Vun đắp sự cộng tác giữa ca trưởng với cha xứ

Sự thành công của một ca đoàn tùy thuộc không ít vào chính mối giao hảo giữa cha quản xứ và người ca trưởng trong tư cách là cộng sự viên đắc lực của ngài.

Thỉnh thoảng tôi vẫn được nghe kể về một vài chuyện xung đột giữa vị linh mục quản xứ và người ca trưởng trong khi thi hành mục vụ thánh nhạc tại giáo xứ. Ở giáo xứ này, ca trưởng bị cha xứ truất phế, cho về vườn. Ở giáo xứ kia, ca trưởng và cả ca đoàn bị cấm chỉ, không cho hát xướng gì nữa.

Nhiệm vụ của ca trưởng và các ca viên là làm cho các nghi lễ phụng vụ thêm rực rỡ vui tươi và giúp cho giáo dân tham gia cách tích cực vào việc ca hát.

Và ở giáo xứ nọ, dịp kỷ niệm 15 năm ngày thụ phong linh mục của cha quản xứ nhằm đúng vào ngày lễ Chúa lên trời, cha quản xứ yêu cầu ca trưởng thay thế những bài anh đã tập bằng năm bài theo chủ đề linh mục do ngài cung cấp. Ngài nói rằng đã được Toà Giám mục cho phép hát như vậy. Anh ca trưởng vùng vằng, tỏ vẻ bất mãn, và thế là cha con mất vui!

Thông thường tôi ít lấy làm điều, vì nghĩ rằng đây chỉ là một vài đụng chạm không thể tránh khỏi khi làm việc chung với nhau. Hơn nữa, đây còn là một vấn đề quá ư tế nhị mà bản thân tôi thực sự rất ngại ngùng khi phải đề cập tới, nhất là khi những câu chuyện này liên quan đến các đấng bậc có thẩm quyền mà những người phục vụ hèn mọn như tôi phải luôn giữ thái độ kính phục.

Vị trí khiêm tốn

Nghĩ tới là vậy, nhưng nghĩ lui thì nghiệm thấy rằng dù sao tôi cũng là “dân trong nghề”, không nhiều thì ít cũng có liên quan, nên xin được mạnh dạn bộc bạch đôi điều riêng tư với các bạn bè ca trưởng của tôi, hẳn không làm các đấng bậc phiền lòng!?

Như đã thưa, đây là một vấn đề rất tế nhị và nhạy cảm. Có lẽ anh chị em ca trưởng chúng ta trước hết phải xác định vị thế khiêm tốn của mình trong nhiệm vụ cao cả chung của ca đoàn là làm cho các nghi lễ phụng vụ thêm rực rỡ vui tươi và giúp cho giáo dân tham gia cách tích cực vào việc ca hát (Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ, 1967, số 16 và 19).

Ca trưởng là người đứng đầu một ca đoàn. Nhiệm vụ trước hết và trên hết của ca trưởng phải là hướng dẫn ca đoàn chu toàn thừa tác vụ phụng vụ của họ, đồng thời làm gạch nối giữa linh mục quản xứ, hội đồng mục vụ và ca đoàn.

Các bổn phận như điều hành, tuyển chọn và huấn luyện các ca viên không những về kỹ thuật ca hát mà còn về tác phong đạo đức, cũng như các phần vụ chuyên môn như soạn bài, tập hát, điều khiển ca đoàn trong các nghi lễ phụng vụ, v.v… hẳn không gây khó khăn bao nhiêu cho phần đông chúng ta. Ngay cả việc ca trưởng phải tạo cho mình một tư cách đứng đắn, một bản lĩnh đáng nể phục và một uy tín đáng tin cậy để hoàn thành những trách nhiệm trên đây cũng không phải là điều khó thực hiện.

Thật vậy, những sinh hoạt nội bộ của ca đoàn xem ra không thể làm khó chúng ta, nhất là đối với những anh chị em đã có năm, mười năm, hoặc đôi ba chục năm kinh nghiệm. Nhưng điều khó khăn nổi cộm nhất chính là vai trò làm trung gian, làm cầu nối giữa tập thể ca đoàn và cha quản xứ. Nếu chẳng may vì một lý do nào đó vai trò trung gian bị gãy đổ, thì sự quan hệ giữa hai thành phần tương quan chắc chắn cũng sẽ bị sứt mẻ theo.

Ca trưởng: Cộng sự đắc lực của cha xứ

Chúng ta nên nhớ rằng sự thành công của một ca đoàn tùy thuộc không ít vào chính mối giao hảo giữa cha quản xứ và người ca trưởng trong tư cách là cộng sự viên đắc lực của ngài. Vì thế, để duy trì mối giao hảo này, cũng như để có thể cộng tác cách chặt chẽ và vui vẻ với cha quản xứ, anh chị em ca trưởng chúng ta cần phải:

1. Biết rõ thế đứng và quyền hạn khiêm tốn của mình

Hiện nay, nhờ nghiên cứu, tìm hiểu, trau dồi, học hỏi qua các kho tài liệu, qua các khoá huấn luyện, hoặc qua các buổi hội thảo thánh nhạc, nhiều anh chị em ca trưởng chúng ta đã tỏ ra có hiểu biết, có chuyên môn hơn về mục vụ thánh nhạc, cũng như có kinh nghiệm hơn về việc tổ chức, điều khiển ca đoàn, chọn bài hát, tập hát, sắp xếp chương trình phù hợp với các nghi lễ phụng vụ…

Tuy nhiên, cần lưu ý điều này là tất cả những kiến thức, kinh nghiệm và năng lực chuyên môn đó chỉ nhằm giúp chúng ta hoàn thành vai trò khiêm tốn của một cộng sự viên, một người giúp việc hèn mọn cho vị linh mục quản xứ trong lãnh vực thánh nhạc, chứ không phải để chúng ta tự cao tự đại mỗi khi có sự bất đồng.

Trong mọi công việc, dù thuộc bất cứ lãnh vực nào, kể cả lãnh vực thánh nhạc mà chúng ta đang phục vụ, với cương vị là người điều hành tổng quát các sinh hoạt của giáo xứ và là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước mặt giáo xứ cũng như trước mặt đấng bề trên của ngài là đức giám mục, cha quản xứ luôn luôn là người nắm giữ quyền quyết định và có tiếng nói sau cùng.

Vì thế, để tránh những đụng chạm có thể làm sứt mẻ tình cảm, hoặc gây khó khăn cho việc cộng tác, chúng ta cần phải biết rõ thế đứng và quyền hạn khiêm tốn của mình để luôn sẵn sàng tôn trọng cha quản xứ và các quyết định của ngài.

2. Biết rõ vai trò và trách nhiệm của mình

Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ, số 16, viết: “Thật sự không có gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành phụng vụ mà toàn thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát”.

Do đó, trách nhiệm trước hết của anh chị em chúng ta là phải liệu làm sao cho các lễ hát có sự hiện diện của ca đoàn. Vẫn biết rằng hầu hết (nếu không muốn nói là tất cả) chúng ta đều tự nguyện phục vụ không ăn lương, khác với những ca trưởng chuyên nghiệp ở các nước Âu, Mỹ được giáo xứ thuê mướn và trả lương; nhưng điều đó không có nghĩa là thích thì hát, không thích thì thôi, và càng không nên vì một lý do riêng tư mà từ chối, không cho ca đoàn mình phục vụ một dịp lễ nào đó.

Khi chúng ta đã đảm nhận một vai trò, cho dù là do tự nguyện, thiết nghĩ chúng ta có trách nhiệm phải chu toàn các bổn phận mà vai trò ấy đòi buộc.

Ngoài việc nhận biết rõ vai trò và trách nhiệm của mình, chúng ta cần phải hiểu biết lãnh vực mình đang phục vụ, để sẵn sàng học hỏi, nắm vững hơn các nguyên tắc và qui luật về phụng vụ, về thánh nhạc, cũng như cách thức chọn bài hát phù hợp với phụng vụ vốn là điểm thiết yếu và quan trọng nhất; đồng thời biết trau dồi thêm kỹ thuật chuyên môn để giúp cho ca đoàn có đủ khả năng thể hiện vai trò nồng cốt của họ đối với cộng đoàn.

3. Biết tham khảo ý kiến và đối thoại một cách hiền hoà

Muốn tạo mối quan hệ tốt đẹp và bền chặt với vị linh mục quản xứ, anh chị em ca trưởng chúng ta nên thường xuyên tham khảo ý kiến của ngài về việc ca hát trong các nghi lễ tại giáo xứ, để kịp thời chuẩn bị các bài hát cho phù hợp với ý lễ, ngày lễ. Các dịp lễ đặc biệt có những nghi thức riêng như tuần thánh, Phục sinh, hôn phối, an táng, hoặc các cuộc rước kiệu, dâng hoa… thì càng phải tham khảo ý kiến các ngài. Ngoài ra, ca trưởng cũng có thể cùng với cha xứ tập hát các câu xướng của chủ tế trong thánh lễ, bài Thương khó, câu Alleluia trọng thể, bài công bố Tin mừng Phục sinh…

Nếu có thể được, tưởng cũng nên hỏi qua ngài về ý giảng lễ để chọn bài thích hợp, nhấn mạnh thêm ý tưởng chính yếu của buổi lễ (thực ra điều này chỉ có thể áp dụng đối với những ai soạn ca mục hằng tuần).

Đáng tiếc là nhiều anh chị em chúng ta đã vô tình, không giữ mối quan hệ chặt chẽ này với cha quản xứ.

Ai trong chúng ta cũng tin chắc điều này là ca đoàn thực sự cần được các vị chủ chăn hướng dẫn, nâng đỡ và quan tâm cách đặc biệt. Ca đoàn nào được cha quản xứ thường xuyên lui tới thăm viếng, động viên, khuyến khích thì ca đoàn ấy sẽ luôn thăng tiến.

Tin như thế rồi chúng ta dễ dàng than phiền rằng cha quản xứ của chúng ta không quan tâm, cũng chẳng ngó ngàng gì đến ca đoàn… Thế nhưng, biết đâu rằng chính chúng ta đã không tạo cơ hội để ngài phải quan tâm, để ý tới! Đã có khi nào chúng ta trao đổi, bàn bạc với cha quản xứ của mình về mục vụ thánh nhạc trong giáo xứ, để rồi cùng hợp sức với ngài đem lại bầu khí phụng vụ đẹp đẽ cho giáo xứ không?

Chúng ta có thỉnh thoảng mời ngài đến chia sẻ, huấn đức hoặc tham dự một vài sinh hoạt vui chơi, lễ lạt của ca đoàn không? Hay chúng ta chỉ âm thầm, lặng lẽ làm việc một mình? Thiếu sự đối thoại cần thiết, thiếu sự bàn thảo, hội ý với nhau sẽ dễ gây nên tình trạng thiếu tinh thần hợp tác.

Ở đây cần lưu ý thêm điều này, đó là khi tham khảo ý kiến, anh chị em chúng ta nên đối thoại một cách hiền hoà và hãy sẵn sàng tôn trọng ý kiến của cha quản xứ. Nếu cần góp ý, nên trình bày một cách thẳng thắn, nhưng nhẹ nhàng, khiêm tốn, và không nên phản đối, tự vệ một cách quá mạnh mẽ hoặc quá gấp gáp.

Phải biết kềm chế cái tôi của mình để có thể cộng tác, đối thoại, thoả hiệp hoặc ngay cả nhượng bộ trong tình yêu thương và hiệp nhất. Luôn nhớ rằng cha quản xứ của chúng ta mới là người quyết định. Vì thế, nếu chẳng may có sự bất đồng ý kiến, việc trước tiên về phần mình là chúng ta nên bình tâm lại và cầu nguyện, dành thời giờ để tham khảo thêm, rồi tìm dịp thuận tiện xin trình bày lại với ngài.

4. Biết điều

Sau cùng, thật là may mắn nếu anh chị em chúng ta được cộng tác với vị linh mục quản xứ là một nhạc sĩ sáng tác thánh ca. Với kiến thức chuyên môn sâu rộng về mục vụ thánh nhạc, chắc chắn ngài sẽ hướng dẫn, trợ giúp chúng ta hoàn thành vai trò ca trưởng của mình một cách tốt đẹp. Điều quan trọng là khi chọn ca mục cho các nghi lễ, chúng ta hãy tỏ ra biết điều, dù thế nào cũng không bao giờ được quên kho nhạc riêng của ngài!

Trong trường hợp cả hai cha con đều là nhạc sĩ sáng tác thì chúng ta càng phải biết điều hơn nữa, không nên quá theo ý riêng, cũng không nên quá chiều theo sở thích của ca đoàn để rồi chọn nhiều bài hát của mình mà “phớt lờ” đi các bài hát của ngài sáng tác. Thật vậy, nên cẩn trọng để khỏi phải rơi vào tính tự ái, tự kiêu và tự tôn!

* * *

Thiên Chúa ban cho anh chị em ca trưởng chúng ta chút tài năng khiêm tốn là để biết sử dụng cho công cuộc lớn lao của Người. Hơn nữa, vai trò ca trưởng mà chúng ta đảm nhận chỉ là một chức vụ, và chức vụ thì luôn gắn liền với trách nhiệm và bổn phận hơn là danh dự và vinh quang. Mong rằng tất cả chúng ta hãy mặc lấy tâm tình tôi tớ để phục vụ và nên biết hy sinh cái nhỏ bé để chọn cái lớn lao hơn, đó là cho danh Chúa được cả sáng!

ĐỖ VY HẠ

>> Hát cộng đồng: Vì sao giáo dân không chịu mở miệng?