sẵn sàng chịu chặt đầu rơi
Chức linh mục Chúa rạng ngời
Khổ hình đón nhận trọn đời trung kiên…

Trường thi Tử Đạo

Học xong thần học tại chủng viện, Đa Minh Cẩm được thụ phong Linh mục khi còn rất trẻ. Sau đó cha Cẩm đã gia nhập Dòng ba Đa Minh và hết lòng rao giảng lời Chúa và phục vụ xứ đạo. Cha luôn được mọi người yêu kính và các bề trên cũng rất hài lòng.

Năm 1848, Tòa thánh chia giáo phận Đông Đàng Ngoài thành hai giáo phận là Đông (Hải Phòng) và Trung (Bùi Chu). Mặc dù cha Đa Minh Cẩm sinh quán ở Bắc Ninh thuộc giáo phận Đông, nhưng do những việc tông đồ đã làm xuất sắc trước đây nên được bề trên cử vào phục vụ ở giáo phận Trung, vốn là nơi có số tín hữu đông gấp ba lần ở quê hương.

Trong giai đoạn bách hại đạo gắt gao, triều đình loan tin sẽ ban thưởng tiền bạc hay chức tước cho những ai tố cáo các thừa sai hay linh mục. Cha Đa Minh Cẩm vừa phải trốn, lại vừa phải lo công việc mục vụ nhưng vẫn cố gắng lo mọi thứ cho vẹn toàn, bất chấp sự nguy hiểm.

Đến năm 1859 cha quay về làng Hà Lang để trú ẩn. Không may bị một người dân phát hiện đã đi báo quan quân đến bắt. Chính Thánh Giám mục Valentino Ochoa tường thuật trong thư đề ngày 2-8-1859 rằng: “Ngày 21 tháng Giêng năm nay, có một linh mục thuộc địa phận Trung tên là Đa Minh Cẩm bị bắt dẫn về tỉnh Hưng Yên và giam tù”.

Cũng theo các thư từ mà Thánh Ochoa gửi cho các thừa sai, cha Đa Minh Cẩm bị bắt giải đến trước quan Tổng đốc Hưng Yên. Tại đây cha đã nhận mình là linh mục Công giáo và sẵn sàng nhận mọi khổ hình chứ không chịu dẫm lên thánh giá.

Thấy khuyên nhủ lẫn đe dọa không đem lại kết quả, Tổng đốc hạ lệnh giam cha vào cũi chờ triều đình xét tội. Trong thời gian bị giam, đức độ của cha đã khiến lính canh cảm phục. Do đó họ không khó khăn mà cho phép nhiều giáo hữu lui tới thăm viếng cha.

Nhân cơ hội này, cha đã khuyên nhủ mọi người giữ vững đức tin. Nhiều lần cha đã viết thư nhờ các giáo hữu chuyển cho giám mục giáo phận là Đức cha Valentino Vinh để bày tỏ niềm tin với Thiên Chúa và sẵn sàng được phúc tử đạo.

Ngày 11-3-1859, cha Cẩm được giải ra pháp trường. Theo tài liệu, bà Maria Huệ, một giáo dân hiện diện trong giờ hành quyết đã kể lại: “Khi tới nơi xử trảm quyết, cha cầu nguyện một lát, rồi làm hiệu cho đao phủ thực hành phận sự. Không hiểu sao đao phủ đã run tay, nên vung đao chém ba nhát mà đầu cha vẫn chưa đứt. Họ đành phải cứa đi cứa lại nhiều lần, đầu cha mới lìa khỏi thân”.

LM Gioan Maria Vianey Chu Minh Tân, nguyên Chánh xứ Giáo xứ Thánh Cẩm:
Nhờ thợ giỏi làm phôi đúc tượng
May mắn một điều là sau này Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục GP Bắc Ninh, cũng sốt sắng đứng ra nhận giúp đỡ.
Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt gửi một bức chân dung truyền thần Thánh Cẩm vào. Tôi mang ra Hòa Hưng nhờ thợ giỏi làm phôi đúc tượng, trong khi nhà thờ khởi công xây đài. Chỉ trong có một tháng, đài và tượng xây xong cùng lúc, giáo dân vô cùng hoan hỉ khi thấy tượng thánh bổn mạng đẹp và vô cùng sống động.

PHẠM TRƯỜNG GIANG

>> Theo dấu chân Thánh Matthêu Gẫm