Thiếu những nụ cười khi chúc bình an

Hiện nay tại hầu hết các nhà thờ Việt Nam việc giáo dân tham dự thánh lễ khi được chủ tế kêu mời “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”, thì chỉ còn có động tác quay một chiều hướng về một phía khẽ gật đầu rồi thôi.

Những cái bắt tay, những nụ cười, những câu thăm hỏi… dành cho người xung quanh sau một thời gian được thực hiện, nay đã lui vào quá khứ.

Những cái bắt tay, nụ cười khi chúc bình an.

Phải chăng vì muốn thánh lễ hoàn toàn trang nghiêm, không có những “ồn ào, rối loạn” khi chúc bình an; hoặc để giữ “truyền thống dân tộc”, nhất là trong việc nam nữ thụ thụ bất thân?

Một linh mục đang phục vụ tại Hoa Kỳ, có dịp về thăm quê nhà, sau hơn một tháng đi từ Nam ra Bắc, ghé thăm và dự lễ tại nhiều nơi đã ngạc nhiên khi thấy giáo dân Việt Nam chỉ còn biết gục gặc cái đầu như thế. Cha nhận xét: Chẳng hề thấy một biểu cảm yêu thương, gần gũi nào giữa cộng đoàn trong nhà Chúa.

Riêng tôi, may mắn đã được cùng tham dự thánh lễ với nhiều cộng đoàn đa sắc dân ở Hoa Kỳ, ở Pháp. Ngồi chung với người da trắng gốc Mỹ, Âu, với những người da màu gốc Á, Phi. Lúc cùng đọc kinh Lạy Cha, mọi người thân ái nắm tay nhau chung lời. Lúc chúc bình an đều quay sang nhau hết bên phải, bên trái, quay xuống phía sau trò chuyện thân ái, hỏi han nhau vài lời, cho nhau nụ hôn, quàng vai vỗ nhẹ…

Họ chẳng phân biệt gái trai, già trẻ, thân quen, xa lạ. Thực sự những giây phút ấy, dễ dàng cảm nghiệm được thế nào là Hội Thánh, là anh chị em con một Cha trên trời, chung một đức tin và niềm hy vọng.

Trong các thánh lễ cộng đoàn thuần Việt ở trời Tây, Mỹ cũng thế… Sự gắn bó, gắn kết trong lời kinh nguyện cầu, trong cử chỉ (dù chỉ là ngắn ngủi, chốc lát khi chúc bình an cho nhau) cũng thể hiện sự nhiệt tâm, nhiệt thành gặp nhau giữa nhà Chúa.

Cùng tham dự thánh lễ hay các nghi thức phụng vụ khác của Hội Thánh, giáo dân cần được chung chia nguồn Thánh Ân và nhận ra ngay được tình bác ái, yêu thương của những người trong cộng đoàn gặp gỡ!

THẠCH PHÙNG

>> Lễ đồng tế không dành cho… dân thường