Chết, một từ rất quen thuộc. Trong tiếng Anh đó là die, to die. Tiếng Anh cũng có những động từ khác có nghĩa là chết như: to expire, pass away, rest in peace, depart this life, breath your last, go to meet your maker, fall asleep…
Trong tiếng Việt, người ta thường dùng rất nhiều cách để diễn tả trạng thái chết. Những từ ngữ thông thường người ta hay nói đó là: Qua đời, từ trần, ly trần, lâm tử, tắt thở, thác, hy sinh, bỏ mình, tử vong, lìa bỏ mạng sống, nhắm mắt xuôi tay, trút hơi thở cuối cùng, giã từ cõi thế, ra đi lần cuối, an nghỉ vĩnh viễn, ngủ giấc ngàn thu, về bên kia thế giới, quy tiên, về với ông bà tổ tiên, về chầu Diêm Vương, về nơi chín suối, xuống mồ, trở về cát bụi, ra nghĩa trang… Tín đồ Phật giáo gọi chết là viên tịch. Dùng cho nhà vua hay những nhân vật đặc biệt, chết được gọi là băng hà.
Đối với người Công giáo, chúng ta vẫn nói: Về với Chúa, về chầu Chúa, đi về nhà Cha trên trời, đi về Trời Mới Đất Mới, ra trước Thiên Nhan, đến trình diện Chúa, bước vào cõi phúc, về chốn an nghỉ ngàn thu, về cõi vĩnh hằng, về thiên đàng hay về miền đất hứa…
Bước vào tháng 11, tháng cầu cho các linh hồn, chúng ta cũng nghĩ đến ngày chính chúng ta nhắm mắt lìa đời. Ngày ấy chính là ngày con mắt chúng ta được mở ra để nhìn thấy tường tận vinh quang và lòng xót thương của Thiên Chúa.
Ngoài ra, có một chữ mà ông bà tổ tiên chúng ta thường dùng, tuy cổ nhưng rất ý nghĩa, đó là chữ sinh thì để diễn tả sự chết hay trạng thái chết. Sinh thì có nghĩa là giờ sinh. Nhưng sinh thì cũng được dùng như một động từ, như khi người ta nói: Bà ấy mới sinh thì nghĩa là bà ấy mới chết.
Đặc biệt khi nói: Chúa Giê-su sinh thì trên thánh giá nghĩa là Chúa Giê-su tắt thở để ban Thần Khí Sự Sống cho Giáo hội, Người chết đi để nhân loại có được sự sống mới.
Khi dùng chữ sinh thì để nói về chết, người Ki-tô hữu đã tuyên xưng một chân lý của niềm tin Ki-tô giáo: Chết là giờ phút họ được sinh vào cuộc sống mới, được bước vào một cuộc sống hoàn toàn mới, một cuộc sống khác với cuộc sống ở đời này.
Trên những tấm thiệp báo tử hay trên những mộ bia người chết, có những người cũng muốn tuyên xưng niềm tin như thế, khi cho ghi hàng chữ: Mr. X born in this life… and born in eternal life… (Ông X. sinh vào đời ngày… và sinh vào cuộc sống đời đời ngày…). Chính thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng cũng đã nói lên niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu bên kia cái chết, khi chị tươi cười nói với những người ở xung quanh giường bệnh của chị lúc hấp hối: Tôi không chết nhưng tôi đang tiến vào cõi sống.
Giờ chết là sinh thì là giờ được sinh ra. Điều này cũng rất đúng với cách thực hành của Giáo hội Công giáo, khi kính nhớ các vị thánh vào ngày các ngài từ trần và gọi ngày ấy là ngày “sinh nhật trên trời” của các ngài.
Mỗi năm hay từng giai đoạn, khi người tín hữu đang sống làm giỗ cho người thân đã qua đời. Tuy không khỏi bùi ngùi thương nhớ nhưng chúng ta cũng đầy niềm hân hoan phấn khởi khi cho người khác thấy rằng chúng ta muốn mừng ngày người thân của chúng ta được “sinh vào Nước Trời” hay chúng ta “mừng sinh nhật trên trời” của họ.
Nhiều nơi, người ta gọi nhau khi còn sống bằng tên thánh. Điều này không phổ thông lắm, cách riêng đối với người Việt Nam. Thế nhưng đối với mọi người Công giáo, ngay khi họ vừa qua đời, đặc biệt trong nghi thức cầu nguyện cho người quá cố hay trong thánh lễ an táng, vị chủ sự và những người còn sống gọi họ bằng tên thánh. Thí dụ như ông Giuse, bà Anna…
Qua cách thực hành này, Giáo hội muốn tuyên xưng mầu nhiệm hiệp thông giữa các thánh. Nghĩa là có sự thông hiệp giữa những Ki-tô hữu còn đang sống trên trần gian và những người đã qua đời, dù họ đang được hạnh phúc trên thiên đàng hay họ còn ở trong nơi thanh luyện.
Giáo hội cũng xác tín vào sự sống đời sau và tuyên xưng trong “bản Tuyên xưng Đức tin” mà chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính: Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.
LM VINH SƠN NGUYÊN HOÀ, SSS