Cách đây hơn 30 năm, chỉ vài tháng sau khi nhận nhiệm vụ quản xứ thay cho vị tiền nhiệm đã qua đời, Cha Giuse D. đã bổ sung vào Hội đồng Mục vụ vài thành viên tương đối trẻ. Ngài dần dần gợi ý để các vị “nguyên lão” từ nhiệm, trao lại công việc cho lớp người mới.
Câu chuyện “trẻ hóa” một thời
Cha Giuse D. Tâm sự: “Cuộc vận động cũng không ít nhiêu khê, bởi các cụ đã từng rất nhiều năm giữ vị thế, sáng tối mưa nắng thế nào cũng áo dài khăn đóng đến nhà thờ đọc kinh dâng lễ.
Sau lưng các cụ lại có rất đông con cháu và cả trăm gia đình có dây mơ rễ má vốn cùng một làng di cư cố cựu từ miền Bắc vào, vẫn coi mình là dân có công đầu sáng lập nên giáo xứ. Đáng nói hơn nữa, cụ nào cũng xấp xỉ 80 tuổi hoặc hơn thế.
Cha hoặc ông họ cũng là các bậc trưởng thượng từ nhiều năm. Công bằng mà nói, các cụ đã là nhân tố tích cực trong việc đoàn kết các thành phần trong giáo xứ, gìn giữ được truyền thống giữ đạo…”.
Bằng những bước đi khéo léo, Hội đồng Mục vụ này đã dần thay đổi bộ mặt. Ban đầu cha sở giữ lại vài ba cụ có tuổi nhưng còn khỏe mạnh, có uy tín trong cộng đoàn bởi có con là linh mục. Có cụ nguyên là giáo viên nên tương đối có trình độ.
Mấy người con của cụ cũng còn rất trẻ, hăng hái hoạt động phục vụ cộng đoàn trong nhiều công việc như ca trưởng, đánh đàn trong ca đoàn, huynh trưởng. Cha sở đã khéo léo “cấy” những người trẻ có năng lực, trình độ vào phụ tá cho các cụ. Một thời gian ngắn sau đó Hội đồng Mục vụ này đã có những thay đổi về chất cả đạo lẫn đời.
Theo ông Phanxicô Phạm Văn Điệp, nay đã gần 90 tuổi, lúc đó ông mới ngoài 50, nguyên là công chức tòng sự tại văn phòng một bộ tương đối có thế lực trước năm 1975. Nhà đông con nên cũng nhiều khó khăn, gia đình độ nhật bằng việc buôn bán lặt vặt ngay tại nhà. Ông thì làm thêm nghề sửa đồng hồ… Cha đến mời ông tham gia Hội đồng Mục vụ.
Ông từ chối mãi với lý do không phải dân cố cựu trong xứ, hơn nữa ít sốt sắng trong đời sống đạo. Cuối cùng, vì nể nang cha xứ, ông nhận lời vào làm với nhiệm vụ phó rồi tổng thư ký.
Cùng lúc với ông, có các ông trẻ hơn nữa, như ông H. mới hơn 30 tuổi, kỹ sư mới nhập xứ từ cuối năm 1978. Ông Q. gần 40, là tín đồ Tin Lành mới cải đạo. Đồng thời, cha sở còn mời một vài ông khác cũng lứa tuổi trên dưới 40 xuất thân từ dân làng cố cựu, có họ hàng gần xa với các cụ tiền bối trong Hội đồng Mục vụ trước.
Lớp trẻ cứ thế mà thay dần. Trước hết là sơ mi, cà vạt, hay complet gọn gàng, lịch thiệp thay vì áo dài đen, khăn đóng thậm thượt. Anh em đã cùng với cha sở canh tân lề lối làm việc, đóng góp nhiều ý kiến trong tổ chức sinh hoạt, xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện hoặc phát triển các đoàn thể trong giáo xứ.
Hầu hết lớp trẻ này vẫn được tín nhiệm. Có người đã liên tục hoạt động với các vai trò nhiệm vụ khác nhau từ phó, trưởng các giáo họ, thành viên ban thường vụ đến hơn 25 năm. Giờ đây, ở giáo xứ này có đến hơn phân nửa thành viên Hội đồng Mục vụ là người trẻ.
Người trẻ là cần, nhưng chưa đủ
Khoảng chục năm gần đây, việc bầu cử Hội đồng Mục vụ đã được hầu hết các giáo xứ tiến hành, không còn do cha sở chỉ định như trước nữa.
Tại không ít giáo xứ, ví dụ như ngay tại Tổng Giáo phận Sài Gòn, những người này tuy gọi là trẻ (chỉ vì ít tuổi, chỉ khoảng trên dưới 40), nhưng rất thụ động, chỉ ngồi đó trông chờ cha sở chỉ đâu đánh đấy.
Hầu hết những người trẻ có năng lực trình độ xã hội, chưa nói đến vấn đề đạo hạnh, thì còn lo bao nhiêu công việc và trách nhiệm với gia đình, xã hội, họ không còn có thời gian cho việc hàng xứ.
Hoặc họ đóng vai trò hình thức, lễ tân phục vụ vào các dịp lễ lạc, thậm chí giữ vai trò bảo vệ, gác cổng nhà thờ, nhà xứ, là người đốc công trong lúc cần xây dựng tu bổ cơ sở, là nhân viên văn thư giúp cha sở một vài thủ tục hành chính khi giáo dân cần…
Nhiều cha sở thừa nhận, Hội đồng Mục vụ có được mấy ông trùm trẻ như vậy đã là quí hóa lắm. Thực tế rất khó tìm được những người trẻ có năng lực, trình độ để cộng tác với cha sở trong các hoạt động mang tính chiều sâu như sống đạo, truyền đạo giữa cộng đoàn và bà con lương dân sống chung quanh mình.
Hầu hết những người trẻ có năng lực trình độ xã hội, chưa nói đến vấn đề đạo hạnh, thì còn lo bao nhiêu công việc và trách nhiệm với gia đình, xã hội, họ không còn có thời gian cho việc hàng xứ.
Đào tạo và quan tâm đúng mức với người trẻ
Giáo luật hiện hành đã có quy định đầy đủ,cụ thể về vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐMV hay còn gọi là Hội đồng Giáo xứ.
Tại Việt Nam, các vị trùm, trưởng, chức sắc trong Hội đồng Mục vụ phần lớn được cha sở tin yêu, cộng đoàn quí trọng. Các vị thường được xếp đặt vị trí trang trọng trong nhà thờ, tiệc tùng cũng mâm trên cỗ đầy, của ngon vật lạ cũng ưu tiên, cha sở luôn giành những ưu tiên mỗi dịp hiếu hỷ, cưới xin, tang chế cho gia đình quí chức.
Hơn 45 năm trước, quy chế Hội đồng Mục vụ của một địa phận thuộc loại đông giáo dân nhất nhì miền Nam lúc đó, còn quy định rất cụ thể: Chánh, phó trương qua đời được treo mấy lá cờ tang, trống chiêng báo tử thế nào… Nên đã ít nhiều gây nên một cuộc đua ngấm ngầm hoặc công khai để giành, thậm chí mua phiếu bầu chức tước.
Vấn đề đào tạo đội ngũ thành viên Hội đồng Mục vụ chỉ mới được quan tâm khoảng trên dưới chục năm gần đây, với các khóa thường huấn, mỗi năm vài ba buổi, do giáo phận tổ chức. Chúng ta có thể làm được gì để huy động lớp trẻ sẵn sàng vào phục vụ Hội Thánh ngay tại các giáo đoàn địa phương? Trẻ không chỉ là ít tuổi đời, mà trẻ trong nhận thức, kiến thức, ý thức vai trò của mình trong Hội đồng Mục vụ.
Hoa Kỳ: Muốn ứng cử Hội đồng Mục vụ phải có chứng chỉ hành nghề Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Hoa Kỳ và các nước châu Âu, Hội đồng Mục vụ rất được quan tâm, nhất là trong việc đào tạo. Mặc dù cũng phải thông qua các cuộc bầu cử với các giai đoạn ứng cử, đề cử, tranh cử và bầu phiếu, nhưng để có thể tham gia vào tiến trình này phải là những người có chứng chỉ hành nghề do một tổ chức chính thức của Giáo hội, có thể là một chủng viện, học viện cấp sau một khóa học chính quy. Khóa học này tương đối dài hạn, với nhiều trang bị cần thiết về giáo lý, giáo luật, tâm lý, giao tiếp xã hội, kế toán tài chính. Khi được bầu vào làm thành viên Hội đồng Mục vụ, họ được trả lương, tất nhiên là một khoản tượng trưng khoảng 700-800 USD/tháng lấy từ nguồn quĩ của giáo xứ cũng do Hội đồng Mục vụ mà cụ thể là Hội đồng Kinh tế của giáo xứ quản lý chi trả công khai, minh bạch. |
PHẠM HÙNG NGHỊ