Kinh nguyện tỉ lệ nghịch với đô thị hóa

Việc đọc kinh nguyện ở Việt Nam thường được coi như là thước đo của lòng mộ đạo. Rõ ràng việc đạo đức này giảm dần theo tốc độ đô thị hóa. Có dịp đi nhiều nước tôi càng thấy rõ ở những nước phát triển đọc kinh là một điều xa xỉ.

Mỗi lần về quê, sau giờ cử hành phụng vụ hay giờ kinh ở nhà thờ mỗi tối, xóm làng tôi lại vang lên tiếng đọc kinh nguyện ở các gia đình. Kinh nguyện trở thành một phần không thể thiếu đối với gia đình Công giáo ở các giáo phận miền Bắc mà tôi được chứng kiến.

Sau giờ lễ, ngôi nhà thờ ngay trung tâm thành phố Amsterdam được cho thuê để tổ chức tiệc. Lý do là ở đây vắng giáo dân, nhà thờ cần phải cho thuê để có thêm kinh phí hoạt động. Tác giả đeo máy ảnh.

“Em sợ nhất là đọc kinh với các cụ”

Khi còn nhỏ, chúng tôi được tham dự các lớp học kinh. Tài liệu học tập là cuốn Toàn niên kinh nguyện. Vì vậy mà lũ trẻ đồng nhi nam nữ nhiều đứa thuộc lòng các kinh chiều hôm ban sáng. Sau này, các gia đình công giáo có Kinh Thánh ở nhà nhưng cũng ít được sử dụng. Cuốn Các giờ kinh gia đình thường được lựa chọn để đọc trong giờ kinh chung hơn là đọc trực tiếp thánh kinh.

Tại cộng đồng Công giáo di cư, truyền thống đọc kinh vẫn còn được duy trì ở cả nhà thờ và nhà riêng. Tuy nhiên, mức độ và thời lượng có vẻ giảm sút. Thế hệ lớn tuổi vẫn tạo áp lực lên con trẻ thông qua giờ kinh gia đình để bảo vệ truyền thống. Vì thế, sự xung đột trong việc đọc kinh nguyện tại gia giữa các thế hệ có phần gay gắt. Một cậu bé giúp lễ phàn nàn rằng: Em sợ nhất là đọc kinh với “các cụ” ở nhà. Các cụ lôi hết ông thánh nọ, bà thánh kia ra để đọc.

Nếu coi kinh kệ là thước đo của sự sốt sắng thì ở các xứ đạo miền Nam mức độ sốt sắng có phần ít hơn. Giờ kinh gia đình nhìn chung không được duy trì đều đặn một phần cũng vì họ ít thuộc kinh hơn.

Chốn thành thị, việc đọc kinh kệ tại nhà thờ hay gia đình ít được người ta quan tâm. Ở nhà thờ, người dân thường đến nhà thờ trong các giờ lễ cố định. Thời gian thường không quá một tiếng đồng hồ đối với thánh lễ Chúa nhật.

Kinh kệ được duy trì ở mức tối thiểu và thường lồng ghép sau phần hiệp lễ. Những người trẻ thường chỉ đi lễ vào các Chúa nhật hằng tuần nên gần như họ không thuộc các kinh chiều hôm ban sáng.

Cha xứ kiêm ông từ

Ở các nước phát triển, đọc kinh là điều xa xỉ. Nhà thờ dường như chỉ là nơi dành cho người già vào mỗi cuối tuần. Hồi còn học bên Nhật, tôi chứng kiến một lần Đức Tổng Giám mục Giáo phận Tokyo đến cộng đồng người Việt dâng lễ.

Ngài tỏ vẻ rất vui vì cộng đồng này có đủ thành phần khác nhau từ già đến trẻ. Các em nhỏ chạy qua chạy lại nơi cung thánh khi đang thánh lễ. Ngài đã phải thốt lên rằng đây mới là cộng đồng nhiều sức sống và có tương lai. Ở giáo phận của ngài, giáo dân chỉ đến tham dự thánh lễ và tham gia một số sinh hoạt chung mang tính đoàn hội.

Các nhà thờ ở Mỹ, linh mục dâng lễ kiêm luôn nhiệm vụ mở và đóng cửa nhà thờ. Do vậy các ngài thường mở cửa trước 30 phút để đảm bảo các thiết bị điều hòa hoạt động trước khi giáo dân đến và đóng cửa ngay khi thánh lễ kết thúc.

Để tránh đi vào vết xe đổ của các nước phát triển thì việc giáo dục đức tin và đời sống đạo đức của người tín hữu là một nhiệm vụ nặng nề trên vai các bậc chủ chăn.

Một vài nhà thờ ở Âu-Mỹ đã không còn giáo dân tham dự ngay những dịp cuối tuần. Tôi đã từng được mời đến dự tiệc tại một nhà thờ rất đẹp và cổ kính ở ngay trung tâm thành phố Amsterdam, Hà Lan. Nhà thờ này đã được cho thuê để tổ chức các sự kiện gặp mặt mang tính trịnh trọng.

Có thể nói việc đọc kinh sách ở Việt Nam thường được coi như là thước đo của lòng mộ đạo. Rõ ràng việc đạo đức này giảm dần theo tốc độ đô thị hóa. Việc giáo dục đức tin và thực hành đức tin của người giáo hữu cần phải được định hướng mới theo tốc độ của đô thị hóa.

Việc đánh giá lòng mộ đạo cũng cần phải có cái nhìn mới. Tuy nhiên, để tránh đi vào vết xe đổ của các nước phát triển thì việc giáo dục đức tin và đời sống đạo đức của người tín hữu là một nhiệm vụ nặng nề trên vai các bậc chủ chăn.

TS PHẠM THANH DUY

>> Học giả Hoàng Xuân Việt: Quyết định bất ngờ trước ngày thụ phong linh mục