Ấy là vào những ngày cuối thu năm 1965, tại nhà nguyện Mai Khôi của các cha Đa Minh Lyon, 44 Tú Xương, Sài Gòn. Trần Văn Quý là cái tên anh em cần, bởi anh có đủ tố chất của một ca trưởng “thứ thiệt”.
Đêm Hội Trùng Dương và Đại kết Kitô giáo
Thuở ấy, hai buổi trình diễn “đầu đời” tại Nhạc đoàn Thảo cầm viên Sài Gòn và Trường Quốc gia Âm nhạc (nay là Nhạc viện TPHCM) vào năm 1965 đã quy tụ nhiều ban hợp xướng nổi tiếng như Ban Hương Quê của LM Trần Học Hiệu, Ban Cơ Đốc Phục Lâm của Lê Văn Khoa, Trường Thái Bình Dương Tự Do và Trường Minh Viễn ở Chợ Lớn, Ban An Phong Học viện Dòng Chúa Cứu Thế của Ca trưởng Bosco Đào Quang Hùng.
Tiếng lành đồn xa, liên tiếp các buổi trình diễn sau đó của Ban Hợp xướng Trùng Dương đến Viện Đại học Đà Lạt, sau đó công diễn tiếp tại Hí viện Hòa Bình cho người dân xứ sở ngàn hoa thưởng thức, đánh thức “giấc ngủ êm đềm” của thành phố mộng mơ. Sau Đà Lạt là Đại học Dược khoa Sài Gòn, Trường Quân nhạc Thủ Đức… Le Ciel Étoile (của J.Haydn), Opus 44 Hallelujah Chorus (G. Handel) là những tác phẩm mà Việt Nam lúc bấy giờ chưa mấy ai hát, và Ban Hợp xướng Trùng Dương rất thành công khi lần đầu trình diễn đã làm mê hoặc lòng người.
Hơn một năm sau, vào tháng 1-1967, Đêm Trùng Dương II diễn ra tại Trường Quốc gia Âm nhạc dưới quyền chủ tọa của Đức Khâm mạng Tòa thánh tại Việt Nam – Đức ông Angelo Palmas, một sự ưu ái đặc biệt dành cho Ban Hợp xướng. Lúc này, ngoài Ca trưởng Trần Văn Quý còn có hai ca phó là Lại Quốc Hùng và Nguyễn Hoàng Hương.
Sự có mặt của Lại Quốc Hùng đã làm cho Ban Hợp xướng Trùng Dương thêm phong phú hơn về nguồn lực, khả năng sáng tạo và nhất là phong cách trình diễn, bởi chính anh đã viết lời Việt cho rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng để hát trong ca đoàn.
Cho đến nay, ít ai biết rằng, các ca khúc trữ tình bất hủ nhiều người biết và hát, như Dạ Khúc (Hymne à la Nuit), Trời Sao Hoan Ca (Le Ciel Étoile), Lâu đài Dưới Trăng (Haruko, dân ca Nhật), Mộng đầu Xuân (Santa Lucia), Như cánh chim mỏi mòn (Comme un Oiseau Passager)… là do chính Lại Quốc Hùng viết lời Việt.
Có một điểm đáng chú ý là, trong suốt thời gian từ 1965 – 1967, ca đoàn Trùng Dương luôn có mặt trong chương trình Thánh ca Phục sinh tại nhà thờ Regina Pacis (42 Tú Xương) do Liên đoàn Sinh viên Công giáo tổ chức.
Đây là chương trình tập hợp các ca đoàn Công giáo, Anh giáo, Cơ Đốc Phục Lâm, Giáo hội Mennonites… và được xem là biểu tượng của tinh thần đại kết kể từ sau Công đồng Vaticano II. Kinh Lạy Cha luôn là lời kinh kết thúc sau mỗi buổi diễn mà tất cả các giáo phái Kitô cùng cất lên trong vòng tay nắm chặt thật cảm động.
Không dừng lại, sau đó Ban Hợp xướng Trùng Dương được mời xuất hiện trên một chương trình truyền hình đặc biệt của Truyền hình Đức (DW), Đài Truyền hình Sài Gòn, dàn nhạc thính phòng của Nhạc trưởng Vũ Thành…
Sau Tết Mậu Thân 1968, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, các thành viên của Trùng Dương kẻ ở lại, người ra đi, kẻ khác “thuyên chuyển hộ khẩu”… Cho đến khoảng đầu năm 1969, Ca trưởng Trần Văn Quý quyết định rời Liên đoàn Sinh viên Công giáo và dọn “gánh hát” về Trung tâm Công giáo (nay là trụ sở Hội đồng Giám mục Việt Nam tại đường Trần Quốc Toản, Quận 3, Sài Gòn).
Trong lúc mọi người đang chuẩn bị cho Đêm Trùng Dương III thì vợ chồng ca trưởng Trần Văn Quý chia tay với Ban Hợp xướng vì lý do công tác, Ca phó Lại Quốc Hùng cũng bận công tác đi xa nên Ca phó Nguyễn Hoàng Hương chịu trách nhiệm thực hiện Đêm Trùng Dương III, tháng 5-1969.
Sau 50 năm hoạt động, tầm ảnh hưởng của Trùng Dương đã lan ra rộng khắp, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài.
Sau Đêm Trùng Dương IV với Ca trưởng Trần Chúc, Ban Hợp xướng Trùng Dương còn tổ chức một số chương trình ca nhạc gây quỹ thiện nguyện giúp nạn nhân chiến cuộc. Cho đến hai tuần trước ngày mãn nhiệm, cựu Ca trưởng Trần Văn Quý đã qua đời tại thủ đô Buenos Aires, Argentina. Tiếc nhớ người ca trưởng tài hoa bạc mệnh, nhiều cựu thành viên Trùng Dương đã tập hợp lại hình thành Ca đoàn Vô Danh (chưa kịp đặt tên) dưới quyền điều khiển của ca trưởng Hoàng Hương, tồn tại song song với ca đoàn Trùng Dương của Ca trưởng Trần Chúc.
Năm 1975, Ban Hợp xướng Trùng Dương thu âm Trường ca Mẹ Việt Nam của Nhạc sĩ Phạm Duy với dàn nhạc Nghiêm Phú Phi. Bản thu âm nay không còn.
Chặng cuối cùng của Ban Trùng Dương, trước tháng 4-1975 là tại nhà thờ Mạc Ty Nho. Nơi đây đã thai nghén những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng do bà Phan Thị Hằng, phu nhân của cố ca trưởng Trần Văn Quý cất công mang về từ Argentina. Nhưng Ban Hợp xướng Trùng Dương đã tan rã sau tháng 4-1975.
“Lang thang” theo dòng đời…
Tháng 10-1975, không một ai ngờ rằng Trùng Dương lại hồi sinh nhưng “lột xác” hoàn toàn. Bấy giờ, tại nhà thờ Đắc Lộ của các cha Dòng Tên trên đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng), theo gợi ý của Linh mục – Nhạc sĩ Khuất Duy Linh, Chính xứ Đắc Lộ, Ca đoàn Cung Chiều – hậu duệ phiên bản 1 của Ban Hợp xướng Trùng Dương – chính thức ra đời.
Sau đó, nhiều ca đoàn cũng theo chân Cung Chiều hồi sinh. Năm 1979, Ca đoàn Lang Thang, hậu duệ phiên bản 2 chào đời, dưới quyền điều khiển của Ca trưởng Hoàng Hương và cố vấn Linh mục – Nhạc sĩ Vũ Khởi Phụng, sau khi Ca đoàn Cung Chiều tan rã vào năm 1978.
Cái tên Lang Thang mà ca đoàn mang danh, đã đi lang thang khắp nơi, từ kinh tế mới Lê Minh Xuân – Bình Chánh, Tân Quý Đông – Nhà Bè, Kinh Điều – Bến Tre, đến các trại phong Thủ Thiêm, Bến Sắn, Di Linh, trẻ đường phố tại Don Bosco Đà Lạt, đồng bào thiểu số tại Lang Biang, Đức Mẹ La Vang…
Năm 1982, như một cái duyên đưa đẩy, Lang Thang lại dừng chân tại nhà thờ Tân Định với tên gọi mới: Ca đoàn Bê Linh. Tại đây, ban hát hồi sinh mạnh mẽ sau lần ra mắt Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Tổng Giám mục Hà Nội.
Sau hơn 10 năm “lang thang”, giữa năm 1989, Bê Linh được mời hát Hòn Vọng Phu của Lê Thương tại Trường ĐH Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, nhân một dịp lễ kỷ niệm của trường. Tháng 10-1989, nhân kỷ niệm 200 năm đại cách mạng Pháp, Bê Linh kết hợp với Ban Pháp văn Trường ĐH Tổng hợp và Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp (IDECAF), chuẩn bị tổ chức Đêm Trùng Dương V, sẵn dịp “phục hồi” lại Ban Hợp xướng Trùng Dương. Tiếc là một ngày trước đêm diễn, đêm hội đã không được diễn ra vì lý do khách quan.
Sau hai lần tham gia vào chương trình biểu diễn theo lời mời, gồm chương trình hợp xướng Hòn vọng phu mừng Noel và Tết Nguyên đán 1992 của đạo diễn Cảnh Đôn và thực hiện video tape Ave Maria, Xin dâng lời cảm tạ của hãng phim Phương Nam năm 1996, Trùng Dương đã chính thức “tái xuất giang hồ” với tên gọi ban đầu: Ban Hợp xướng Trùng Dương.
Những đóng góp thầm lặng
Từ sau năm 1975, nét mới của Ban Hợp xướng Trùng Dương chính là những sinh hoạt xã hội. Khởi đầu là những Cây Mùa Xuân ở Lang Thang, phát quà Noel cho trẻ em ở Lang Biang và Don Bosco, hội chợ cho bạn nghèo ở trại phong Di Linh, với đồng bào K’Hor… Thời kỳ này, chính Linh mục – Nhạc sĩ Tiến Lộc là linh hồn dẫn dắt, tạo cảm hứng cùng hạnh phúc nhỏ nhoi cho từng thành viên Ban Hợp xướng, dù lội ruộng ở miền Tây hay băng ngàn tít tận Cao Nguyên.
Theo thời gian, những cố gắng và hy sinh của Trùng Dương đã chắt chiu, tập hợp lại để thực hiện những CD thánh nhạc giúp bà con giáo dân thêm lòng sốt sắng cầu nguyện. Ky ky cóp cóp thế mà thành, đến nay Ban Hợp xướng Trùng Dương đã có được bảy CD thánh nhạc, đó là Niềm vui trong Chúa, Đạo ca trong đời, Hy vọng tin yêu (hợp tác với nhóm Lâm Bích), Lòng trời (hợp tác LM Đinh Trung Nghĩa, SJ), Người đã đến (Mùa Chay và Phục sinh), Hồn Việt (10 Hành khúc tuổi trẻ), Vua bình yên (10 bài kinh điển Giáng sinh). Một CD thứ tám dự định với chủ đề Kính nhớ các thánh tử đạo Việt Nam.
Sau nhiều lần lỗi hẹn, cuối tháng 9-2007, Ban Hợp xướng Trùng Dương đã toại nguyện khi thực hiện thành công Đêm Trùng Dương V tại nhà thờ Mạc Ty Nho với chủ đề Trùng Dương và Hồ Đăng Tín, như một lời cảm ơn nhân sinh nhật ông.
Có thể nói, sau 50 năm hoạt động, tầm ảnh hưởng của Trùng Dương đã lan ra rộng khắp, không chỉ trong nước mà cả ở ngoài nước. Nhiều tác phẩm “cây nhà lá vườn” do Trùng Dương sáng tác đã được hát lên tại các cộng đoàn Công giáo người Việt ở hải ngoại. Đặc biệt, cho đến nay, ban Trùng Dương “gốc” vẫn trung thành với thể loại hợp xướng bốn bè gồm rất nhiều thể loại, từ cổ điển Tây phương, bán cổ điển, đương đại jazz, rock đến âm nhạc dân tộc Bắc – Trung – Nam.
Tôn chỉ của Trùng Dương trước sau như một: “Không đề cao cá nhân – Không tồn quỹ – Không làm tôi hai chủ”. Nhiều thành viên cốt cán được xem là linh hồn của Trùng Dương, như LM Khuất Duy Linh, LM Vũ Khởi Phụng, LM Tiến Lộc, LM Nguyễn Văn Hiền, LM Quang Uy, LM Lê Quang Việt, LM Nguyễn Huy Lịch, Hồ Đăng Tín…
Từ năm 2010, Trùng Dương bắt đầu số hóa và đã thực hiện được Tuyển tập Hợp ca I 152 bài và Tuyển tập Hợp ca II 104 bài, dựa trên bản gốc ronéo từ thập niên 1980. Đây là tập hợp trong suốt 50 năm những bài tiêu biểu cho khuynh hướng hợp xướng của Ban Hợp xướng Trùng Dương, kể từ ngày thành lập. |
XUÂN NGHI
>> Bài 1: Ca đoàn Đắc Lộ Trẻ: Châm ngòi lửa phong trào thánh ca trẻ