Mùa Hè được coi là “mùa phong chức” và mùa Hè cũng là mùa nhiều giáo phận thuyên chuyển, bổ nhiệm linh mục.
Vì lợi ích cộng đoàn
Theo dõi qua trang web của các giáo phận, thời điểm này nhiều giáo phận khác trong cả nước đang vào mùa thuyên chuyển.
Tôi còn nhớ cuộc chia tay tại giáo xứ Văn Hải (hạt Long Thành, Đồng Nai, Giáo phận Xuân Lộc) cách đây mấy năm. Sau thánh lễ chia tay, cha nguyên chánh xứ đã nghẹn ngào, xúc động không nói nên lời. Rất nhiều giáo dân già, trẻ, nam, nữ cũng không nén được xúc động, không ít những giọt nước mắt ngậm ngùi.
Hơn bảy năm phục vụ cộng đoàn với số giáo dân có lẽ đông đảo nhất trong giáo hạt, cha đã được sự yêu thương tín nhiệm của cộng đoàn, mặc dù sức khỏe không được sung mãn vì những căn bệnh trầm kha, cha vẫn nỗ lực thực hiện được nhiều công trình dự án đạo, đời, mang lại bộ mặt mới, khang trang cho giáo xứ.
Giờ cha lại chuyển đến một giáo xứ khác, chỉ cách xa giáo xứ cũ này hơn 10 km, với số giáo dân vỏn vẹn vài trăm, chắc chắn cha sẽ thảnh thơi, nhẹ nhàng hơn nhiều trong sứ vụ. Thế nhưng nhiều người cứ áy náy trong lòng, rằng liệu về đó cha có tươm tất vui vầy với số giáo dân phần lớn mới từ các địa phương khác về lập nghiệp?
“Việc thuyên chuyển các linh mục đã trở thành thường lệ và không còn gặp các khó khăn thủ tục hành chánh về phía chính quyền sở tại như 15-20 năm trước. Tất cả do đức giám mục bản quyền quyết định, trước hết vì lợi ích của cộng đoàn.
Việc thuyên chuyển có thể kết hợp với việc sắp xếp để các linh mục đến tuổi được về hưu dưỡng, chuyển các linh mục trẻ sau thời gian làm phó xứ lên chánh xứ. Thường theo qui định của mỗi giáo phận, thời gian quản xứ của linh mục thường 4 hoặc 5 năm, một số trường hợp có thể kéo dài nhưng không quá 10 năm”, một linh mục cho biết.
Thực tế, hiện nay ngay tại Tổng Giáo phận Sài Gòn vẫn còn nhiều trường hợp linh mục Chánh xứ tại vị một nơi suốt mấy chục năm. Hay mới đây, cha chánh xứ Vũng Tàu mới về hưu sau đúng 42 năm chánh xứ, cả cuộc đời linh mục của cha chỉ gắn bó với một nơi duy nhất. Đó là những ngoại lệ và cũng phát xuất từ lợi ích của cộng đoàn hoặc của cả giáo phận.
Những nghĩa cử đẹp cho người mới đến
Có những nơi, việc điều chuyển linh mục cũng gây nên không ít phức tạp, như chuyện công nợ chưa giải quyết xong hoặc khi các công trình giáo xứ đang xây dựng còn dang dở. Nhiều linh mục đã xin đấng bản quyền cho lui lại thời gian nhận xứ mới để cùng với cha mới được sai về tìm cách ổn thỏa, tránh chuyện cha cũ dồn hết trách nhiệm lên cha mới!
Đây đúng là tinh thần trách nhiệm và thể hiện tình huynh đệ anh em linh mục. Một linh mục tâm sự: Khi cha về nhậm xứ, nhà thờ mới vừa xây dựng xong, nợ nần còn đến mấy trăm triệu đồng. Cha sở cũ đã lui lại cả mấy tháng để chạy vạy thanh toán gọn gàng xong mọi chuyện mới bàn giao giáo xứ lại.
Một linh mục khác, trước ngày chuyển xứ, đã sắm sửa chuẩn bị mọi thứ từ giường, tủ, bàn ghế, đến cả bộ đồ ăn… hoàn toàn mới để giáo xứ đón cha sở mới. Ngày cha rời giáo xứ cũ, đúng là chỉ có chiếc va li nhỏ, vài ba thùng sách, để gọn trên taxi bốn chỗ và hơn chục giáo dân đưa tiễn một đoạn đường dài không quá 3 km. Sau này, ngài thừa nhận đã được giáo dân mới đón tiếp nồng hậu, nên cũng… bớt tủi thân.
Ông Th. nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ A. (Giáo hạt Tân Định, Sài Gòn) nhắc chuyện từ năm 2010 tới nay, giáo xứ này đã ba lần thuyên chuyển linh mục. Có những đón, đưa trọng thể đầy bịn rịn, quyến luyến với cha đi; hân hoan, lạc quan và hy vọng với cha mới. Nhưng mỗi lần có thay đổi như vậy, giáo xứ lại trải qua một giai đoạn “giao thời”, nhất là khi có những cha mới về muốn xóa dấu vết của vị tiền nhiệm, gây ra những bức xúc, thậm chí chia rẽ không đáng có trong cộng đoàn.
Nhiều giáo dân đặt vấn đề: Có cách nào hơn nữa, tích cực hơn nữa trong việc thuyên chuyển linh mục để thực sự vì lợi ích, vì sự thăng tiến của cộng đoàn. Ví như có sự tham khảo ý kiến của giáo dân.
THẠCH PHÙNG