Tôi sống ở một nơi không nổi tiếng gì nhưng nói đến là người Sài Gòn ai cũng biết. Hỏi địa chỉ ở đâu mà nói là ở đường rầy xe lửa số 6 thì kể như không cần hỏi thăm. Sau nữa còn là sự nổi tiếng với chuyện con số 13, phường 13 (Phú Nhuận), ấy là cả ban lãnh đạo phường và dân phòng tất thảy 13 người đi cứu trợ miền Trung rồi tai nạn đi hết cả.
Người dân không giàu, nhưng hiền lành
Phường 13 cũng nổi tiếng là nơi 3 không: Không trường lớp từ mẫu giáo đến trung học, không công viên vườn hoa, không có nhà máy doanh nghiệp nào cả. Do không có mẩu đất dư nào nên trẻ con phải đi học ké phường khác, chơi nhờ nơi khác.
Sau khi thành phố cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, mọi người gọi cái thẻo đất dài như cái thắt lưng chạy dọc kênh là “công viên bờ kè”. Dù nó chỉ vừa vặn có hai hàng gạch chừng 40 cm và một hàng cây xanh giáp biên đường nhưng cũng đủ làm cho dân sướng rơn.
Nói về không gian đô thị như thế là quá nghèo nàn, không đủ chuẩn nào hết trong hệ thống tiêu chí chất lượng sống đô thị về cây xanh, vỉa hè, lòng đường, an toàn cháy nổ, cho dù có ăn gian cách mấy cũng không bao giờ được gọi là khu phố kiểu mẫu.
Tuy vậy, bù lại thì đây lại là khu dân cư rất tử tế. Tôi sống ở đây hơn 20 năm, vậy mà tịnh không thấy có vụ đánh chửi nhau, không có nhậu nhẹt quá chén, không có xì ke ma túy, mà nếu có là người nơi khác thảng qua mang tới, hiếm, thậm chí là không có chuyện ly dị nữa.
Người dân không giàu, nhưng hiền lành, sống có tình nghĩa. Tìm hiểu lịch sử mới biết dân ở đây đa phần là người miền Bắc di cư năm 1954 và tất cả đều theo Công giáo. Sau này do hoàn cảnh kinh tế – xã hội biến động cho nên bắt đầu có các gia đình người khác sống xen cài, nhưng cũng còn đến hơn 80% là hộ gia đình theo Công giáo.
Trong cuộc sống làm sao mà không có chuyện này khác, nhưng bà con biết nhường nhịn, tự thu xếp với nhau, nếu quá đi một chút thì có mấy vị chức sắc đến dàn xếp là mọi chuyện ổn thỏa.
Nhiều nhân sĩ nổi tiếng đến ở
Phường này cũng là một trong những nơi đầu tiên của thành phố khởi xướng phong trào mở hẻm, xén nhà. Mở xong hẻm thành đường, mỗi nhà mất đến 2 mét mặt tiền, nhà ngắn lại nhưng ai cũng vui.
Ông tổ trưởng của tôi, ông Khang mới nghỉ vài năm. Ông bắt đầu làm tổ trưởng từ năm 1975 đến lúc qua 75 tuổi mới xin nghỉ. Chẳng có đồng lương bổng nào, nhưng ông có tinh thần với bà con lắm.
Tôi không tò mò hỏi, nhưng biết đại thể là ông có chân ở trong Ban Hành giáo nên được mọi người rất nể trọng. Ông làm nghề cắt tóc, nhưng già rồi, tay run không còn cầm dao kéo được nữa. Từng ấy năm trời thu đủ các loại tiền của dân mà không tơ hào lấy một xu.
Những nơi có đông bà con Công giáo cư trú thì ngoài tổ chức chính thức của nhà nước ra còn có tổ chức xứ đạo của mình. Tổ chức này cùng bà con đã tạo ra một loại hình tự quản đô thị rất có trách nhiệm. Không biết có phải vì sự tử tế này không mà phường có rất nhiều nhân sĩ nổi tiếng đến cư trú. Có tới ba ông hiệu trưởng, hiệu phó đại học, năm giáo sư, dăm tiến sĩ, vài ba nhạc sĩ, nhà thơ, còn sĩ quan nghỉ hưu, cán bộ trung – cao cấp cũng kha khá.
Thật ra những cộng đồng như thế ở Sài Gòn có nhiều lắm. Cộng đồng người Khmer theo đạo Phật, cộng người người Chăm theo đạo Hồi, cộng đồng người Việt theo Tin Lành, theo Công giáo… Mỗi cộng đồng có những sắc thái riêng về phong tục tập quán, lối sống nhưng điểm chung là họ đều có một đức tin bền vững vào sự tử tế và những điều tốt lành.
Niềm tin này được giáo huấn ngay từ khi còn trong bụng mẹ và nuôi dưỡng khi trưởng thành. Nó như một thứ chất đề kháng lại cái xấu và cảnh tỉnh họ tránh xa những cái tiêu cực luôn rình rập đây đó. Tôn giáo nào cũng răn dạy con người hướng tới điều tốt lành, chả có tôn giáo nào lại khuyến khích con dân của mình làm điều xằng bậy.
Khu phố có những dòng sông lấp lánh
Cứ mỗi buổi chiều, cha con tôi đi bộ từ nhà ra bờ kênh tập thể dục. Bao giờ chúng tôi cũng đi ngang qua nhà thờ Tân Hòa vào đúng 5 giờ kém 5 phút để nghe tiếng dàn chuông ba cái ngân một hồi thật hay và say sưa ngắm nhìn những khuôn mặt phúc hậu của các bà các cô, nét thánh thiện của các em, các cháu đi lễ nhà thờ.
Niềm tin vào những điều cụ thể thật khó bởi nó gắn với cơm áo, lương tiền, giá cả, đúng sai, công bằng. Những chuyện này không bao giờ ổn định, nay đúng mai sai. Thế nhưng niềm tin vào sự tử tế và lương thiện, vào những biểu tượng không cần chứng minh thì ráng mà giữ.
Cũng như đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thủy, tôi có niềm tin “Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn” (lời trong phim Chuyện tử tế). Một khi niềm tin đời thường đã không có mà niềm tin vào nơi xa thẳm cũng bị hủy hoại thì thật đáng sợ.
Những ngày Noel, đến các khu Công giáo như khu phố tôi ở vào buổi tối sẽ bắt gặp những dòng sông ánh sáng lấp lánh trên trời, ấy là hàng nghìn bóng đèn màu li ti được bà con phủ kín trên đỉnh cao của hẻm tạo ra những dòng sông ánh sáng với nhiều màu khác nhau.
Đèn, hoa lấp lánh giăng khắp các hẻm phố, mỗi điểm giao cắt của hẻm phố là một hang đá có máng cỏ nơi mà Chúa Giêsu sinh ra. Từ một cốt chuyện và cũng chỉ có bấy nhiêu nhân vật thôi, nhưng mỗi nhóm lại sáng tạo ra một “góc thiêng” của mình rất độc đáo. Mỗi năm lại mỗi khác, do vậy mà tạo ra một khung cảnh thật kỳ ảo, phố xá mỗi năm được khoác một tấm áo mới.
Mỗi năm, cha con tôi sung sướng dạo bộ không chỉ một lần qua các dòng sông ánh sáng đó và thong thả bước chân vào Nhà thờ Ba Chuông để cầu nguyện cho mẹ tôi. Mẹ tôi cũng là một người con của Chúa có tên thánh Maria. Cách nay vài năm, mẹ tôi đã về với Chúa.
Một thành phố bình yên, đáng sống được bắt đầu từ mỗi gia đình, mỗi hẻm phố.
Nhà thờ Tân Hòa xưa kia còn gọi là Nhà thờ Kiến Thiết (1960). Số giáo dân khi mới thành lập chỉ vài chục nóc nhà, chưa đầy 100 người. Sau này, nhờ hình thành cư xá Khu Ngói Đỏ nên số giáo dân gia tăng khoảng 400 người. Ngôi Thánh đường đầu tiên được xây dựng năm 1966, từ ngôi nhà nguyện nhỏ nguyên thủy. Chung quanh nhà thờ có vài cái ao, mỗi ao khoảng 150 m2. Trong khi xây dựng lần hai, Nhà thờ đã cho lấp hai ao để dựng núi Đức Mẹ và kiến tạo vườn cây thiên nhiên cho hợp với kiến trúc mới. Tháng 11 năm 1995, Giáo xứ xây dựng Thánh Mẫu Điện dâng kính Mẹ Maria, trong đó có giữ lại những nguyên tích có giá trị của ngôi Thánh đường cũ. Theo tgpsaigon.net |
GS-TS NGUYỄN MINH HOÀ