Đất nước bước vào giai đoạn mới, có những chuyện nhiều người biết, nhưng chỉ có thể nói đến vào những thời điểm thích hợp. Câu chuyện tôi kể cho các bạn đã xảy ra ở nhiều gia đình, nhiều người. Do vậy cách tiếp cận giản dị nhất là hãy bắt đầu từ gia đình tôi, từ mẹ tôi. Đó là một người phụ nữ bình dị như biết bao người phụ nữ khác ở miền Bắc. Bà mang tên thánh là Maria.
Cô gái xóm đạo đi thoát ly
Mẹ tôi sinh ra trong gia đình Công giáo ở Hà Nội. Ông ngoại tôi là người Tây học, nói thạo tiếng Pháp và là một trong số những người ít ỏi đầu tiên ở Việt Nam hành nghề nhiếp ảnh. Số phận đưa đẩy ông ngoại tôi phiêu bạt về một tỉnh miền Trung du. Ở đây mẹ gặp cha tôi và từ đó bà bắt đầu một cuộc sống thăng trầm theo gia đình nhà chồng.
Cha tôi là con trưởng. Mẹ tôi về làm dâu, ở cùng cha mẹ chồng. Ông nội tôi là một người biết làm ăn nên có phần khá giả. Cũng như những thanh niên khác thời đó, cha mẹ tôi tham gia công việc nhà nước. Cha tôi đi bộ đội. Mẹ tôi tham gia vào đoàn thể như Hội Phụ nữ xã – huyện, Dân công, Bình dân học vụ.
Ngày ấy, những người đi ra khỏi nhà để làm việc nhà nước, bất kỳ việc gì miễn là không ăn cơm nhà thì được gọi là “thoát ly”. Muốn đi lễ thì cũng không có nơi nào mà đi, bởi những năm 1960, nhiều nơi ở miền Bắc, các đình chùa, miếu mạo, nhà thờ đã đóng cửa. Giáo dân chỉ đọc kinh thầm trong nhà.
Ngay cả trong quân đội cũng có tình trạng như vậy, đã có lần vào nửa đêm thay ca gác tôi mới biết anh bạn cùng chiến hào với mình là giáo dân vì bắt gặp anh ấy đang lẩm nhẩm đọc kinh. Anh ấy đã ngã xuống ngay trước cửa ngõ Sài Gòn vào buổi sáng ngày 30-4- 1975, về với Chúa sau khi hoàn thành ổn phận của một công dân miền Bắc.
Sau năm 1975, đất nước chuyển dần từ thời chiến sang thời bình, cuộc sống dần dần lấy lại được cái gọi là “mùa bình thường” như Văn Cao viết trong bài hát Mùa xuân đầu tiên. Trong cái đà dần hồi phục ấy, tôn giáo cũng bắt đầu hồi sinh cho dù rất chậm chạp. Chùa chiền, nhà thờ, các công trình được phục dựng, sơn sửa, không khí tâm linh ấm dần lên lan tỏa đến từng nhà. Không khí cởi mở với tôn giáo, nhất là với Công giáo được ghi nhận nhiều hơn từ sau những năm 1990.
Ngôi nhà có cả bàn thờ Chúa và Phật
Sau năm 1990, khi đi học ở nước ngoài về tôi bất ngờ thấy ở trong nhà mình có bàn thờ Chúa, điều mà chưa bao giờ tôi nghĩ đến. Hỏi ra mới biết mẹ tôi đã trở lại với niềm tin của mình sau mấy chục năm gián đoạn.
Cha tôi là một người cộng sản nhưng không phản đối việc mẹ tôi trở lại với đức tin của mình. Vì thế không ngạc nhiên, trong nhà tôi ngoài bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên thì còn có bàn thờ Chúa.
Tôi là người ngoại đạo, hay nói đúng hơn là vô thần, là nhà khoa học có nghiên cứu ít nhiều về tôn giáo. Với tôi, tôn giáo trong đó có Công giáo, ban đầu đơn thuần chỉ là đối tượng để nghiên cứu, phân tích. Nhưng dần dần tôi có thiện cảm, mối thiện cảm này bắt nguồn từ chính mẹ tôi và sau là những hàng xóm của tôi ở phường 13, quận Phú Nhuận, Sài Gòn (xem bài Nhà khoa học ngoại đạo sống trong xóm đạo).
Tôi biết chắc chắn đức tin và đạo đức Công giáo ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách và lối sống của con người trong đạo nhiều lắm. Từ khi sinh ra và lớn lên, suốt hàng chục năm trời tôi chưa thấy mẹ tôi đánh chúng tôi một roi nào. Mẹ tôi cũng chưa một lần nói tục, thậm chí chưa một lần giận dữ theo kiểu “đá thúng, đụng nia” cho dù lũ chúng tôi bảy đứa (bốn trai, ba gái) không phải lúc nào cũng ngoan ngoãn, quan hệ với mọi người thiên hạ đâu phải lúc nào cũng thuận thảo.
Nhà tôi làm nghề ảnh ở phố huyện nên cũng có chút dư dật, được cái mẹ tôi sẵn lòng cho những người khó khăn mượn tiền. Trong số đó có nhiều người mượn rồi xù luôn, thay vì làm ầm ĩ lên thì mẹ tôi lại đến tìm hiểu xem họ làm sao mà rơi vào hoàn cảnh đó để tìm cách trợ giúp.
Mẹ tôi có một niềm tin rất lớn vào lòng tốt của con người. Bà dạy chúng tôi rằng không ai muốn làm người xấu, do hoàn cảnh đưa đẩy mà nên nỗi, khi qua cái đận đó thì họ sẽ tốt trở lại.
Tôi nhớ mãi một chuyện, vào tết năm 1965, làng tôi còn nghèo, mẹ tôi ngược xuôi mãi mới xoay xở được một liễn mỡ lợn để ăn Tết và dự tính còn tằn tiện cho cả năm. Thế mà đêm 29 tết bị mất cắp. Ngày ấy, chuyện như thế là tày đình, công an huyện tìm được người lấy cắp là một người phụ nữ chồng chết, một nách ba con ở cách nhà tôi không xa. Mẹ tôi chạy vạy xin cho người phụ nữ ấy khỏi phải đi tù và biếu luôn liễn mỡ để ăn Tết.
Cách nay chín năm, mẹ chúng tôi đã về với Chúa ở tuổi 83. Khi còn sống mẹ tôi ăn ở với xóm giềng như bát nước đầy, hầu như đám hiếu hỷ, tang ma nào của làng xã mẹ tôi cũng đều có mặt để giúp sức. Có lẽ vì vậy mà khi tiễn mẹ tôi ra đồng có rất đông bà con xóm giềng. Thêm nữa đây là đám tang mà có cả những người đạo Phật và Công giáo đến đọc kinh Phật và tham dự thánh lễ an táng trong nhà thờ.
“Mẹ tôi và nhiều người phụ nữ Công giáo miền Bắc khi xưa là thế”
Sau này có điều kiện đi nghiên cứu, tôi mới thấy chuyện như của mẹ tôi không phải là cá biệt mà khá nhiều ở miền Bắc. Tôi đã dành thời gian suy nghĩ rất nhiều và coi đó là một hiện tượng xã hội diễn ra trong một thời kỳ rất đặc biệt.
Riêng với trường hợp những người như mẹ tôi, chỉ có thể lý giải được là ở họ niềm tin vào sự thiêng liêng rất bền vững, không gì phá vỡ được, đôi khi do hoàn cảnh họ phải tiết chế hành động ra bên ngoài. Nhưng niềm tin thì vẫn nguyên vẹn trong trái tim và khối óc của họ. Niềm tin vào Thiên Chúa là niềm tin của cảm xúc yêu thương, tha thứ. Do vậy nó sẽ đi mãi với những ai khi đã đặt trọn niềm tin vào Đấng Cao Cả.
Mẹ tôi và rất nhiều người phụ nữ Công giáo miền Bắc khi xưa là thế. Họ rất thuần phác và khi họ tin thì giá nào họ cũng trở về.
Khi mẹ tôi trở về với đạo Công giáo, cha tôi có một chút băn khoăn, cha tôi sợ là khi chết mẹ tôi sẽ được an táng trong khu nghĩa trang riêng của cộng đồng Công giáo, nếu như thế hai người sẽ bị chia xa sau gần 70 năm sống bên nhau. Nhưng rồi cuối cùng thì cha mẹ tôi cũng ở bên cạnh nhau trên một ngọn đồi. Trên bia mộ, bên cạnh họ tên, chúng tôi khắc thêm dòng chữ Maria theo nguyện vọng của mẹ tôi. Vậy là cha mẹ tôi vẫn ở cạnh nhau, bà vẫn hướng về đức tin mà bà hằng theo đuổi. |
GS-TS NGUYỄN MINH HOÀ