Trong mùa Chay và thứ Sáu tuần thánh, các tín hữu thường đi Đàng Thánh giá. Điều này thật dễ hiểu và hợp lý vì khi ngắm Đàng Thánh giá, chúng ta dừng lại tại một trong 14 chặng khác nhau để cầu nguyện hay suy gẫm về những biến cố trong cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-su.
Tuy nhiên, trong Mùa Phục sinh, tốt nhất, chúng ta nên ngừng đi Đàng Thánh giá để chuyển sang đi Đàng Ánh sáng (các Chặng Ánh sáng/ Các Chặng Phục sinh), tức suy niệm về mầu nhiệm phục sinh cùng các biến cố sau khi Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại.
Thực hành này vừa phù hợp với khung cảnh và bầu khí của mùa Phục sinh lại vừa đáp ứng được những đòi hỏi của phụng vụ là việc đạo đức phải tùy thuộc vào phụng vụ, mô phỏng theo phụng vụ, tiếp nối phụng vụ, bổ túc cho phụng vụ.
Việc hình thành nên Đàng Ánh sáng
Tại Việt Nam, các tín hữu chỉ quen thuộc với Đàng Thánh giá (Via crucis), còn hầu như không biết đến Đàng Ánh sáng (Via lucis). Bằng chứng là các nhà thờ và nhà nguyện đều có Các Chặng Thánh giá, nhưng hiếm thấy nơi nào có Các Chặng Ánh sáng/ Các Chặng Phục sinh.
Nhiều nơi đã có Đàng Thánh giá trong thánh đường, Đàng Thánh giá chung quanh giáo đường lại còn làm thêm Đàng Thánh giá tại đất thánh nữa, nhưng không có Các Chặng Phục sinh ở đâu cả.
Cuốn sách nhỏ mang tựa đề Đường Ánh Sáng Theo Thánh Ignatio Loyola của LM An- tôn Nguyễn Ngọc Sơn có lẽ là tài liệu duy nhất bằng tiếng Việt trình bày về việc đạo đức này.
Có những lý do sau đây góp phần hình thành nên thực hành đi Đàng Ánh Sáng ngày nay:
– Thứ nhất, lòng sùng mộ này được truyền cảm hứng khi người ta khám phá ra những lời của Thánh Phao-lô trong thư gởi cho tín hữu Cô-rinh-tô được khắc ghi trên các bức tường cổ xưa tại hang toại đạo của Thánh Callisto ở Roma.
Câu này là: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười hai.
Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1Cr 15, 3-8). Những lời trên đây nhằm đáp lại một báo cáo cho biết rằng một số các thành viên đã phủ nhận sự phục sinh.
– Thứ hai, đã có nhiều dân tộc đã đón nhận và thực hành việc đạo đức đi Đàng Ánh sáng bằng cách suy niệm về những lần Chúa hiện ra và những bài học đạo đức kèm theo. Nghĩa là, thực hành chiêm ngắm và suy niệm Các Chặng Phục sinh có thể đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử.
– Thứ ba, các tín hữu ngày nay không thỏa mãn với chặng kết của 14 Đàng Thánh giá khi suy niệm về mầu nhiệm Vượt Qua. Theo đó, mầu nhiệm Vượt Qua đạt tới đỉnh cao với biến cố Chúa sống lại và mầu nhiệm này không thể không có biến cố Chúa Phục sinh:
“Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15, 17–20).
Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II giới thiệu Đàng Ánh sáng cho toàn thể Giáo hội nhân dịp thứ Sáu tuần thánh năm 1991.
Nói cách khác, mầu nhiệm Vượt qua là một thể thống nhất. Trong đó Chúa Ki-tô chịu nạn, chịu chết và phục sinh vinh hiển. Vì thế, trong phụng vụ chính thức của Giáo hội hiện nay, biến cố Chúa trỗi dậy từ cõi chết không bị tách rời, nhưng được đưa vào ngay cả thứ Sáu tuần thánh.
Và đây cũng là lý do tại sao vào Năm Thánh 1975, Đức Phao-lô VI đã phê chuẩn một bộ Các Chặng Thánh giá mới với 15 chặng dựa sát trên Tin Mừng hơn.
– Thứ tư, trong 20 Mầu nhiệm kinh Mân côi, rõ ràng chúng ta có cả 5 mầu nhiệm mùa Thương (suy niệm về các biến cố Chúa Giê-su lo buồn đổ mồ hôi máu, chịu đánh đòn, chịu đội mũ gai, vác cây thánh giá, chịu chết trên cây thánh giá) lẫn 5 mầu nhiệm mùa Mừng (suy niệm về các biến cố Chúa Giê-su sống lại, lên trời, và cử Chúa Thánh Thần xuống);
– Thứ năm, bằng việc phát triển ý tưởng phối hợp những biến cố được khắc ghi ở hang toại đạo của Thánh Callisto với các biến cố hậu phục sinh để tạo ra Các Chặng Phục sinh, Cha Sabino Palumbieri, Giáo sư môn nhân chủng học tại Đại học Sa-lê-diêng ở Roma, được coi là người khởi xướng thực hành Đàng Ánh sáng hiện nay.
Vào mùa Hè năm 1988, cha đã đề xuất việc tạo ra một hình thức thực hành đạo đức bình dân mới là đi Đàng Ánh sáng theo mẫu của Các Chặng Thánh giá, nhưng khác với Các Chặng Thánh giá, các Chặng mới sẽ tập trung vào biến cố Chúa Phục Sinh và các sự kiện tiếp theo biến cố trọng đại này cho đến thời điểm Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Huấn quyền của Giáo hội
Tàil iệu của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích mang tên Hướng dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ nói về Đàng Ánh Sáng như sau:
Trong những năm gần đây, có một việc đạo đức, gọi là Đàng Ánh sáng (Via lucis) được phổ biến ở nhiều nơi. Lấy mẫu từ Đàng Thánh giá, trong Đàng Ánh sáng các tín hữu được mời bước theo một hành trình lần lượt nhìn lại các lần Chúa hiện ra từ khi Người sống lại cho đến khi lên trời.
Qua những lần Chúa hiện ra như thế và trong cả viễn cảnh Chúa quang lâm sau này, Chúa đã bày tỏ vinh quang của Người cho các môn đệ, trong khi các ngài chờ đợi đón nhận Chúa Thánh Thần mà Người đã hứa ban hiện xuống (Ga 14,26; 16, 13-15; Lc 24, 29), để củng cố đức tin của các ngài, hoàn thành các lời Người giảng dạy về Nước Trời, và sau cùng, định hình cơ cấu bí tích và phẩm trật của Giáo hội.
Việc đạo đức đi Đàng Ánh sáng giúp giáo dân nhớ lại biến cố trung tâm của đức tin – sự phục sinh của Đức Ki-tô – và địa vị làm môn đệ của mình, mà bí tích Rửa Tội đã đưa họ từ đêm tối của tội lỗi đến ánh sáng của ân sủng (Cl 1,13; Ep 5,8).
Qua nhiều thế kỷ, Đàng Thánh giá, vốn giúp cho các tín hữu tham dự vào biến cố khởi đầu của mầu nhiệm Phục sinh – cuộc Thương khó – đã góp phần vào việc định hình những khía cạnh khác nhau của nội dung cuộc thương khó ấy trong cảm thức của giáo dân.
Ở thời đại chúng ta, cũng tương tự như thế, Đàng Ánh sáng cũng giúp hiện tại hóa nơi các tín hữu thời điểm thứ hai hết sức trọng yếu của cuộc Vượt qua của Chúa, là sự phục sinh, với điều kiện việc đạo đức này diễn ra theo đúng với nội dung Tin Mừng.
Người ta thường nói “qua thập giá tới ánh sáng”. Đàng Ánh sáng thật sự có thể trở nên một bài sư phạm tuyệt hảo về đức tin. Thực vậy, Đàng Ánh sáng lấy ẩn dụ là một con đường phải đi, giúp các tín hữu hiểu rõ hơn hành trình thiêng liêng, khởi đi từ nhận thức về thực tại đau khổ, mà theo ý định của Thiên Chúa, thực tại này không phải là điểm dừng cuối cùng của cuộc đời con người và tiến đến niềm hy vọng được đạt tới mục đích đích thực mỗi người theo đuổi: Sự giải thoát, niềm vui, bình an, vốn là những giá trị chủ yếu của phục sinh.
Sau cùng, trong một xã hội thường được mang dấu ấn của lo âu và hư vô, tiêu biểu cho “nền văn hóa sự chết”, Đàng Ánh sáng làm nên một kích thích tố hiệu quả giúp xây dựng “nền văn hóa sự sống”, nghĩa là nền văn hóa biết đón nhận những trông đợi của hy vọng và các xác quyết của đức tin.
Danh sách Các Chặng phục sinh Dầu có thể tồn tại những phiên bản khác biệt ở cấp địa phương về danh sách Các Chặng Phục sinh, dường như danh sách sau đây ngày càng được công nhận: 1. Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết. 2. Các môn đệ tìm thấy ngôi mộ trống. 3. Chúa Giê-su phục sinh hiện ra với bà Maria Mác-đa-la. 4. Chúa Giê-su hiện ra trên đường đi Emmaus. 5. Nhận ra Chúa Giê-su khi Người bẻ bánh. 6. Chúa Giê-su hiện ra với cộng đoàn các môn đệ tại Giê-ru-sa-lem. 7. Chúa Giê-su ban cho các môn đệ bình an và quyền tha tội. 8. Chúa Giê-su củng cố đức tin của Tô-ma. 9. Chúa Giê-su hiện ra bên bờ biển hồ Ti-bê-ri-a. 10. Chúa Giê-su tha thứ cho Phê-rô và trao phó cho ông chăm sóc đoàn chiên của Ngài. 11. Chúa Giê-su sai các môn đệ đi đi đến với muôn dân. 12. Chúa Giê-su lên trời. 13. Đức Maria và các môn đệ canh thức cầu nguyện tại lầu trên. |
LM GIUSE PHẠM ĐÌNH ÁI, SSS