Việc tốt, đừng bận tâm người ta nghĩ gì

Một việc làm tốt, dẫu đang lạc loài trong xã hội khủng hoảng chân lý, sĩ rởm đang là phong trào lên ngôi, thì khi sống bạn đừng bận tâm đến việc người ta nghĩ gì.

Kiểu ăn sĩ rởm của người Việt là hay để một chút thức ăn lại.

Có việc lên Sài Gòn. Việc xong tầm trưa, tớ alô bạn mời cơm trưa. Bạn bảo, tốt quá có hẹn hai người bạn nữa, mời cha ra quán…

Hai người kia đều là những bạn thân quen, từng chung chương trình thời đại học, tớ có sự ngưỡng mộ.

Bạn M. tớ nể như người mẹ vĩ đại. Ngoài bốn mươi tuổi mang thai ngoài ý muốn, lại đang chữa bệnh. Dẫu đã có con tuổi “bẻ gẫy sừng trâu”, vợ chồng bạn quyết định giữ thai, mặc dù ảnh hưởng nhiều đến việc chạy chữa.

Bây giờ baby hơn một tuổi, kháu khỉnh và là niềm tự hào của cha mẹ. Trên Facebook, M. còn tuyên bố baby chính là điểm tựa cho mẹ trong cuộc sống đầy thăng trầm, xô bồ.

Bạn L. thực sự là một trong những người có tâm có tài của lớp. Bạn từng làm truyền thông cho tập đoàn lớn, từng được các trường đại học mời về chia sẻ kinh nghiệm làm báo. Bạn mới hoàn thành một tác phẩm để đời viết về truyền thông, không chỉ có hàm lượng về tri thức mà còn sống động những trải nghiệm.

Tớ tự hào vì là một trong những người ít ỏi được bạn ký tặng sách đầu tiên. Được gặp những người bạn quý này, càng có động lực đến điểm hẹn.

Gọi bữa trưa, thấy các bạn gọi chung phần ăn giống nhau, tiện cho quán, tớ cũng kêu đồng món như các bạn.

Một lúc, có người lạ, dễ thương xuất hiện. Người bạn gốc Hà Nội giới thiệu bạn thân, thuộc hàng đại gia.

Người mới cũng kêu phần ăn như các bạn. Tớ ưu tiên phần ăn nhân viên quán mang ra cho người mới, còn phần bạn kêu sau, nhân viên lịch sự nói xin đợi tí. Tớ xin xí phần đợi.

Điều lạ, hầu hết các bạn ăn đều chừa phần thừa trên đĩa. Có lẽ theo phép lịch sự hay có lẽ đúng hơn sợ mập!

Tớ thì không quan tâm cái lịch sự kiểu sĩ rởm, ăn tự nhiên, chân tình và ăn sạch.

Tớ nhớ lại, bữa ăn sáng có Việt kiều. Việt kiều theo phong cách văn minh phương Tây, ăn chân tình, ăn hết phần của mình.

Còn những người “nội quốc” phần ăn còn nhiều, có người ăn cưỡi ngựa xem hoa, gần như còn nguyên mới. Tớ thấy có người trong bàn “chuỵt” môi, có người có cái nhìn khinh khỉnh với người Việt kiều.

Trong bàn, tớ là linh mục thuộc hàng thượng khách, khẩu phần ăn riêng khá nhiều. Bữa đấy tớ cũng ăn cho căng bụng.

Thực ra tớ muốn truyền thông điệp ngầm đến những người khác, nhất là những người đang có cái nhìn lệch lạc về người Việt kiều đáng kính: Bỏ đi cái kiểu ăn… sĩ rởm mà người Việt ta hay vướng mắc.

Trở về quán ăn trưa, thấy tớ ăn tự nhiên, ăn chân tình, mấy bạn thân hiểu nhau quá rồi thì không nói, riêng người đẹp nghĩ gì nhỉ?

Hỏi thế cho vui, chứ thực tớ chẳng quan tâm xem người ta nghĩ gì, dẫu có nghĩ xấu đi nữa.

LM ĐA MINH HƯƠNG QUẤT