CA ĐOÀN hay BAN HỢP XƯỚNG: Thay đổi phải đi kèm ý nghĩa

Thay thế cách gọi ca đoàn bằng hợp xướng là chuyện nên làm nhưng không dễ. Không dễ vì chữ ca đoàn đã trở nên quá quen thuộc với đa số giáo dân, ca trưởng, ca viên.

Lời Toà soạn: Đồng Hành ngày 9-8-20202 có đăng bài Nên gọi là ca đoàn hay hợp xướng? của TS Nguyễn Bách. Tác giả cho rằng nếu gọi là ca đoàn mang tính phân biệt giữa đạo và đời và không mang tính chuyên nghiệp bằng ban hợp xướng. Sau khi bài viết được đăng tải, nhiều trang mạng xã hội đã dẫn lại bài và phát sinh nhiều ý kiến. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến của những người hoạt động trong lĩnh vực này để cùng làm sáng tỏ vấn đề.

Dàn hợp xướng The Angel City Chorale đã vượt ra khỏi khuôn khổ nhà thờ, mang bài Kinh lạy Cha nổi tiếng Baba Yetu tới cuộc thi Amerian/s Got Talent và đã đoạt nút vàng của Ban Giám khảo.

Ở giáo họ chỗ tôi phục vụ trước đây, những người lớn tuổi từng phải làm quen với việc thay chữ hội hát (singer group) bằng chữ ca đoàn, khi hội hát được tổ chức và tập luyện bài bản hơn. Thành ra không nên chủ quan cho rằng ca đoàn là thuật ngữ nhà đạo, còn hợp xướng là thuật ngữ dành cho tập thể ca hát ngoài đời. Trường hợp cần phân biệt cứ thêm chữ “Công giáo”, “Giáo xứ”, “Giáo họ” vào là xong.

Những phân tích khá chi tiết và mang tính chuyên môn trong bài Nên gọi là ca đoàn hay hợp xướng của TS Nguyễn Bách khá thuyết phục, tuy nhiên chỉ lý luận dựa trên phương diện lịch sử và thuật ngữ để mong thay đổi một thói quen sử dụng ngôn ngữ e rằng chưa đủ trong thực tế.

Người ta sẽ không dễ thay đổi cho đến khi hiểu hơn về ý nghĩa của việc thay đổi. Chữ ca đoàn thực chất là một danh từ, khiến người nghe dễ liên tưởng đến một cơ cấu hay tổ chức, dễ bị đóng khung suy nghĩ trong một hội đoàn với nhiệm vụ ca hát đơn thuần.

Chữ hợp xướng là động từ nên có sức gợi mở và lay động hơn. Hợp xướng không những cho thấy một nhóm người cùng nhau hát vang, mà còn mời gọi phải hát sao cho hòa hợp. Nếu như ca hát không chỉ là hoạt động của hệ hô hấp và bộ máy phát âm, thì chữ hợp xướng nhắc nhớ những người cùng hát phải hòa điệu với nhau tận tâm hồn, tức cộng tác với nhau bằng trọn cả con người.

Hiểu được như vậy thì chữ hợp xướng cũng thấm đẫm tinh thần Kitô giáo chứ đâu chỉ dành cho môi trường thế tục!

Thay vì gọi Ban Hợp xướng Suối Việt, Dàn Hợp xướng Trẻ Công giáo Hà Nội… tôi thích gọi ngắn gọn Hợp xướng Suối Việt hơn. Ở Sài Gòn có Hợp xướng Sài Gòn mà tên gọi theo tiếng Anh là Saigon Choir.

NHẠC SĨ HẢI TRIỀU, CỰU CA VIÊN CUNG CHIỀU:
Sĩ số đủ hát được bốn bè thì gọi là ban hợp xướng
Bây giờ tôi không sinh hoạt ca đoàn nữa nên không ý kiến, để các em trẻ lên diễn đàn thì hợp hơn. Tôi sẽ hỏi họ.
Tuy nhiên cứ thực tế thì thấy ban hát nào có sĩ số đủ lượng người hát được 4 bè SATB thì gọi là ban hợp xướng, có lẽ chừng 40 trở lên.

NHẠC SĨ TRẦN NGỌC LINH TRIỀU, TRƯỞNG BAN HỢP XƯỚNG VICARII:
Nên thay đổi tên gọi và cách suy nghĩ “thôi hát vậy được rồi”
Huấn thị Instructio de Musica in Sacra Liturgia – Huấn thị thánh nhạc trong phụng vụ – do Thánh bộ phụng tự ban hành ngày 5-3-1967, số 4a có nêu ra hai đặc tính của thánh nhạc là thánh thiện (Sanctitas) và nghệ thuật (Bonitas Formae).
Nếu chỉ nhấn mạnh sự thánh thiện đến từ tấm lòng chân thành, đơn sơ, hi sinh phục vụ nhà Chúa của những người phục vụ thánh nhạc thì chưa đủ, cần phải luôn gìn giữ và nâng cao không ngừng giá trị nghệ thuật của thánh nhạc.
Ý kiến về việc nên gọi“ca đoàn”hay“ban hợp xướng” của TS Nguyễn Bách là đúng đắn và nên tiến hành ngay, kèm với các kế hoạch đào tạo nhân sự mang tính khả thi nhất cho những người phục vụ thánh nhạc từ ca trưởng, nhạc công, ca viên và nhạc sĩ.

NGUYỄN ANH HUY, SJ

>> Nên gọi là CA ĐOÀN hay BAN HỢP XƯỚNG?