1.
Người phụ trách cho biết: Đã tìm đặt được chỗ nghỉ thuộc nhà Đạo, trên cả tuyệt vời… Nhà nghỉ hành hương này do toà giám mục phụ trách.
Đoàn đi du lịch Hè!
Xe mới vào cổng và sân nhà nghỉ hành hương tớ thấy hài lòng ngay.
Dãy nhà nghỉ dường như mới xây, được ốp đá trông sang, đẹp, thanh nhã.
Khoảng sân rộng, có đặt tượng Lòng thương xót của Chúa như đang ban phước lành, làm du khách thêm bình an.
Tớ là linh mục, có lẽ vì thế nhà hành hương ưu ái cho một phòng nghỉ riêng, có máy lạnh. Điều này cũng rất tiện lợi cho việc thực thi bổn phận kinh hạt…
Phòng ốc cũng tuyệt vời, sáng sủa, sạch đẹp…
Trong phòng riêng, đến giờ, tớ mở Các giờ kinh phụng vụ chu toàn bổn phận. Tớ ngước nhìn chính diện trong phòng, nơi thường trưng ảnh tượng thánh để định vị và tịnh tâm… Không có!
Ngước tìm khắp phòng. Không có!
Tớ thấy lạ quá. Khu hành hương nhà Đạo, sao lại không trưng ảnh thánh, như cách tối thiểu để tuyên xưng đức tin!?
2.
Mỗi lần ghé quán ăn hay mua đồ, biết gia chủ có Đạo mà không thấy đặt ảnh tượng thánh tớ hay thẳng ruột góp ý.
Đối với tớ đây không phải là việc “nên” mà là “phải”, vì đấy cũng là cách công khai sống đức tin, như cách truyền giáo…
Ảnh tượng thánh còn có tác dụng xua đuổi ma quỷ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ở đâu có Chúa hiện diện thì ma quỷ bị đẩy lui, tiêu diệt.
Theo Cha Gabriele Amorth, nhà trừ quỷ thời danh của thành Roma: Ảnh tượng thánh còn có tác dụng trừ ma quỷ.
Quả thế, trong tác phẩm Nhà trừ quỷ kể truyện – Linh mục Gabriele Amorth, ngài viết:
Tôi muốn thêm một số suy tư về tầm quan trọng chở che của các ảnh tượng thánh, cả đeo trong người lẫn đặt ở những nơi như trước cửa nhà, trong phòng ngủ, phòng ăn, hoặc căn phòng được gia đình xử dụng nhiều nhất. Ảnh tượng không phải là bắt chước phong tục ngoại đạo về một thứ “bùa cầu may” nhưng là theo quan niệm Kitô giáo để noi gương và tìm kiếm sự che chở của những vị mà ảnh tượng đó là đại diện. Ngày nay tôi thường thấy nhiều nhà có treo chiếc sừng đỏ ngay trước cửa, và khi tôi đi từ phòng này sang phòng khác để làm phép, tôi thấy rất ít những ảnh thánh. Đó là một sai lầm lớn”.
3.
Theo Từ Điển Công giáo: “Ảnh tượng thánh là hình hay tượng biểu thị Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh, đã được thánh hóa để tôn kính, thuộc nghệ thuật thánh“.
Ảnh tượng thánh dùng trong phụng vụ chủ yếu trình bày Chúa Giêsu. Tuy ảnh tượng không thể trình bày được Thiên Chúa vô hình, nhưng chính việc Con Thiên Chúa làm người đã mở đầu một sắc thái mới cho ảnh tượng. Cũng như Thánh Kinh dùng lời để truyền đạt sứ điệp Phúc Âm thế nào, nghệ thuật thánh cũng dùng ảnh tượng để chuyển tải như thế. Hình ảnh và lời làm sáng tỏ lẫn nhau (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, 1160).
Ảnh tượng của Đức Mẹ và các thánh đều quy về Đức Kitô – Đấng được tôn vinh nơi các ngài. Ảnh tượng thánh còn nhắc nhở tín hữu rằng con người vốn được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa’ và sẽ được trở nên giống như Ngài (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, 1161).
Hội Thánh Công giáo duy trì thói quen đặt ảnh tượng thánh trong các giáo đường cho các tín hữu tôn kính, nhưng lưu ý rằng số ảnh tượng chỉ vừa phải và được xếp đặt sao cho thích hợp, không làm giáo dân chia trí như gây nên lòng tôn sùng thiếu đúng đắn (SL 125).
Chợt nhớ…
Nhà thương Thánh Tâm, Hố Nai, vốn trước 1975 của Hội Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, sau này nhà nước tiếp quản. Dẫu bây giờ xây dựng nhiều dãy phòng bệnh mới, nhưng với những dãy phòng bệnh của Nhà Dòng xây trước, Bệnh viện vẫn treo ảnh Đạo. Điều này góp phần cho bệnh nhân tìm được phần nào tâm an, việc chữa bệnh như có ơn trên, hiệu quả thấy rõ.
Lý giải về vấn đề lưu dụng ảnh tượng thánh trong bệnh viện, có người bảo không dám gỡ xuống vì sợ. Tớ lại nghĩ khác: Việc đó phần nào cho thấy chính quyền còn sự tôn trọng đời sống tâm linh, tôn giáo.
Lẽ nào nhà Đạo lại lơ là việc treo ảnh tượng thánh!?
LM ĐA MINH HƯƠNG QUẤT