Giảng là việc quan trọng gắn liền với ơn gọi và chức vụ của linh mục. Giảng cho người thời nay là một vấn đề quan trọng và rộng lớn, không có khuôn mẫu nào giải quyết được mà chỉ có ơn Chúa soi sáng, thúc đẩy và sự cố gắng bằng nhiều cách của người có nhiệm vụ phải rao giảng lời Chúa.
Người giảng phải trau dồi tư tưởng
Ai cũng biết rằng giảng thì phải nói năng lưu loát, không ngập ngừng đứt quãng, dùng lời lẽ đơn sơ dễ hiểu, làm các cử chỉ vừa đủ và thích hợp, cung giọng dễ nghe, không quá cao quá thấp, không quá to quá nhỏ, không quá dài, đi từ lời Chúa vào đời sống hay từ đời sống tới Lời Chúa.
Bao lâu người giảng cũng như người nghe chưa cố gắng khắc phục và san bằng những khó khăn và trở ngại đó thì con đường tiếp xúc với Chúa qua lời giảng vẫn chưa được khai thông.
Muốn giảng chất lượng thì phải học. Nhưng có linh mục nào không học trước khi giảng đâu! Có điều việc học trước khi chịu chức với việc học sau khi chịu chức khác nhau.
Giảng là vấn đề khó. Muốn tạo được sự thông cảm giữa người giảng và người nghe, thiết tưởng hai bên phải kiên trì tin tưởng ở sức mạnh của lời Chúa, bằng lòng chấp nhận cái vẻ bên ngoài có vẻ khô khan, khó hiểu, đồng thời đặt mình trong tình trạng đón nhận và để cho lời Chúa hoạt động nơi mình.
Ngoài ra, người giảng cũng phải cố gắng trau dồi tư tưởng, lựa chọn ngôn ngữ cho thích hợp với từng cử tọa theo mỗi thời, mỗi nơi và người nghe cũng phải tỏ ra sẵn sàng, ham thích lắng nghe.
Nhưng dù sao thì kết quả của lời giảng vẫn là do ơn Chúa cộng với công sức làm việc của người giảng và sự chăm chú đón nhận của người nghe.
Thiếu những thứ đó thì lời giảng cũng khó sinh hoa kết quả được.
“Giảng mà không soạn bài là không lương thiện”
Giảng là từ dịch từ chữ homelia trong tiếng Latin. Chữ này lại phát xuất từ chữ homilein trong tiếng Hy Lạp. Homilein có nghĩa là sánh vai đàm đạo. Hai người sánh bước bên nhau nói chuyện thân tình. Đó là homilein.
Nhưng khi đưa vào giảng dụ thì hơi khác một chút. Khác ở chỗ thân tình không kiểu cách nhưng không phải là bất cứ chuyện gì, mà là chuyện những bài Sách Thánh đọc trong thánh lễ. Bởi vậy cung cách của bài giảng dụ là nội dung lời Chúa được nói ra một cách đơn sơ thân tình, dễ nghe dễ hiểu.
Do đó, giảng dụ không phải là một bài thuyết trình dài hơi, một bài chú giải Kinh Thánh, một bài diễn thuyết hùng hồn, uyên bác. Đó là một bài nói chuyện vắn giữa những người thân. Người thân ở đây là những người con Chúa, những người đồng đạo. Bài này nên vắn và gọn.
Vắn để thu hút sự chú ý của người nghe và làm cho người ta đỡ mệt. Vắn nhưng phải đủ để có thể bao quát được những điều muốn nói. Không nên nói nhiều ở đây mà chỉ nói những điều phải nói cách vắn tắt và đầy đủ về những điều đã rút ra từ các bài sách thánh. Không cần phải rút nhiều mà chỉ cần một vài điều đã được chọn lựa kỹ lưỡng.
“Bài giảng phải được múc lấy từ nguồn Kinh Thánh và phụng vụ, vì là rao truyền các việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ hay mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Mầu nhiệm này càng hiện diện và tác động mạnh trong chúng ta” (Hiến chế Phụng vụ số 35, 2).
Gần đây cung cách và khuôn mẫu giảng đã được trình bày rõ ràng trong tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô chương III, từ số 111-175, đặc biệt từ số 135-144 về tầm quan trọng của bài giảng dụ trong thánh lễ.
Bài này phải vắn và không giống bài thuyết trình hay diễn thuyết như đã nói ở trên, lại phải được chuẩn bị kỹ lưỡng bằng việc học hành, cầu nguyện, suy nghĩ và sáng tạo mang tính mục vụ, vì đó là một nhiệm vụ rất quan trọng của linh mục.
Đời sống giảng thuyết là một thực hành, một lối sống và là một con đường trở nên người tông đồ. Đó là sự dấn thân trọn vẹn không có bất cứ con đường giản đơn nào để học, để thực hành hay trở thành chuyên gia giảng thuyết.
LM GREGORY HEILLE (Việc giảng thuyết của Đức Phan-xi-cô)
“Bài giảng mục vụ chiếm chỗ quan trọng trong thừa tác vụ lời Chúa; nó phải được nuôi dưỡng lành mạnh và gia tăng sinh lực cách thánh thiện nhờ lời Thánh Kinh” (Hiến chương Mạc Khải số 24 và 25).
Đức Phan-xi-cô cho rằng một linh mục giảng mà không soạn bài là người không có chiều kích tâm linh, không lương thiện và vô trách nhiệm đối với những ơn ban đã nhận được.
Đức Giáo hoàng đã phải lên tiếng cảnh báo và đề ra những cách thế giải quyết trong tông huấn Niềm vui của Tin mừng. Bản thân ngài là một nhà giảng thuyết tài ba, mẫu mực, đáng làm gương cho mọi người noi theo.
Giảng cho người thời nay không dễ dàng và đơn giản vì những khó khăn và trở ngại về phía người nghe cũng như người giảng. Vì thế, người giảng là các linh mục cần chịu khó đầu tư thời giờ và công sức, để lo cho bài giảng được soạn thảo và trình bày theo đúng cung cách và chuẩn mực như Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã đề ra và làm gương.
Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô là nhà giảng thuyết tài ba, mẫu mực
Hầu như mỗi ngày, Đức Phan-xi-cô chủ lễ và giảng trong các thánh lễ tại nhà nguyện khoảng 50 chỗ ở nhà trọ thánh Mát-ta (Vatican), nơi mà ngay từ đầu ngài đã cư trú. Bài giảng tự phát của ngài thường ngắn gọn, bám sát Kinh Thánh vào ngày lễ cũng như chu kỳ phụng vụ, đồng thời được gắn với hình ảnh và ẩn dụ liên quan đến đức tin và các sự kiện hiện tại. Các bài giảng không cầu kỳ, dễ hiểu và thường mang tính ngôn sứ. Và thật thú vị, khi những bản tóm tắt bài giảng hằng ngày được Vatican đưa lên mạng và được nhiều giám mục, giáo sĩ cũng như giáo dân theo dõi sát