Ngắm hay Ngắm nguyện – từ ngữ không xa lạ với người có đạo, chỉ sự nhìn ngắm, ngân nga suy niệm tựa như ngâm thơ, ngâm vịnh. Ở miền Nam còn gọi là Ngẫm hay Gẫm. Có nhiều loại ngắm như: Ngắm lễ, Ngắm đàng thánh giá, Ngắm 15 sự thương khó, Ngắm nhân tài, Ngắm nhân sao, Ngắm dấu đanh… Nếu Ngắm đàng thánh giá nơi nào trên thế giới cũng có thì Ngắm 15 sự thương khó là một truyền thống đặc trưng của các Giáo phận miền Bắc.
Trong bầu không khí của lễ hội dân gian
Dân gian lưu truyền câu Tháng Giêng ăn tết ở nhà/ Tháng Hai ngắm đứng/ Tháng Ba ra mùa đã cho thấy Ngắm 15 sự thương khó đã đi sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của cộng đồng người Việt.
Và cũng thật trùng khớp khi cái bầu không khí thương khó ấy mà dân gian quen gọi là Mùa Thương Khó lại gắn với thời tiết ẩm ướt, lầy lội, xám xịt, với hoạt động mùa vụ cùng các lễ hội dân gian. Nếu trong những ngày này, nhiều đình, đền ở các làng xã mở lễ hội tưởng nhớ, ca tụng công đức của các bậc thần linh, cầu mong cho một năm nhiều phúc lộc, mưa thuận gió hòa thì với cộng đồng tín hữu lại là khoảng lặng để thanh luyện đời sống, sám hối, củng cố đức tin qua việc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Đức Giê-su để cứu chuộc nhân loại.
Nếu trong các lễ hội dân gian có cung nghinh, có đọc văn tế và không thể thiếu tiếng chiêng, trống, dàn nhạc bát âm khi cử hành các nghi thức bởi sự dẫn động của âm nhạc được coi là khởi nguồn của sự bình yên, an vui, sự hòa hợp Thiên – Địa – Nhân thì việc tổ chức Ngắm 15 sự thương khó cũng là một sự kết tụ đức tin trong bầu khí dân gian ấy.
Chuyển tải Kinh Thánh bằng nghệ thuật dân gian
Về mặt nội dung, Ngắm 15 sự thương khó dùng loại hình nghệ thuật dân gian để chuyển tải Kinh Thánh mà ở đây Sự Thương khó Đức Giê-su Ki-tô. Chính các cha Dòng Tên đã sáng tạo dựa theo hình thức kịch phụng vụ. Hình thức này có trong truyền thống Giáo hội, gọi là liturgical drama (tiếng Anh), hay drama liturgique (tiếng Pháp).
Sử dụng ngôn từ thuộc phạm trù của “lòng đạo đức bình dân”, Ngắm 15 sự thương khó đến nay vẫn được tuân thủ trước sau như một giúp các tín hữu dễ dàng tiếp cận và thông dự vào đời sống thiêng liêng.
Cha Alexandre de Rhodes (1591-1660) viết trong Lịch sử Đàng Ngoài như sau: “Để cho họ khỏi bị thiệt thòi, thì chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương khó làm 15 đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy niệm một trong 15 sự thương khó, sau mỗi lần như thế thì lại tắt một trong 15 ngọn nến sáng theo tục lệ trong giáo hội Roma. Trong nghi lễ, họ khóc lóc, kêu gào và rên rỉ tỏ lòng thương mến những thống khổ và cái chết của Chúa Cứu Thế, người lân cận cũng đến nghe”.
Do vậy, chúng ta không lạ gì khi vẫn còn thấy một số mạch văn có cách diễn đạt mang tính hư cấu, không dựa vào chứng liệu trong Kinh Thánh. Chẳng hạn ở ngắm thứ VI: “Bấy giờ nó lột áo ra, liền trói chân tay vào cột đá, đoạn lấy chà gai cùng dây gia và lòi tói sắt đánh cả và mình Đức Chúa Giê-su dư 5.000 đòn cho nên nát hết thịt ra, xem thấy xương chẳng còn nơi đâu lành, mặt mũi chẳng còn hình tượng người như trước nữa”.
Xưa kia ngắm là đặc quyền của các chức việc
Về mặt nghi thức, Ngắm 15 sự thương khó diễn ra vào chiều tối các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu trong Mùa Chay nhưng được tổ chức trọng thể vào Tuần Thánh là tuần cao điểm của việc tưởng niệm Chúa Giê-su tử nạn trước khi bước vào lễ vọng Phục sinh, tối thứ Bảy.
Xưa kia, viên chức (người ngắm) mặc áo thụng mầu thanh thiên, đầu đội khăn xếp, chân đi hài đứng ngắm trước bàn thờ, còn gọi là Ngắm đứng hay Ngắm Đại thể phân biệt với Ngắm ngồi hay Ngắm đơn.
Tiến cử viên chức lên Ngắm là một đoàn rước từ cuối nhà thờ, được dẫn đầu bởi một người cầm trống khẩu điểm ba tiếng, ha nhặt một khoan. Đi sau là bốn đến sáu người cùng hai bồi tế chia hai hàng cầm bát bảo.
Khi đến bàn ngắm đặt ở vị trí rước lễ thì bồi tế gõ mõ để viên chức bái quì. Cũng với đó là một hồi chiêng trống, nhịp trắc nổi lên. Viên chức ngắm thì người cầm trống khẩu (còn gọi là trống ấm đám) gõ ba tiếng, hai nhặt, một khoan.
Ngắm xong, chiêng trống, trắc gõ một hồi. Bồi tế gõ mõ, đoàn rước đi xuống. Giáo dân đọc kinh, chú giúp lễ tắt một ngọn nến trên vì kèo nơi bàn ngắm.
Hiện nay, tùy từng nơi, từng điều kiện mà tổ chức và việc ngắm không còn là đặc quyền dành cho các ông, những chức việc trong hội đoàn, người có công lao, danh vọng mà có tham gia của các bà. Trang phục cũng chỉ là áo dài trắng. Chiêng, trống, trắc cũng có phần hạn chế hơn.
Thi ngắm như hội ở đình làng
Vào những ngày cuối của Tuần Thánh, một vài giáo xứ hoặc giáo phận còn tổ chức thi ngắm, gọi là Ngắm nhân tài. Như thường lệ thì trong khi Ngắm nhân tài có giám khảo cầm trống bình phẩm. Nếu viên chức ngâm nga hay, giám khảo điểm trống khen thưởng. Nếu mắc các lỗi như không cúi đầu, không bái gối khi đọc Danh Thánh Chúa thì nhắc bằng cách gõ nhiều lần vào tang trống.
Sau buổi thi những người đoạt giải sẽ được xướng danh, thưởng tiền, gạo, mang về cho họ, cho con vui. Hình thức này giống như cuộc thi Hát Ả đào – Ca trù trong các phiên chầu tại đình làng ngày xưa mà Nguyễn Đôn Phục đã viết trong bài Khảo luận về Hát Ả đào:
“Cuộc thi Ả đào cũng là một cuộc vui chung trong xã hội, mà cũng là một cuộc cổ xúy về lòng danh dự, tiến ích về phần nghề nghiệp cho các Ả đào… Dân thì cử lấy một người đại biểu, đội mũ chầu, mặc áo chầu, lên cầm chầu. Người đại biểu thì nên kén lấy những người thông hiểu âm nhạc”.
Như vậy, trong một bầu khí nhuốm mầu bi lụy, xót thương – tưởng niệm Chúa Giê-su khổ nạn chuộc tội cho thiên hạ lại cho thấy một hình thức chuyển tải thật sinh động, sáng tạo nhưng không xa lạ với truyền thống, tâm lý, tính cách, đúng như cuộc sống con người Việt.
Dĩ nhiên, bên cạnh Ngắm 15 sự thương khó, trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh còn có các hoạt động khác nữa như Tháo đanh, Táng xác, Đọc đoạn, Than mồ tựa nghi thức Hèm, tái diễn lại thánh tích Thành Hoàng trong các làng xã Việt Nam.
TS NGUYỄN HIỀN ĐỨC
TS Nguyễn Hiền Đức hiện đang công tác tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Giảng viên Piano Jazz, Khoa Jazz. Công trình nghiên cứu tiêu biểu: Nhận diện Âm thanh Âm nhạc truyền thống Việt Nam (Viện Âm nhạc – 2004); Nghệ thuật Hát nói trong Ca trù (Viện Âm nhạc – 2014); Hệ thống khổ đàn, khổ phách, khổ trống trong Ca trù (Thông báo Khoa học Viện Âm nhạc, số 50, năm 2017); Đàn Hát thể Hát nói trong Ca trù (Thông báo khoa học Viện Âm nhạc số 51, năm 2017) |