Bây giờ đi lễ ở nhiều nhà thờ, bạn sẽ không còn nhìn thấy những tấm bảng đen, bảng trắng treo hai bên cung thánh để ghi các câu đáp ca, số trang của các bài hát sẽ hát trong thánh lễ,… Thay vào đó là những chiếc màn hình TV, nhỏ nhất cũng phải là 32 inch.
Nhớ thời chép đáp ca bằng phấn
Nhà thờ Bắc Hà (quận 10, TP. HCM) có nhiều trải nghiệm về cái khoản này. Ban đầu, giáo xứ dùng màn hình TV thay cho những chiếc bảng. Sau đó, nâng cấp lên dùng máy chiếu (projector) để phóng lên một cái màn chiếu gắn tuốt trên cao bên cạnh cung thánh. Khi không dùng thì gập cái màn chiếu vào vách.
Công nhận chữ nghĩa hình ảnh thì lớn thật, tới 100 inch chứ chẳng nhỏ. Nhưng cả bộ máy chiếu này cồm cộm, vướng víu quá và phá hỏng cả cái vẻ đẹp trang trí nội thất của ngôi nhà thờ hoành tráng mới xây dựng với hàng chục tỉ đồng. Mà quả thật coi nó chướng và vướng mắt quá. Vậy là nhà thờ lại quay về dùng màn hình TV.
Lần này TV có kích thước lớn hơn trước, loại thế hệ mới có đường viền mỏng, trông giống một bức tranh treo tường khi cho chiếu những tranh ảnh Công giáo. Chỉ có điều, có lẽ do muốn tiết kiệm điện và nghĩ rằng giúp kéo dài tuổi thọ TV, các ca đoàn chỉ bật màn hình khi tới lúc đọc các đáp ca hay hát phụng vụ. Còn thì màn hình được tắt đen thui như hai cái bảng đen lớn trước mắt cộng đoàn.
Tôi nghĩ, ước gì lúc quởn đó, mấy chiếc màn hình cho chiếu hình ảnh Công giáo hay hình ảnh thể hiện được ý chỉ của thánh lễ đó, càng giúp người ta thêm hiệp thông. Tất nhiên không nên chiếu video hay thay đổi ảnh liên tục làm chia trí người dự lễ. Thỉnh thoảng trong thời gian chờ giữa hai thánh lễ, có ca đoàn chơi đẹp cho phát những video clip bài hát Công giáo cho mọi người giải trí. Cái này thì lên YouTube thiếu gì.
NHÌN LÊN CÁI MÀN hình TV mà nghĩ lan man bữa nào có trực tiếp bóng đá quốc tế, cha cho chiếu phục vụ giáo dân thì sướng biết MẤY.
Nói ra thì xin quý cha tha tội, có những khi ngồi nghe cha giảng dài, tôi nhìn lên cái màn hình TV bự chảng mà nghĩ lan man bữa nào có trực tiếp bóng đá quốc tế, cha cho chiếu phục vụ giáo dân thì sướng biết chừng nào.
Tôi nhớ lại thời niên thiếu của mình có tham gia giúp lễ nhà thờ. Hồi đó, mỗi tối thứ Bảy, mấy anh chị lớn phải dùng phấn chép những lời đáp ca, Hallelujah,… của thánh lễ Chúa nhật lên những tấm bảng đen. Sau này có nhà thờ dùng những chiếc bảng trắng với cây bút lông viết bảng. Một số nơi dùng loại bảng dính với những chữ cái cắt rời để ráp lại giống như dân nhà in xếp chữ.
Có TV, giảm chi phí in ấn
Cũng vì có những chiếc màn hình TV mà những cuốn thánh ca cộng đoàn hầu như bị thất nghiệp. Nhà thờ giảm hẳn chi phí in ấn và bảo quản chúng. Giờ đây, các lời bài hát đã được đưa lên màn hình rồi.
Tôi còn nhớ ngay sau năm 1975, tại một họ đạo hẻo lánh ở gần biên giới Campuchia, cả tháng trời tôi đã phải thắp đèn dầu, dùng một chiếc ghế đẩu làm bàn để viết lên những tờ giấy sáp (giấy stencil) sau đó kéo mực in thành những cuốn thánh ca theo kiểu quay ronéo thô sơ nhất. Bây giờ thì các bạn trẻ có thể tạo mẫu và in bằng máy tính chỉ trong ba nốt nhạc.
Cứ với cái đà công nghệ hóa như hiện nay, tôi e rằng có nơi có lúc nhà thờ không cần tới những ca đoàn bằng xương bằng thịt mà chỉ cần dùng nhạc số là cũng tưng bừng như ai. Tất nhiên, tôi nói đùa thôi, chứ ai mà lại làm thế. Ngay ở bên Mỹ hiện đại là vậy mà thánh lễ vẫn cần có những ca đoàn.
tôi e rằng có nơi, có lúc nhà thờ không cần tới những ca đoàn mà chỉ cần dùng nhạc số là cũng tưng bừng.
Thánh Augustino từng nói rằng: “Hát là cầu nguyện gấp hai lần” kia mà. Nhưng trong những trường hợp vạn bất đắc dĩ, như đi lễ ở vùng sâu vùng xa, người ta cũng có thể dùng máy phát nhạc cho thánh lễ khỏi bị “chay”.
Mà chớ có coi thường nhạc số à nghen. Trong những tháng cuối đời của mình trên giường bệnh, mẹ tôi được con cháu mở cho nghe suốt ngày đêm những đĩa nhạc thánh ca, lời giảng, kinh,…
Bà cứ nằm thiêm thiếp nghe và có lẽ suy ngẫm. Chúng tôi nghĩ rằng vào phút lâm chung, bà bị ma quỷ chèo kéo dữ lắm nhưng nhờ những lời kinh từ máy phát ra mà chúng chùn tay và bà được về với Chúa một cách an lành.
Chỉ cần online là biết giờ các lễ
Trước đây, chỉ qua sóng radio, người Công giáo ở Việt Nam mới có thể theo dõi các tin tức Giáo hội trên thế giới và tham dự hiệp thông những thánh lễ Chúa nhật, lễ trọng từ xa. Hình như phát từ Philippines.
Còn bây giờ thì mọi người có thể bị ngộp thở giữa biển trời thông tin nóng hôi hổi từ Internet. Tuyệt vời ông mặt trời nữa là mọi người có thể tham dự theo thời gian thực, nghĩa là cùng một lúc, những thánh lễ từ xa, thậm chí ở tận Vatican do Đức Thánh cha chủ tế, qua công nghệ live stream trên Internet, phổ biến nhất là qua mạng truyền thông xã hội YouTube.
Trong những sự kiện lớn của Giáo hội gần đây, Vatican và Giáo hội Việt Nam còn cho phiên dịch trực tiếp sang tiếng Việt cho bà con cùng hiệp thông để mà hiệp nhất.
Hầu như các lễ truyền chức, thụ phong trên khắp Việt Nam cũng như cả thế giới đều được ghi hình và phát trên YouTube.
Cho tới nay, có lẽ giáo phận nào cũng có trang web riêng. Nhiều giáo xứ cũng có trang riêng. Tiện cho mọi người theo dõi các thông tin, thông báo cần biết. Chẳng hạn muốn đi lễ ở nhà thờ nào, tôi chỉ cần online là biết giờ các lễ.
Còn nhiều chuyện công nghệ có liên quan tới Công giáo lắm. Có dịp, tôi sẽ xin được hầu chuyện dần dần các bạn nhé.
Máy tính bảng thay thế sách lễ Có một anh bạn của tôi đang lăn tăn với ý nghĩ liệu có nên dùng sách lễ là một chiếc… tablet hay không. Và bạn ấy tự hình dung ra cái cảnh “lạ” khi vị chủ tế sau khi đọc Lời Chúa xong lại hôn lên chiếc… tablet. Tôi trấn an bạn ấy, có sao đâu, trước lạ mắt sau quen mắt thôi mà. Giống như thời cổ Thánh kinh được khắc lên đá, lên gỗ, lên kim loại, viết lên da,… thì nay là trên… màn hình. Vị chủ tế có hôn thì hôn kính Lời Chúa chớ đâu có phải hôn cuốn sách giấy. Mà có lẽ, khi đặt môi hôn lên màn hình tablet, vị chủ tế ắt sẽ cảm thấy mát lạnh à nghen. Nói thiệt, sách lễ số trên tablet như vậy sẽ tiện dụng cho việc làm lễ lưu động, đi họ xa. Thì thời công nghệ mà. Chắc có bạn đang nghĩ, coi chừng tới lúc linh mục chẳng cần phải đi đâu xa xôi, cứ làm lễ ngay tại nhà xứ của mình rồi truyền hình live stream tới chiếu cho các họ đạo xa cùng dự lễ. Chà, tôi tiếp suy diễn nghen. Với công nghệ hình ảnh 3D và thực tế ảo, các thánh lễ như vậy thiệt là lung linh ảo mà như thật. Ở giáo xứ Bắc Hà mà tôi nói tới phía trên, thời còn nhà thờ cũ, do sảnh chính không đủ chỗ chứa giáo dân, người ta đã phải gắn máy quay video để truyền trực tiếp lên các màn hình ở những phòng lễ phụ cho mọi người cùng tham dự. Nhờ vậy mà dù ngồi ở đâu, người đi lễ vẫn thấy được những gì đang diễn ra trên cung thánh, trên bàn thờ. Họ không bị chia trí, càng được hiệp thông hơn. |