Tổng thu và chi lên tới cả chục tỉ đồng. Trong đó, ngoài khoản tiền lễ được ghi vắn tắt, không chi tiết kèm theo lời giải thích là thực hiện đúng với quyết định của Hội đồng Linh mục giáo phận với sổ sách đầy đủ được báo cáo với Tòa Giám mục.
Các khoản thu khác như tiền thau, tiền dâng cúng đóng góp cho các công trình, tiền do cha xứ đóng góp bằng tiền cá nhân… được liệt kê chi tiết. Các khoản chi cũng công khai cụ thể cho từng việc. Phần chênh lệch, còn thiếu, giáo xứ vay mượn của ai, thiếu các nhà cung cấp nào cũng được ghi rõ ràng địa chỉ và lý do.
Tôi đã hơi bị choáng khi nhìn những con số của nguồn thu. Riêng tiền thau hơn 3 tỉ đồng, các khoản đóng góp tự nguyện của giáo hữu hơn 10 tỉ đồng, cha xứ đóng góp trên 2 tỉ đồng.
Đây là một giáo xứ có thể nói là vùng quê, đa phần giáo hữu sống bằng chăn nuôi, dịch vụ mua bán nhờ có một mặt tiền Quốc lộ 1. Tiếp cận với một số người, không phải là chức sắc trong xứ đạo, họ giải thích sở dĩ cha xứ đã thực hiện được điều tốt đẹp này vì tất cả được công khai, minh bạch.
Tiền thau cũng được công bố. Mọi công trình xây dựng, trùng tu cơ sở vật chất chủ yếu là phục vụ thiết thực nhu cầu của cộng đoàn được thông báo và giải thích kỹ. Các khoản đóng góp được thông báo công khai, rộng rãi cho toàn giáo xứ biết chỉ chậm nhất sau một ngày.
Trong cùng thời điểm, tại một giáo xứ khác ngay tại một quận trung tâm Sài Gòn lại có chuyện lùm xùm về tiền bạc. Cha sở mới về nhậm chức khoảng một năm trở lại, đúng vào lúc chính quyền quận tiến hành đền bù giải tỏa một nghĩa trang.
Nghĩa trang này gọi là của giáo xứ nhưng thực chất do một số giáo hữu đóng góp để tự lập dưới thời các cha xứ tiền nhiệm. Tài sản này không được bàn giao trên giấy tờ, sổ sách giữa các cha tiền nhiệm và ngay cả với cha đương nhiệm.
Số tiền đền bù đã được thỏa thuận giữa người đại diện sáng lập và cơ quan hữu trách có thẩm quyền lên tới hơn 10 tỉ đồng. Nhưng rồi với nhiều động thái, cha sở muốn số tiền này phải được cha cùng hội đồng giáo xứ tiếp nhận và muốn dùng cho mục đích khác như nâng cấp nhà thờ, nhà xứ hoặc cất phòng hài cốt. Thậm chí ngay trong thánh lễ mùng 1 Tết, trong bài giảng, cha sở hỏi ý kiến: “Ai không đồng ý thì đưa tay”. Tất nhiên chẳng ai đưa tay. Thế là cha coi như đồng ý.
Vấn đề đặt ra ở đây là những ai có quyền quyết định chuyện này? Đó là những người đã đóng tiền cho ban sáng lập mua đất, làm các thủ tục trả tiền, nhận đất và xây dựng nghĩa trang trước đây chứ không phải là những người đi lễ hôm đó.
Người giáo dân Việt Nam luôn có một truyền thống yêu mến, hết lòng vì Giáo hội. Tấm lòng của họ luôn rộng mở, dành những điều tốt đẹp cho xứ đạo của mình mặc dù có thể cuộc sống còn nhiều khó khăn. Do vậy, khi công khai, minh bạch tài chính của giáo xứ thì họ biết rõ đồng tiền của họ đóng góp đã được sử dụng ra sao. Cách làm đó đã thực sự mang lại niềm tin cho mọi người. Như vậy không ai còn e ngại giữ chặt hầu bao nữa.
THẠCH PHÙNG