Đưa âm nhạc cảm hoá trẻ bụi đời

Những bàn tay đã từng đua xe, từng trộm cắp, từng đánh nhau... nay đã biết bấm những phím đàn, dùng âm nhạc để ca ngợi Thiên Chúa.

Trung tâm dạy nghề Đông Thuận (Don Bosco Mỹ Thuận) thuộc Dòng Don Bosco nằm trên quốc lộ 80, gần cầu Mỹ Thuận hướng đi về Sa Đéc. Nơi đây quy tụ phần lớn học viên là các em đã bỏ học, nghiện game, mất căn bản trong học tập, chưa có định hướng rõ ràng trong cuộc sống.

Đa phần các em xuất thân từ những gia đình nghèo. Một số em là người dân tộc thiểu số. Một số em là trẻ mồ côi, trẻ bụi đời.

Với thành phần phức tạp như vậy, phần dạy nghề nhiều khi lại không khó khăn bằng giáo dục nhân cách cho các em. Tuy nhiên, với việc đưa âm nhạc vào giảng dạy, các cha và các thầy ở đây đã dần cảm hóa được những trái tim một thời chai lỳ.

Mỗi sáng Chúa nhật, các em được chia ra thành từng tốp để học nhạc, hòa tấu. Trong ảnh: Cha Giám đốc Tôma Vũ Kim Long chỉ huy hòa tấu. Ảnh: TP

Lựa chọn tự nguyện theo niềm đam mê

Mục tiêu đào tạo của trung tâm nhắm tới việc phát triển toàn diện con người: Xây dựng một môi trường tốt giúp học viên trở nên một Kitô hữu tốt lành và một công dân lương thiện. Vì vậy ngay từ những năm học trước, Ban Giám đốc trung tâm đã quyết định xây dựng một môi trường âm nhạc dành cho các học viên.

Một chương trình sinh hoạt âm nhạc được thiết kế với nhiều nhạc cụ: Hai dàn trống Jazz, 12 trống Cajon, 50 cây sáo trúc, 20 cây tiêu bát khổng, 50 cây Soprano Recorder, 15 cây Tin Whistle mang về từ đất nước Ireland, một ban kèn đồng với 40 nhạc cụ các loại. Mỗi học viên được học một loại nhạc cụ. Trước khi tham gia vào lớp nhạc này, hầu hết các em chưa biết đến thế giới âm nhạc.

Học viên tại trung tâm được học song song hai chương trình: Buổi sáng học nghề và buổi chiều học văn hóa. Sau khi học nghề, các em tập trung về các lớp năng khiếu để học nhạc và chơi các loại nhạc cụ. Chương trình học nhạc diễn ra từ thứ Hai đến thứ Sáu. Việc học nhạc đi từ dễ đến khó, đi từ đơn giản đến phức tạp.

Việc học lý thuyết được lồng ghép vào thực hành và được học thông qua thực hành. Việc học lý thuyết nhằm giúp học sinh hiểu nhạc lý, khi thực hành sẽ chính xác và hiệu quả hơn. Cuối mỗi tháng, các lớp nhạc cùng nhau hòa tấu chung một bài.

Việc học nhạc dựa trên sự tự nguyện tham gia và dựa trên sự chọn lựa, niềm đam mê của các thành viên. Các lớp nhạc hoạt động dựa trên sự khích lệ, động viên và hướng dẫn chung cũng như quan tâm và hướng dẫn từng cá nhân với phương châm: Khai mở và phát huy khả năng tiềm ẩn nơi các em và không để bất cứ học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Các lớp nhạc có danh sách các thành viên nhưng chưa một lần điểm danh vì hoạt động dựa trên sự tự nguyện và niềm đam mê của mỗi thành viên.

Trường học thiếu âm nhạc như xác không hồn

Khi nói: “Một trường học mà thiếu vắng âm nhạc thì giống như một cái xác không hồn” , Don Bosco cho thấy giá trị không thể thay thế của âm nhạc trong cuộc sống, khả năng trị liệu, chữa lành và tính giáo dục của âm nhạc.

Thật vậy, khi hòa tấu, các em nhận ra mình chỉ là thành phần của một tổ chức lớn hơn, nên các em từng bước học biết lắng nghe tuyến bè khác, giữ đúng nhịp phách và chỉ tấu lên bè được qui định cho mình. Khi biểu diễn âm nhạc, các em nhận ra sự hòa điệu phong phú giữa các âm sắc khác nhau. Điều này giúp các em biết đón nhận sự khác biệt nơi người khác với giá trị bổ sung hơn là xung đột.

Các học viên Don Bosco Mỹ Thuận hoà tấu mừng lễ Giáng sinh. Ảnh: TP

Những bàn tay đã từng đua xe, từng chơi game thâu đêm suốt sáng, từng đánh đấm người khác, từng trộm cắp, thì nay cũng chính những bàn tay ấy đã chơi trống cajon, đã biết rải những nốt nhạc trên bàn phím. Những miệng lưỡi đã từng nói dối lừa gian, từng nói tục chửi thề, từng nguyền rủa người khác, thì nay những miệng lưỡi ấy đã cất lên tiếng sáo du dương để chúc tụng Thiên Chúa Giáng Sinh làm người và đem niềm vui đến cho tha nhân.

Vào dịp Noel, mọi người tại Don Bosco Mỹ Thuận cảm thấy ấm áp hơn, an lành hơn vì sự nỗ lực từ Ban Giám đốc cho đến các học viên. Dịp Tết Nguyên đán, các học viên mang theo nhạc cụ, giáo trình về ăn Tết. Thật là bất ngờ cho cha mẹ và những người thân, khi thấy con em mình có thể đem lại niềm vui cho bản thân và những người xung quanh bằng khả năng âm nhạc.

Trung tâm cũng đang phấn đấu để 100% các học viên đều có khả năng chơi được một hoặc vài loại nhạc cụ.

Âm nhạc làm con người thông minh hơn

Ngày nay, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Giáo dục âm nhạc giúp con người thông minh hơn. Khi nhìn lại lịch sử, chúng ta nhận ra những nhà khoa học vĩ đại như Thomas Edison, Albert Einstein, Robert Oppenheimer và Stephen Hawkins đều là những nhạc công. Họ đều có khả năng chơi xuất sắc một hoặc nhiều loại nhạc cụ.

Một trường học mà thiếu vắng âm nhạc thì giống như một cái xác không hồn

Don Bosco

Giáo dục âm nhạc không chỉ là đào tạo nhạc công mà là đào tạo con người. Những hoạt động âm nhạc giúp trẻ vừa rèn luyện những kỹ năng, vừa học cách tương tác tích cực với những người khác trong xã hội.

Những kỹ sư có tay nghề cao nhất và những nhà thiết kế kỹ thuật tài giỏi nhất làm việc tại thung lũng Silicon đều là những nhạc công. Họ đều tập luyện âm nhạc và chơi được một hoặc vài loại nhạc cụ. Điều này gần như không có ngoại lệ.

Theo lý thuyết trí thông minh đa thành phần của Tiến sĩ Howard Gardner, ngoài tác dụng là một môn nghệ thuật để thưởng thức, thì âm nhạc còn có nhiều tác dụng khác như: tác dụng trị liệu (music therapy), giúp ổn định tâm lý, cảm xúc…

Bên cạnh đó, âm nhạc có tác dụng kích thích trí tưởng tượng, thúc đẩy sự phát triển của hệ thần kinh và giúp trẻ thông minh hơn. Môi trường âm nhạc còn giúp học sinh đạt được thành tích tốt hơn trong học tập, điều chỉnh hành vi và góp phần làm gia tăng mối tương quan giữa các loại trí thông minh.

Nhiều hoạt động bổ ích sau giờ học
Trung tâm dạy nghề tư thục Đông Thuận được các linh mục, tu sĩ dòng Don Bosco xây dựng trên diện tích 27 ha. Ngoài khối phòng học lý thuyết, 3 xưởng thực hành nghề cơ khí chế tạo, điện dân dụng, may mặc, sửa xe gắn máy và tin học văn phòng, Trung tâm còn bố trí cả chỗ ăn nghỉ, vui chơi sinh hoạt cho học viên.
Mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận các thanh niên trong và ngoài tỉnh đến học. Trong đó, đối tượng chủ yếu là thanh niên đã bỏ học, thanh niên nghèo, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Trung tâm có nơi cho học viên ở trọ miễn phí trong suốt thời gian học nghề. Sau giờ học nghề, Trung tâm còn tổ chức nhiều hoạt động để học viên thư giãn, như học đàn, giao lưu văn nghệ, chơi thể thao, qua đó giúp các bạn trẻ phát triển năng khiếu, rèn luyện thể chất.

THIÊN PHONG, SDB

>> Thầy Đại Chủng sinh viết vọng cổ cho Lời Chúa