Sinh ra trong một gia đình Công giáo tại Giáo xứ Chợ Quán, Quận 5, hiện Trần Tấn Phúc đang sinh hoạt tại nhà thờ Gioan Phaolô II, Quận 3, Sài Gòn. Theo truyền thống, đáng ra Phúc theo con đường đi tu, nhưng có lẽ Chúa đã sắp đặt để anh phát huy cái tài của mình ở một lĩnh vực khác, lĩnh vực mà cho đến nay đã gắn với anh như một cái “nghiệp” – nghề làm du lịch.
Luyện cả kỹ năng… nghe chửi
“Hướng dẫn viên chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, nó đòi hỏi rất nhiều kỹ năng xử lý tình huống nhanh nhạy nhất. Thậm chí, ngay cả kỹ năng nghe chửi mình cũng phải quen. Nói rằng làm nghề này chấp nhận hy sinh nhiều mối quan hệ trong cuộc sống cũng đúng.
Nhưng đã chọn thì phải thấy vui vẻ, hạnh phúc với công việc dù nó có khó khăn đến thế nào. Đó mới đúng là người hướng dẫn viên chuyên nghiệp”, anh Trần Tấn Phúc, Giám đốc Công ty du lịch Quốc tế Khám Phá, chia sẻ.
Tuổi thơ của Phúc khá êm đềm, anh học trong trường dòng đến năm 12 tuổi. Có lẽ vì thế đã hình thành cho Phúc tư tưởng của người phục vụ. Ước mơ của Phúc được dẫn lối từ lời khuyến khích của một người thầy giảng dạy tại Trường KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh. Âu cũng là duyên để chàng sinh viên khoa tiếng Anh năm nào trở thành một hướng dẫn viên thực thụ.
Năm 2001 Phúc bắt đầu theo học thêm về nghiệp vụ du lịch. Phúc vừa học vừa dẫn tour cho các đoàn bao gồm các đoàn trong nước và ngoài nước. Mọi thứ liên quan đến du lịch bắt đầu gắn chặt với Phúc từ đây. Chính từ nghề Phúc bắt đầu tìm thấy niềm vui, hạnh phúc và tinh thần làm việc phụng sự theo ý Chúa.
Giám đốc kiêm luôn cu-li
Nói Phúc sinh ra để làm nghề hướng dẫn viên du lịch cũng chẳng sai, bởi những khách hàng dù khó tính đến đâu anh cũng chiều lòng họ được. Lạ ở chỗ, rất nhiều du khách khi đã được anh dẫn tour thì nhất quyết chỉ làm việc với Phúc. Đến nỗi, Phúc không dẫn tour thì họ không đi.
Năm 2011, do bất đồng về lý tưởng trong công việc, Phúc tách ra tự mở công ty du lịch riêng để thỏa niềm đam mê, tâm huyết. Bởi với anh, một người hướng dẫn viên thực thụ phải là người có chuyên môn cao và đặt trọn tâm huyết vào mỗi tour mình đảm nhận. Hiếm có một công ty du lịch nào mà giám đốc chính là người trực tiếp đi khảo sát và tự dẫn tour luôn.
Không ít các đồng nghiệp hỏi Phúc có thấy ngại không khi làm giám đốc kiêm làm “cu-li”? Anh chỉ cười và nói: “Ngược lại, rất vui và hạnh phúc vì điều đó”. Cũng chính tinh thần, nhiệt huyết mong muốn làm du lịch phải có chuyên môn cao, người điều hành phải xuất thân từ nghề mà hơn 15 năm qua những khách đã đi tour với anh không bao giờ bỏ anh dù anh có thay đổi công ty đi chăng nữa.
“Làm du lịch khó khăn nhiều lắm, nhưng đã chọn thì không bao giờ từ bỏ”.
Trần Tấn Phúc, Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế Khám phá
Phúc chia sẻ thêm: “Chính đức tin ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc của anh hiện tại. Không từ nan việc khó, thậm chí là làm tốt công việc mà người khác chê có thế mới là phụng sự”.
Cho đến nay, tất cả chương trình tour của Phúc đều đi theo hướng làm tour chuyên đề dù biết rằng, chọn cách làm khó mình như vậy là anh phải đầu tư đồng bộ nhiều thứ bao gồm: chuyên môn, chất lượng, hành trìnhđi tour.
Hỏi Phúc có khó khăn không khi chọn cách làm tour chuyên đề, loại tour chỉ phổ biến ở các công ty nước ngoài? “Khó khăn thì nhiều lắm nhưng đã chọn thì không bao giờ từ bỏ”, Phúc tâm sự.
Học biết thế nào là phục vụ thật sự
Tinh thần phục vụ của Trần Tấn Phúc không chỉ thể hiện trong công việc kinh doanh mà còn thể hiện trong cộng đồng Công giáo. Ít ai biết rằng, chàng giám đốc – hướng dẫn viên du lịch ấy đang lèo lái một ca đoàn với tên gọi Du Ca.
Cái duyên để anh quyết định thành lập ca đoàn xuất phát từ những năm tháng anh được tham gia với ca đoàn Trùng Dương – ca đoàn đầu tiên của Việt Nam. “Ở đây cô chú nào cũng giỏi, cũng biết chơi đàn hết. Chính tại ca đoàn này tôi được học nhạc lý và biết đánh nhịp là như thế nào”.
Phúc nhớ lại: “Lời chia sẻ của bác ca trưởng Nguyễn Hoàng Hương ở ca đoàn Trùng Dương làm tôi nhớ mãi: “Gần cha xa Chúa”. Khi vào một nhà thờ, người ta sẽ tập trung vào ca đoàn trước tiên chứ không phải người ta tập trung vào linh mục. Nhà thờ nào hát hay thì giáo dân đi lễ đông. Các bạn ca đoàn hiểu được vai trò của mình nên cũng trịch thượng lắm. Chính bác Nguyễn Hoàng Hương đã chỉ cho tôi biết thế nào là phục vụ thật sự”.
Những câu chuyện cũ dần được hồi tưởng. Có những chuyện vui, không vui trong một số ca đoàn mà anh đã tham gia. Nhưng những gì mà Phúc đang chia sẻ làm cho người nghe cảm nhận được nhiều hơn những cuộc vui mà anh đã có khi còn là cậu bé được vinh dự hát trong ca đoàn.
Sau đó, Phúc quyết định thành lập ca đoàn với mong muốn giúp mọi người tìm được niềm vui, đức tin với cuộc sống… Thấy những người bạn cũ vui hơn, tinh thần tốt hơn, Phúc cũng thấy vui khi lý tưởng phục vụ bằng âm nhạc được mọi người hưởng ứng nhiệt tình.
Xuất phát từ dân học văn chương lại chẳng kinh qua một nghiệp vụ kinh doanh nào đã góp phần không nhỏ cho những thất bại khi mở công ty du lịch của Phúc. Anh phải mất năm năm tự mình trau dồi các kiến thức kinh doanh, tự mình nỗ lực để đi vững trên con đường anh chọn.
“Đạo Công giáo đã dạy Phúc rất nhiều về yêu thương và phục vụ con người bằng chính tình yêu và đạo đức của mình. Đạo đức ở đây là mình phải ý thức được công việc kinh doanh, phải uy tín và đặt lợi ích của khách hàng lên trên lợi ích của bản thân mình và giá trị cho cộng đồng phải hơn giá trị mình nhận về. Điều này đã giúp Phúc rất nhiều trong việc vững tin bước tiếp”, Phúc chia sẻ.
Phúc chia sẻ thêm: “Đôi khi trong quá trình hình thành có nhiều biến cố xảy ra, thậm chí có nguy cơ tan rã nhưng mình vẫn thu xếp mọi thứ cho tốt và không từ bỏ mong muốn duy trì ca đoàn”.
Từ tinh thần của ca đoàn Trùng Dương, Phúc quyết tâm làm bằng được, không để cho niềm yêu thích ca hát của mình bị ngoại cảnh tác động mà từ bỏ. Sau bao nỗ lực duy trì, cuối cùng nhóm hát Du Ca cũng được hình thành trên nền tảng ban đầu là ca đoàn Lang Thang.
Dù có gặp trở ngại như thế nào đi chăng nữa Phúc vẫn hiểu rằng anh đang lo việc nhà Chúa vì vậy anh phải làm hết khả năng của mình. Đấy cũng chính là lý do Phúc tự hào khi mình đã duy trì ca đoàn như một gia đình, một sân chơi theo đúng tinh thần phục vụ.
Nhóm Du Ca là những mảnh ghép từ những các em sinh viên các tỉnh khác nhau về thành phố học tập. Anh không chỉ lo cho các bạn trẻ sân chơi mà còn giúp các em có thêm những kỹ năng khác trong cuộc sống để không bị cám dỗ hay sa ngã vào những thói xấu.
“Đôi lúc mình nghĩ mình giúp các bạn có sân chơi để không cảm thấy lạc lõng, điều này mình bị chửi cũng không ít. Nhưng cứ nghĩ đến công việc phục vụ thì cứ làm cho thật hết sức thôi”, Phúc chia sẻ thêm.
Tuy ca đoàn hình thành không theo một luật nào, nhưng các thành viên Du Ca rất ý thức và tự giác trong mỗi giờ đi tập. Lịch tập đều đặn của nhóm là chiều thứ Hai và chiều thứ Sáu hàng tuần được tuân thủ nghiêm ngặt. Mặc cho có ca trưởng hay không thì các bạn vẫn tập hát theo đúng lịch.
Hiện tại, ca đoàn Du Ca hát lễ chiều thứ Bảy hàng tuần tại nhà thờ Gioan Phaolô II, Quận 3. Sáng Chúa nhật thứ tư của tháng tại Đan viện Cát Minh, Quận 1.
TRANG QUỲNH