Có lẽ nhiều người Việt Nam sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nghe đến “nghề” chơi đàn nhà thờ. Lâu nay ở Việt Nam việc chơi đàn nhà thờ là một việc phục vụ tình nguyện, chứ không mang tính chuyên nghiệp mà thường cũng không có lương bổng. Thế nhưng, ở các nước Tây phương, nghề chơi đàn nhà thờ có một lịch sử kéo dài từ thời Trung cổ đến ngày nay.
Biết đàn, biết phất nhịp lại vừa phải giỏi ngoại ngữ
Nay tôi xin kể khái quát về một vài đặc điểm của nghề chơi đàn nhà thờ ở Mỹ. Đầu tiên phải nói rõ những gì tôi đề cập trong bài viết này đa phần dựa trên kinh nghiệm cá nhân tôi làm nghề chơi đàn nhà thờ.
Tôi hoạt động trong những giáo xứ chỉ làm lễ theo nghi thức cổ trước Công đồng Vaticano II hoặc là tuy vẫn dâng lễ theo nghi thức sau Công đồng nhưng cha xứ vẫn ưa không khí nghiêm trang, càng giống nghi thức cũ càng tốt.
Chơi đàn nhà thờ tức là chơi nhạc cụ nào? Theo truyền thống của Giáo hội Công giáo, đàn organ là nhạc cụ chính được sử dụng trong nhà thờ. Trong tiếng Việt hiện đại, chữ “organ” thường dùng để phiếm chỉ các loại nhạc cụ điện tử có phím như piano, nhưng “organ” ở đây tức là đàn ống, còn gọi là đại phong cầm hoặc đại quản cầm. Đàn này đánh bằng phím, thường có tối thiểu là hai hoặc ba bàn phím để đánh bằng tay và một bàn phím dưới chân.
Bề ngoài tuy nhìn hơi giống piano, nhưng cách chơi đàn hoàn toàn khác biệt. Người chơi đàn thường vừa đđàn bằng tay vừa đạp bằng chân, cho nên đàn này so với piano nhiều khi có phần khó khăn hơn.
Vì vậy, thường thường người ta phải học piano vững lắm rồi mới chuyển sang đại phong cầm để mà học tập chơi đàn nhà thờ, bằng không sẽ rất khó để đạt tiêu chuẩn chuyên nghiệp.
Rất nhiều nhạc viện có hẳn một ngành riêng cho những người muốn chuyên về đại phong cầm hoặc thánh nhạc (Sacred Music). Những người học ngành này sẽ phải học qua nhiều lớp nhạc lý, từ nhạc lý cổ điển đến nhạc lý hiện đại. Đặc biệt, những người chuyên về thánh nhạc sẽ còn phải học qua nhạc lý thời Trung cổ và thời Phục Hưng.
Trong quá trình học nhạc lý, đương nhiên cũng có rất nhiều bài tập sáng tác nhạc theo phong cách của từng thời đại. Thường nếu học thạc sĩ hoặc tiến sĩ về thánh nhạc hoặc đại phong cầm thì sinh viên còn phải biết thêm một hai ngoại ngữ, chủ yếu là Latin, Đức, Pháp, hoặc Ý, để nghiên cứu những tài liệu nguyên thủy.
Hơn nữa, tuy chuyên về đánh đàn, song cũng phải tập hát và phất nhịp. Trình độ âm nhạc của những người tốt nghiệp một chuyên ngành như thế tất nhiên phải hơn hẳn những người đánh đàn nghiệp dư.
Ăn lương, cuối năm phải khai thuế
Hiện nay ở nước Mỹ nghề chơi đàn nhà thờ vẫn khá phổ biến trong giới nhạc sĩ. Trong tất cả những sinh viên tốt nghiệp nhạc viện, thường chỉ có những người chuyên về đại phong cầm hoặc thánh nhạc là dễ dàng kiếm việc nhất. Nghề chơi đàn nhà thờ là một việc làm chính thức, muốn làm thì phải nộp CV, phải vào phỏng vấn, phải ký hợp đồng, được trả lương hằng tháng, cuối năm phải khai thuế… Thậm chí, có nhiều nhà thờ đưa ra tiêu chuẩn là phải có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ mới tuyển.
Có thêm một điều rất thú vị là nhiều nhà thờ ở Mỹ hầu như không đòi hỏi người chơi đàn nhà thờ phải là người có đạo. Tiêu chuẩn chính là tài năng và kinh nghiệm, còn những chuyện riêng tư như tín ngưỡng tôn giáo thường không thành vấn đề.
Tiêu chuẩn càng cao, việc càng nhiều thì lương bổng người chơi đàn càng cao, 100.000 USD/năm cũng có. Nếu làm việc cho một giáo xứ nhỏ thì lương bổng hằng năm cũng trên dưới 18.000 USD.
Những trường hợp như người Tin Lành chơi đàn cho nhà thờ Công giáo hoặc người Công giáo đánh đàn cho nhà thờ Tin Lành, hoặc người không tôn giáo đánh đàn cho một nhà thờ nào đó rất phổ biến.
Riêng nói chuyện lương bổng thì đại để chỉ tùy giáo xứ, tùy cha xứ. Tiêu chuẩn càng cao, việc làm càng nhiều thì lương bổng càng cao, 100.000 USD/năm cũng có. Nếu làm việc cho một giáo xứ nhỏ hoặc làm việc cho một cha xứ không muốn đầu tư nhiều vào thánh nhạc thì lương bổng hằng năm cũng trên dưới 18.000 USD. Nếu so với giờ đi làm thì mức giá này vẫn rất phải chăng.
Trách nhiệm người đánh đàn tùy thuộc vào cha xứ
Tuy nhiên, trách nhiệm của người đánh đàn nhà thờ cũng tùy thuộc vào giáo xứ và cha xứ. Ở một số nhà thờ, người đánh đàn không đơn giản chỉ lo việc đánh đàn mà còn phải hợp tác với các cha để tập nghi thức cho các ngày lễ trọng. Nhiều khi họ còn phải tập hát cho ca đoàn vào ngày trong tuần và trước lễ.
Ở Tây phương còn có truyền thống chơi đàn trước khi lễ bắt đầu (prelude) và khi lễ kết thúc (postlude). Người chơi đàn phải lựa chọn những khúc nhạc phù hợp với ngày lễ để chơi trước và sau thánh lễ hầu giúp cho nghi lễ được thêm phần long trọng.
Các nhạc sĩ chơi đàn đại phong cầm thường phải biết chơi ngẫu hứng vì họ phải quan sát kỹ từng hành động của linh mục và người giúp lễ. Nhiều khi phải kết thúc một khúc prelude ngay lập tức. Vì vậy nếu chơi những khúc nhạc được sáng tác sẵn thì hơi bất tiện, thà ngẫu hứng để khúc nhạc có thể kết thúc một cách tự nhiên hơn.
Chơi đàn ngẫu hứng, nhưng không có nghĩa là đánh bậy bạ muốn đánh sao thì đánh – ngẫu hứng trong nhà thờ vẫn phải có sắc thái của thánh nhạc để giữ không khí tôn nghiêm trong nhà Chúa. Vì vậy, để ngẫu hứng thành công, người chơi đàn phải thành thạo các thể loại nhạc cổ điển và thánh nhạc.
Ví dụ, theo nghi thức cũ, các điệu hát được chia ra làm tám cung điệu nhà thờ (ecclesiastical modes) gồm những điệu Dorian, Hypodorian, Phyrgian… Mỗi cung điệu có một sắc thái riêng. Như điệu Hypodorian được coi là ảm đạm, buồn sầu. Một người khéo đánh đàn sẽ phải xem xét nội dung của các bài đọc, nội dung của Phúc Âm rồi từ đó ngẫu hứng cho hợp với không khí chung trong thánh lễ của ngày hôm đó.
Nói về trách nhiệm “soạn” nhạc cho các ngày lễ thì lại tùy chơi đàn cho lễ cổ hay lễ mới. Nếu chơi đàn cho lễ Latin làm theo nghi thức cổ thì người chơi đàn cũng không có nhiều sự lựa chọn vì các bài hát đã được Giáo hội định sẵn rồi, cứ việc giở sách ra mà đàn, hát.
Nếu như muốn hát một bài thánh ca bằng tiếng địa phương để kết lễ thì tùy ý người chơi đàn lựa chọn một bài cho hợp với thánh lễ. Ngược lại, nếu thánh lễ làm theo nghi thức mới thì người chơi đàn lại có bổn phận chọn các bài thánh ca để hát nhập lễ, dâng lễ, rước lễ, kết lễ…
Ngoài ra, những nhà thờ đầu tư nhiều tiền vào thánh nhạc sẽ yêu cầu người chơi đàn tổ chức những buổi trình diễn âm nhạc trong nhà thờ. Khi làm vậy, nhà thờ không những là một khu vực tôn giáo để thờ phượng Thiên Chúa, mà còn trở nên một trung tâm văn hóa cho cả thành phố. Bởi lẽ các buổi trình diễn âm nhạc này vừa có giá trị nghệ thuật, vừa là một cách “quảng cáo” và giới thiệu nhà thờ cho dân chúng xung quanh.
Nhiều nhà thờ không quan tâm đến thánh nhạc
Tiếc thay, văn hóa và truyền thống chơi đàn nhà thờ đang gặp nguy cơ suy thoái. Một đằng, những giáo xứ vẫn cố duy trì và phát huy nghề này, đằng khác nhiều nhà thờ hoàn toàn không quan tâm đến thánh nhạc hoặc không muốn đầu tư vào thánh nhạc.
Những nhà thờ thuộc trường hợp thứ nhì thật ra vẫn thuê người đánh đàn, nhưng thông thường chỉ là người chơi đàn piano hoặc thậm chí chỉ gảy đàn guitar. Những nhạc cụ ấy hoàn toàn không phù hợp với truyền thống âm nhạc của Giáo hội.
Hơn nữa đầu thế kỷ XX, Thánh Giáo hoàng Piô X đã nghiêm cấm toàn thể giáo hội sử dụng những nhạc cụ ấy trong nhà thờ. Sau Công đồng Vaticano II, Giáo hội ở Mỹ lại đuổi theo xu hướng phóng khoáng, thành ra thánh nhạc đã trải qua nhiều cơn khủng hoảng không tiền tuyệt hậu trong những thập niên qua.
Cũng may mắn, trải qua bãi bể nương dâu đến nay thánh nhạc truyền thống đang được dần dà khôi phục. Những người biết đánh đàn đại phong cầm hiếm khi thất nghiệp, vì bao giờ cũng có những nhà thờ cần đến tài năng của họ.
Trong những giáo xứ của người Việt ở Mỹ hầu như không có xứ nào hội nhập được văn hóa thánh nhạc của Tây phương. Trong thánh lễ của người Việt vẫn chỉ dùng đàn organ điện tử, vẫn chỉ hát thánh ca Việt Nam. Các cộng đoàn này vẫn không coi đánh đàn nhà thờ là một việc làm đáng được trả lương đàng hoàng. Thiết nghĩ, đây là một nhược điểm lớn của những cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Mỹ. Truyền thống âm nhạc của Giáo hội rất phong phú mà lại không tách rời khỏi truyền thống đánh đàn nhà thờ được. Bỏ sót điều này quả là một tổn thất lớn về văn hóa lẫn tôn giáo. |
NGUYỄN THUỴ ĐAN, Hoa Kỳ