Nhìn khuôn mặt còn rất trẻ, ít ai nghĩ nghệ nhân Hồ Vương đã được cha sở tin tưởng giao cho việc thực hiện dự án to lớn của nhà thờ Chính tòa Phú Cường. Mà đây lại là công trình đầu tay với sự nghiệp tranh kính màu tôn giáo của Vương. Đó là lý do tôi tò mò và quyết định tìm đến anh khi được nghe nhiều lời giới thiệu qua các cha sở đã làm việc với anh.
Vẽ lại nhiều dự án mới ra thần thái
Bên trong giáo đường rộng mênh mông của nhà thờ Chính tòa Phú Cường mới xây dựng ở Bình Dương, ở tầng trên hai bên cung thánh là hai bức tranh kính màu rộng tới cả trăm mét vuông đối diện nhau. Một bức là Đức Mẹ La Vang, một bức là 117 thánh tử đạo Việt Nam. Hai bên mỗi bức là hai bức tranh kính thể hiện hai vị thánh sử được thực hiện theo ý tưởng của đức cha Phê-rô Trần Đình Tứ…
“Đây là hạng mục sau cùng, mới thực hiện gần đây và dù thiết kế đã lên toàn bộ nhưng vì yêu cầu về tiêu chuẩn mà mỗi bộ tranh cần khá nhiều thời gian, cuối năm nay mới hoàn thiện” – nghệ nhân Hồ Vương nói.
Khi tôi hỏi cơ may nào dẫn Vương đến công trình lớn về quy mô lẫn danh tiếng ở nhà thờ Phú Cường, Vương nói đơn giản: “ Tín ngưỡng nào thì theo em nghĩ cũng một chữ duyên (cười)”.
Đúng thật là cơ duyên tự tìm đến, vì khi nhà thờ Phú Cường tìm hiểu trong số ít ỏi công ty kính màu trong nước thì có Vương trong đó. Do sự am hiểu về kính màu của đức cha Phê-rô Trần Đình Tứ và các cha phụ trách, nên dù đã có nhiều công ty tự giới thiệu trước, nhưng sau buổi “sát hạch” nghe Vương nói về tranh kính màu nhà thờ, đức cha và các cha đã tin tưởng và giao phó.
“Tranh kính liên quan đến các điển tích Công giáo, thể hiện hình ảnh, chân dung của Chúa, các thánh… không chỉ đẹp mà còn có hồn nữa. Điều đó không hề đơn giản chút nào”.
Nghệ nhân Hồ Vương
Khi vẽ chân dung Đức Mẹ La Vang, bản phác thảo chì là một công đoạn mà cả nhóm họa sĩ phải tập trung lại vẽ và chọn lựa phác thảo chân dung hoàn hảo nhất, đạt được sự “cảm” của rất nhiều giáo dân được nhóm trưng cầu ý kiến.
Tranh hoàn thành dựng lên nhìn rất đẹp nhưng sau đó Vương phát hiện ra chân dung Đức Mẹ nếu nhìn thẳng chính diện thì đẹp, không vấn đề gì nhưng khi đưa lên cao phần mắt nhìn không ổn, mất đi thần thái của Đức Mẹ. Vậy là Vương quyết tâm vẽ lại chân dung Đức Mẹ đến năm lần. Lần cuối cùng với hai ấm kính chân dung tốt nhất mang lên ráp sơ bộ, so sánh và chọn một để hoàn thiện và nhận được phản hồi tốt từ các cha cùng giáo dân.
Một lần phục chế bằng ba lần làm mới
Nhà thờ Huyện Sỹ có khá nhiều tranh kính màu đẹp bị vỡ, một phần do thời gian, trong chiến tranh mảnh bom đạn đã làm hỏng khá nhiều ô cửa, cha chánh xứ Chợ Đũi – nhà thờ Huyện Sỹ Ernest Nguyễn Văn Hưởng đã có ý định phục chế lại phần bị vỡ nhưng vẫn chưa tìm được người phù hợp. Vương đánh bạo đến xin được phục chế. Dù mang theo khá nhiều mẫu mã và đưa ra đề nghị được làm thử một tấm tranh miễn phí, nếu kết quả cha không hài lòng xin không lấy tiền nhưng vẫn chưa thuyết phục được cha. Vương bèn đưa ra đề nghị cuối cùng: Xin gửi nhà thờ một số tiền lớn làm tin, nếu đem về phục chế mà không đạt, làm tranh gốc bị sự cố, ảnh hưởng gì Vương xin chịu mất số tiền đó để đền.
Có lẽ thái độ tự tin, sự quyết tâm đó đã thuyết phục được cha Hưởng, sau khi ghé xem xưởng, cha đồng ý cho Vương gỡ một bức tranh về phục chế thử mà thậm chí không cần giữ tiền “làm tin”.Theo Vương, việc phục chế còn khó gấp ba lần làm tranh mới. Tranh mới có thể chủ động chọn phong cách, lối vẽ nên đồng bộ. Còn tranh phục chế mình phải làm lại phần bị hỏng, bị mất giống theo phong cách, nét vẽ của người xưa. Tùy từng nơi, tranh kính được đặt ở Pháp, Ý, Anh, Mỹ đều có phong cách, trường phái khác nhau. Phải có sự nghiên cứu sâu mới dám đảm nhận, khi đem về và phân tích, chính mình học được rất nhiều từ nghệ nhân xưa. Mà tranh kính ở nhà thờ Huyện Sỹ đã tồn tại cả hơn trăm năm, giờ phải tạo theo màu sắc gốc là một thử thách lớn.
Để có được màu da đúng màu chân dung cũ của các thánh, Vương đã cẩn thận gửi mảnh chân dung cũ sang phân tích màu tại phòng lab của một công ty ở Mỹ chuyên cung cấp kính màu, có truyền thống cha truyền con nối để tìm cho đúng màu.
Nếu tranh bị nứt bể thì dễ, còn bị mất cả một mảng lớn vậy phần bị mất đó hình dáng ra sao để tái hiện như ban đầu? Cái khó cũng ló cái khôn, Vương lên mạng lục tìm các tranh kính được sản xuất năm 1900 (cùng thời gian với xây dựng nhà thờ Huyện Sỹ) và tìm ra được một tranh kính của Ý có hình ảnh khá giống, vậy là cuối cũng cũng tìm ra lời giải.
Cái khó của tranh kính nhà thờ Huyện Sỹ là không ghi tên công ty sản suất hay họa sĩ thực hiện nên tìm nguồn gốc rất lâu và cũng mới chỉ tìm được tấm gần giống. Còn như ở nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, trên nhiều tranh có ghi rõ của Công ty Lorin (Pháp) thực hiện nên có thể tìm được đúng những tranh nguyên bản để phục chế. Tuy các công ty đó có thể không còn nhưng vẫn có những website đăng lại khá đầy đủ tác phẩm của họ.
Tầm sư học đạo phương xa
Vương bắt đầu tiếp cận kỹ thuật tranh kính ghép với ý tưởng kinh doanh tranh kính ghép trang trí nội thất. Dù xuất phát là kinh doanh sản phẩm thủ công nước ngoài nhưng Vương lại lấn dần niềm say mê với cái gốc của nó, tranh kính màu, tranh kính nhà thờ. Thời gian tiếp cận nghề ở Mỹ và vài nước khác là những bước căn bản và nền tảng để anh thu nhận tinh hoa của nghề truyền thống danh giá này.
Hiện nay những bức tranh kính màu của Vương đã có mặt tại nhà thờ Đức Mẹ Việt Nam ở Atlanta. Sự có mặt tại đất nước mà ngành tranh kính đã có bề dày lịch sử như Mỹ là thành công lớn, là sự chứng thực tốt nhất cho giá trị tranh kính màu nhà thờ của Vương.
LM ERNEST NGUYỄN VĂN HƯỞNG, Chánh xứ Chợ Đũi – nhà thờ Huyện Sỹ:
Lúc đầu tôi hơi e ngại
Lúc đầu Vương đến xin phục chế tranh kính nhà thờ, tôi thấy anh này còn trẻ nên cũng hơi e ngại. Nhưng sau khi đích thân đến tận xưởng xem tranh anh đã làm, tôi tin tưởng giao cho phục chế hết các tranh hư hỏng và hài lòng với tác phẩm sau khi phục chế rất đẹp, mang lại vẻ đẹp trước đây cho nhà thờ.