Đức Giáo hoàng Phanxicô rất đề cao việc cầu nguyện. Hơn thế nữa, qua những bài giảng thuyết, gặp gỡ đối thoại với các chức sắc tôn giáo cũng như các thành phần dân Chúa, Ngài luôn đưa ra những quan niệm hiện đại mà gần gũi, những phương cách đơn sơ mà sâu sắc để hướng dẫn việc cầu nguyện.
“Khi gặp căng thẳng, tôi ghi chú lại và gửi đến thánh Giuse”
Để giải quyết căng thẳng, Đức Giáo hoàng Phanxicô thường viết những khó khăn của mình ra giấy rồi đặt dưới bức tượng thánh Giuse trong phòng như gửi thư đến thánh cả.
Trong một buổi nói chuyện với các chức sắc tôn giáo cao cấp, trả lời câu hỏi Ngài giữ được cảm giác bình an bằng cách nào, Đức Giáo hoàng Phanxicô đùa rằng chính kinh nguyện đã giúp Ngài có cảm giác bình an chứ không phải thuốc an thần.
Than phiền với Chúa cũng là cầu nguyện
Theo Đức Giáo hoàng Phanxicô, Abraham đã than phiền với Chúa trong lúc nghi ngờ và sợ hãi. Đó không phải là điều xấu nhưng thật ra là một hình thức cầu nguyện, đòi hỏi lòng can đảm để vượt qua mọi hy vọng.
Ngài nói: “Tôi không cho là Abraham mất kiên nhẫn nhưng ông than phiền với Chúa. Chúng ta học được từ tổ phụ Abraham rằng than phiền với Chúa là một hình thức cầu nguyện”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô chia sẻ: “Để tin, cần phải học cách nhìn với con mắt đức tin; tất cả chúng ta nhìn lên trời và chỉ thấy các vì sao nhưng với Abraham, chúng là dấu hiệu của niềm tin và Thượng đế… Hy vọng thì sẽ không bao giờ thất vọng”.
Cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha
Chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa quyền năng. Điều đó có vẻ lý thuyết, vì chúng ta dễ nghĩ Chúa ở quá xa và cách biệt.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đặt vấn đề: “Chúng ta có một người cha rất gần gũi, Người ôm lấy chúng ta… Bạn phải cầu nguyện với Cha. Bạn phải cầu nguyện với người đã tác thành nên bạn, cho bạn cuộc sống”.
Nhưng để cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha, chúng ta cần nhớ điều kiện mà Đức Giáo hoàng Phanxicô chỉ ra: “Nếu tôi không giữ hòa bình với anh em tôi thì không thể gọi Chúa là Cha”.
Ngài dạy chúng ta không thể cầu nguyện chân thành với Chúa và gọi Chúa là “Cha chúng con” khi vẫn còn giận dữ và hận thù tha nhân.
Cầu nguyện với năm ngón tay
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra một cách cầu nguyện đơn giản nhất mà ngay đến trẻ em cũng có thể dễ dàng theo. Đó là quy tắc sử dụng bàn tay năm ngón, bắt đầu từ ngón cái để cầu nguyện theo ý chỉ với thứ tự sau đây:
1. Ngón cái gần ta nhất. Vậy hãy bắt đầu cầu nguyện cho những ai gần chúng ta nhất. Họ là những người thân yêu mà chúng ta thường nhớ đến trước tiên. Cầu nguyện cho những người thân yêu là một “nghĩa vụ đáng yêu”.
2. Ngón tay thứ hai là ngón trỏ. Hãy cầu nguyện cho những ai đã dạy dỗ, chỉ dẫn và chữa lành bạn. Họ cần sự hỗ trợ và khôn ngoan để hướng dẫn người khác. Trong lời kinh của bạn phải luôn có họ.
3. Ngón giữa dài nhất. Nó nhắc chúng ta nhớ đến các nhà lãnh đạo, chính quyền và những người có quyền lực. Họ cần sự hướng dẫn của Chúa.
4. Ngón thứ tư là ngón đeo nhẫn. Đây là ngón tay yếu nhất. Nó nhắc chúng ta cầu nguyện cho những kẻ yếu nhất, bệnh nhân, những ai đang phải gánh nặng khó khăn. Họ cần lời cầu nguyện của chúng ta.
5. Cuối cùng là ngón tay nhỏ nhất. Ngón út nhắc ta cầu nguyện cho chính mình. Sau khi đã cầu nguyện cho bốn nhóm kia, bạn sẽ thấy nhu cầu của chính mình và bạn sẽ có thể cầu nguyện cho mình cách tốt hơn.
Từ kinh Lạy Cha do Chúa Giêsu truyền dạy, các đời Giáo hoàng đều soạn thảo những kinh khác nhau tùy nhu cầu để tín hữu cầu nguyện. Có vị chỉ soạn một kinh như các giáo hoàng Phanxicô I, Phaolô IV, Pio XI. Cũng có vị để lại rất nhiều kinh như Đức Gioan Phaolô II (32 kinh), Đức Leo XIII (21 kinh), Đức Pio XII (20 kinh). Điều đó cho thấy các Giáo hoàng đều coi trọng việc cầu nguyện.
ĐOÀN LÊ