Trong một đêm Giáng sinh khi còn ở Đức, một người đồng nghiệp bản xứ đã nói với chúng tôi: “Lúc tan lễ đêm nay, nếu anh đang bay trên bầu trời Munich, anh có thể thấy lúc cả thành phố bừng sáng lên”. Đó chính là cuối lễ, khi nhiều nhà thờ Đức đồng loạt hát lời cuối cùng của bài thánh ca Stille Nacht, Heilige Nacht (Đêm bình yên, đêm thánh) bất hủ. Người Đức có thói quen bắt đầu hát lời 1 trong trạng thái nhà thờ tắt đèn, qua lời 2 có thêm ít đèn, nến; đến lời sau cùng thì nhà thờ bừng sáng.
Số phận của bài thánh ca Giáng sinh bằng tiếng Đức được phổ biến nhất mọi thời là như thế: Ra đời ở một làng quê nhỏ bé của nước Áo để rồi đến nay, sau 199 năm được hát trên toàn thế giới với hơn 300 thứ tiếng khác nhau.
Đoàn chúng tôi gồm 19 người, kể cả lớn nhỏ, từ Việt Nam quyết định đến Salzburg một ngày trước hôm diễn ra lễ trao giải và chương trình biểu diễn piano cho 40 thí sinh quốc tế, trong đó có 5 thí sinh đoạt giải là học viên từ Trường Âm nhạc B.A.C.H của chúng tôi.
Ngôi nhà thờ nhỏ mang tên bài thánh ca
Chúng tôi dành một ngày để thực hiện lộ trình “Đêm bình yên” đến viếng thăm nhà thờ nhỏ Stille Nacht (Silent Night) nằm ở ngôi làng Oberndorf (tiếng Đức nghĩa là làng trên) nhỏ bé, thuộc ngoại ô thành phố Salzburg. Dân làng đã biến những giai điệu nổi tiếng của bài thánh ca thành một ngành kinh doanh du lịch thôn dã, không ồn ào, hoành tráng như ở trung tâm Salzburg, không có cảnh đoàn người này nối tiếp đoàn khác. Tất cả rất bình yên. Từ trung tâm Salzburg đến đây khoảng 30 km, có đường xe lửa địa phương.
Xe bus du lịch rời quốc lộ để rẽ vào đường làng mang tên Am Oberndorfer Bach (Bên dòng suối Oberndorf). Ngày Chúa nhật thật im ắng. Hầu như các hàng quán, nhà riêng đều đóng cửa. Đây là một làng nhỏ nên không có phương tiện giao thông công cộng. Bạn cần nhớ điều ấy nếu muốn du lịch tự khám phá nơi đây.
Rời bãi xe, chúng tôi đi bộ khoảng 500 m đường làng đến lối dẫn vào nhà thờ. Đi trên đường công cộng mà thấy thân thiện như trong sân riêng nhà mình. Vẻ yên bình ấy có thể cảm nhận được như khi chúng ta nghe SilentNight.
Không nhạc đệm, không chuẩn bị và đã hát không biết bao lần bài Đêm thánh vô cùng, nhưng Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy sốt sắng và xúc động như thế khi hát ngay tại nhà thờ Stille Nacht.
Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà thờ rất nhỏ như một cột hải đăng, nằm trên mô đất cao. Đó là nhà thờ Stille Nacht. Tuy mang tên đó nhưng thật ra đây không phải là nơi đã từng vang lên bài thánh ca bất hủ.
Vào ngày 24-12-1818, cha phó Joseph Mohr của giáo xứ mới thành lập nơi có nhà thờ Thánh Nicholas ở Obendorf đã đưa bài thơ mình sáng tác năm 1816 cho thầy giáo Franz Gruber – người đàn orgue cho nhà thờ và yêu cầu ông soạn thành một bài thánh ca cho hai giọng solo chung với ban hợp ca thiếu nhi của nhà thờ, có phần đệm guitar vì cây đàn orgue nhỏ của nhà thờ đã bị hư trước đó.
Người nhạc sĩ tài năng – thầy giáo Franz Gruber chỉ cần vài tiếng đã viết xong. Đêm đó, bài thánh ca được công diễn lần đầu tiên ở nhà thờ Thánh Nicholas. Cha Mohr vừa hát phần tenor, vừa đệm guitar, còn Gruber hát bè bass. Bài thánh ca đã được người tham dự thánh lễ đêm đó đón nhận nồng nhiệt. Đa số họ là những người lao động trên tàu, đóng tàu, thợ đóng tàu và gia đình họ.
Từ khởi điểm bắt đầu khiêm tốn ấy, bài thánh ca đã lan tỏa khắp châu Âu như một cơn cháy rừng. Đến giữa thế kỷ XIX, Silent Night đã trở thành bài thánh ca Giáng sinh gần như chính thức của ngôi làng nhỏ bé này.
Thật không may, nhà thờ Thánh Nicholas, nơi bài thánh ca bất hủ được vang lên lần đầu tiên, đã bị tàn phá bởi một trận lũ lụt vào đầu thế kỷ XX. Nước từ dòng sông Salzach đã tàn phá nhà thờ nhiều lần trong thập niên cuối của thế kỷ XIX. Làng không đủ tiền để sửa chữa nên đành phải phá hủy.
Vào năm 1937, một nhà thờ nhỏ được xây dựng ngay bên cạnh khuôn viên nơi nhà thờ Nicholas từng tồn tại để tưởng nhớ bài thánh ca đã làm cho một ngôi làng nhỏ của Áo vang danh khắp thế giới. Ngôi nhà thờ nhỏ được đặt tên theo bài hát, Stille Nacht. Đây là sự kiện duy nhất trên thế giới, khi một nhà thờ được dựng lên để kỷ niệm một bài thánh ca. Nhà thờ nằm trong một lùm cây được trang trí quanh năm. Phía trước, bên phải là phù điêu bằng đá hoa cương mang hình ảnh hai tác giả của Stille Nacht: cha Joseph Mohr (viết lời) cầm đàn guitar và Franx Gruber (sáng tác nhạc) đang hát ở bàn quỳ trong nhà thờ. Phù điêu này được dựng lên tại vị trí nơi có nhà thờ thánh Nicholas trước kia.
Hát Silent Night ngay tại nơi đã được trình diễn hơn 200 năm trước
Bước vào bên trong nhà thờ Stille Nacht, chúng tôi chú ý ngay đến bàn thờ chính, nơi cử hành thánh lễ. Thay vì tượng thánh giá ở trung tâm như trong nhiều nhà thờ, ở đây là bức điêu khắc tả cảnh Hài Nhi sinh ra trong hang đá. Bên dưới có ba bức tranh nhỏ: Ba vua đến thờ lạy, Chúa Giê-su trên thánh giá (hai bên là Đức Mẹ và thánh Gioan), Thánh gia trên đường chạy trốn sự truy bắt của vua Hê-rô-đê. Hai bên cánh, nằm ngoài phần bàn thờ là hình chân dung của cha Joseph Mohr và Franz Gruber. Một sự sắp xếp khéo léo. Không gian nhỏ bé, đơn sơ đến không ngờ. Chỉ có ba hàng ghế cho mỗi bên. Sức chứ chỉ vừa vặn cho đoàn của chúng tôi.
Sau khi đọc kinh và cầu nguyện riêng, chúng tôi hát Silent Night nhưng bằng tiếng Việt (Đêm thánh vô cùng, lời Việt của Hùng Lân). Thật là một trải nghiệm khó quên khi chúng tôi ngồi hát một bài thánh ca ngay tại nơi mà cách đây gần 200 năm nó đã được trình diễn. Không nhạc đệm, không chuẩn bị và đã hát không biết bao lần bài thánh ca này, nhưng chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy sốt sắng và xúc động như thế. Tuy nhỏ bé nhưng cấu trúc bên trong của Stille Nacht cũng có những phần chính thường thấy trong các nhà thờ hay vương cung thánh đường, như nơi để dâng nến cầu nguyện cho nhu cầu riêng.
Những ánh nến vàng trong các chân nến đỏ làm rực rỡ cả một góc phòng, hướng tầm nhìn chúng tôi lên một khung ảnh mang nội dung của bài thánh ca Stille Nacht được viết bằng thứ chữ cổ của Đức.
Cuối hàng ghế thứ ba bên phải, cũng là hàng ghế sau cùng, có một sổ lưu niệm khá to. Các học viên của trường chúng tôi cùng với gia đình các em đến ghi lại những cảm tưởng của mình, dâng buổi trình diễn và nhận bằng vào ngày mai tại Đại học Mozart ở Salzburg cho Thánh gia.
Cạnh nhà thờ là nhà bảo tàng StilleNacht, nằm trong khuôn viên nhà của cha Mohr xưa kia. Tại đây trưng bày tất cả những gì có liên quan đến hai tác giả của bài thánh ca này, nhất là cây đàn guitar mà 199 năm trước cha Mohr đã đàn và hát cùng nhạc sĩ Gruber trong đêm Giáng sinh.
Đó là tòa nhà một lầu, khu bảo tàng nằm trên cùng, còn tầng trệt là nơi bán hàng lưu niệm, sách, đĩa, vật phẩm liên quan đến Stille Nacht và Giáng sinh. Kể từ năm 2005, trong bảo tàng người ta chỉ sử dụng tiếng Đức. Đối với du khách không nói được tiếng Đức, luôn sẵn sàng có những tờ bướm, tập sách bằng ngôn ngữ mình lựa chọn để có thể hiểu được về nơi hành hương này.
Tất nhiên sự thay thế như thế không đủ, nhất là trong mùa hành hương đỉnh cao ở đây, thường vào tháng 12. Mỗi năm, hàng ngàn du khách đổ về hành hương nhà thờ Stille Nacht. Lúc 17 giờ ngày 24-12 hàng năm đều có một thánh lễ long trọng, trong đó bài thánh ca Stille Nacht, Heilige Nacht được hát bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Kể từ năm 2002, thánh lễ đã được truyền đi trên mạng internet nhờ hệ thống webcam địa phương.
Rời nhà thờ Stille Nacht, đoàn chúng tôi đi bộ khoảng 200 mét về phía phải để đến một điểm tham quan khá bình yên và lãng mạn khác. Đó là bờ sông Salzach, nơi đã trở thành biên giới giữa Áo và Đức. Trong tiếng Đức, “Salz” có nghĩa là “muối”. Từ nhiều thế kỷ trước, việc chuyên chở muối trên sông Salzach đã từng là nền tảng của kinh tế địa phương. Kể từ những cuộc chiến của Napoleon, ngành kinh doanh ấy suy sụp hoàn toàn, không bao giờ được hồi phục nữa.
Đứng trên bờ bên này, chúng tôi thấy rõ một nhà thờ và làng nhỏ thuộc vùng Laufen của nước Đức. Trời bỗng mưa lất phất. Những giọt nước mang vị mặn đọng trên môi chúng tôi. Phải chăng Stille Nacht, Heilige Nacht đã trở thành muối làm đậm đà kho tàng nhạc Giáng sinh không chỉ riêng cho nước Áo mà còn cho toàn thế giới, không phân biệt trong hay ngoài Ki-tô giáo?
Ngoài Đền thờ Thánh Phê-rô ở Vatican, nhà thờ Stille Nacht là một trong rất ít nơi hành hương có một trạm bưu điện riêng. Du khách hưởng thú vị khi gửi những bưu thiếp Giáng sinh được đóng dấu đúng ngày 24-12 tại nơi sinh ra bài hát Giáng sinh nổi tiếng nhất thế giới. |
NGUYỄN BÁCH