Vị linh mục già chẳng chịu nghỉ ngơi

Vị linh mục già như ông Giuse thợ, chẳng bao giờ chịu nghỉ ngơi, dù khi đương nhiệm hay nghỉ hưu, vẫn hăng say làm việc. Năm 83 tuổi, mang trong mình căn bệnh ung thư phổi, phải dùng thuốc theo định kỳ, chọn cách nghỉ hưu tại nhà riêng và làm việc để có lương thực hằng ngày, để chẳng phiền lụy ai. Nhớ về ngài, một linh mục cần mẫn lo vườn nho nhà Chúa, mới được Chúa gọi về ngày 26-1-2020.

Con đường từ ngoài lộ vô nhà cha độ chừng hơn cây số. Con đường vành đai, nhỏ hẹp, đầy ổ gà, ổ voi bởi xe tải chạy qua lại thường ngày. Cách đây hai năm, nó đến thăm ngoại. “Ngoại”, đó là cách nó gọi vị linh mục nơi nó ở, cha Giuse Phạm Minh Công, nguyên Chánh xứ Giáo xứ An Khê, Giáo phận Kontum. Giáo xứ nó mới đón cha xứ mới, còn ngoại khi ấy vừa nghỉ hưu. Ngài đã chọn nơi đây, một căn nhà nhỏ giữa đồng bào Jrai, để nghỉ ngơi lúc tuổi già bóng xế.

Cha Giuse Phạm Minh Công

Tám năm đong đầy yêu thương

Hơn một tháng trôi qua, nhưng nó vẫn chưa thể quen được việc giáo xứ nó có cha mới. Mỗi lần đến nhà thờ, nó hay ngóng sau những em lễ sinh là ông, vị linh mục già mà nó hay gọi là ngoại.

Nhưng đó chỉ là hoang tưởng nhất thời của nó. Cha xứ mới của nó giảng rất hay, dí dỏm, dễ thương chi lạ, nhưng thi thoảng nó vẫn thèm nghe cái giọng giảng khàn khàn của ngoại, mà có khi ngoại dừng lại thật lâu vì không nhớ hay không thấy chữ bởi đôi mắt kèm nhèm của tuổi già. Năm ấy ngoại đã 83 tuổi rồi còn gì!

Hơn chục năm về trước, Giáo xứ An Khê đón cha tân chánh xứ. Lúc đó, nó còn đang mải miết bên trang sách trên giảng đường đại học. Nó nghe nói, linh mục chánh xứ đã 75 tuổi rồi. 75 tuổi, cái tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi an dưỡng, hoặc chỉ trông coi một xứ nhỏ.

Thế nhưng ở xứ sở truyền giáo Kontumnày, 75 tuổi đi nhận xứ mới, nhận thêm trách nhiệm quản hạt thì vẫn còn trẻ lắm, bởi giáo phận nghèo, thiếu linh mục. Ngoại về, mang niềm hy vọng và sự ấm áp của mùa Xuân cho Giáo xứ An Khê – Giáo xứ thành lập được gần năm mươi năm.

Đời linh mục là vậy! Tận tâm, tận tụy với giáo xứ, dốc hết sức lực lo việc nhà Chúa, để rồi, khi về hưu, gia sản là đôi bàn tay trắng và con tim đầy ắp yêu thương.

Tám năm, khoảng thời gian không ngắn, cũng chẳng quá dài nhưng đủ để tình cảm của mọi người ở nơi đây và linh mục già trở nên đong đầy.

Và cũng ngần ấy thời gian, ông là người cha, người ông hết mực yêu thương, tận tụy chăm lo cho gia đình lớn là Giáo xứ An Khê của nó, rộng hơn là cả một hạt bao gồm một thị xã và ba huyện lân cận. Nhờ vậy mà giáo xứ nó ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn, đời sống đức tin của bà con cũng ngày càng vững mạnh.

Ngày ông về xứ, ngôi thánh đường đã cũ kỹ, mái trần dột, những bậc thang lên gác bị mục dần theo năm tháng, sân trước lỗ chỗ những vũng nước vào mùa mưa. Hơn thế nữa, ngôi nhà thờ đã trở nên quá nhỏ bé chật hẹp so với số giáo dân hiện tại của giáo xứ. Và ngoại đã thay đổi diện mạo cho nó. Ông lao vào xây nhà thờ và các công trình của giáo xứ. Điều mà cha xứ trước ao ước, muốn làm từ lâu nhưng chưa thể thực hiện được.

Nhà thờ An Khê mới. Ảnh: Tâm Ngọc

Có người hỏi ông: Tiền đâu để xây nhà thờ mà cha liều vậy? Ông đã cười bảo nhà Chúa cứ để Chúa lo. Và Chúa đã lo thật! Nhờ sự liều lĩnh của ngoại và ơn Chúa mà giáo xứ nó có được một ngôi thánh đường khang trang như bây giờ.

Làm xong nhà thờ, ngoại lại loay hoay với các công trình khác: Đài Đức Mẹ, đồi Hy Vọng (nhà hài cốt)… Rồi thấy nguồn nước nơi đây không đảm bảo, ngoại lại làm hệ thống nước sạch, cung cấp nước uống cho bà con giáo dân, lương dân toàn thị xã với giá rẻ thật rẻ, chỉ bằng một phần ba giá thị trường.

Thương ngoại thật nhiều, gặp ngoại là nó kèo nài: “Ngoại đi đâu cũng xây, xây miết thôi, già rồi mà không chịu nghỉ”. Ngoại véo má nó, cười “Giuse thợ mà, xây chớ, con nhỏ vô duyên”. Ngoại là Giuse thợ, ông thợ chẳng chịu nghỉ ngơi.

Đi đâu cũng xin, có bao nhiêu dốc hết cho giáo xứ

Ngoại của nó đi đâu cũng tìm sự giúp đỡ nhưng chẳng bao giờ xin gì cho mình. Có lẽ nhiều người nghĩ, ông già xin về làm của riêng, nhưng không đúng. Có bao nhiêu ngoại đều dốc hết cho giáo xứ, cho người nghèo.

Ông già ngót bát tuần, nói đi du lịch trời Tây, nhưng thực chất đi vận động xin giúp đỡ cho giáo xứ. Khi về, ngoại buồn so: “Tôi đi ăn xin, nhưng gặp ông ăn mày, ổng lớn chức hơn tôi, nên…”. Nó nghe ngoại nói, nghẹn đắng! Nó trách: “Ngoại đừng xây nữa, để sau này có cha xứ mới, cha sẽ xây dựng tiếp, lo tiếp”.

Ông lại cười móm mém bởi hàm răng chỉ còn một nửa: “Không xây nhà thì lấy đâu chỗ cha xứ mới về ở? Vô duyên”. Thêm dãy phòng học giáo lý, hội trường, nhà xứ hoàn thành. Tất cả đều một mình ngoại lo liệu. Cuối cùng là một hoa viên với muôn màu sắc được dựng nên: Hoa viên An-rê Phú Yên.

Ngoại chỉ thực sự dừng lại khi khuôn viên giáo xứ trở nên đẹp đẽ gần như hoàn hảo. Mọi người nghĩ, rồi ông sẽ ở đây an dưỡng tuổi già, vui vầy với đám cháu con, vốn dĩ không ruột thịt nhưng rất yêu thương kính trọng ông. Nhưng ngoại bất ngờ “biến mất”, cắt đứt mọi liên lạc với giáo xứ.

Rồi có thông báo của Toà Giám mục về việc thuyên chuyển linh mục, trong đó có giáo xứ nó. Ông về hưu! Mọi người sững sờ! Bởi ông nó từng nói: “Có chết tôi cũng ở An Khê này”. Ông còn chọn phần đất làm huyệt mộ cho mình. Vậy mà…!

Ông chọn cách ra đi thầm lặng để nước mắt không phải rơi nhiều, dù đó là ai. Ông chọn cách ra đi để giáo xứ của nó trưởng thành hơn về mọi mặt. Ngoại là vậy, toàn làm cho người khác bất ngờ, đôi khi ứng phó chẳng kịp, níu kéo chẳng kịp.

Nắng tràn ngập khoảng sân nhỏ. Ngôi nhà nhỏ của ngoại rộn tiếng cười. Ông kể mỗi ngày ông dậy sớm đi bộ dâng lễ, mỗi ngày ông đạp xe đi làm vườn cách nhà một cây số. Nó hỏi, ông cười: “Làm để có cái ăn chớ, không làm lấy gì mà ăn, con nhỏ vô duyên”. Nó cố ngăn giọt nước để không chảy trào ra khóe mắt. Nó cười, lòng thấy đắng ngắt.

Giờ thì ngoại đã nghỉ ngơi trong Chúa đích thực!

TÂM NGỌC

Cầu thủ – HLV Trần Minh Chiến: Những bàn thắng từ kinh nguyện gia đình